(CATP) Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài Chính tiến hành kiểm tra theo đúng pháp luật, nếu có dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước sẽ chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Nguồn gốc khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (P.12, Q.4, TPHCM) có diện tích 6.202m2 do Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam quản lý, nhưng đã bị biến thành đất tư bằng cách thu hồi, giao đất và chỉ định cho một pháp nhân do chính các công ty quản lý góp vốn thành lập.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài Chính tiến hành kiểm tra theo đúng pháp luật, nếu có dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước sẽ chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Theo đó, ngày 29-12-2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín, trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn) được thành lập với 2 thành viên là Tổng Công ty cao su Đồng Nai góp 43,2 triệu đồng (chiếm 72%), Công ty cao su Bà Rịa góp 16,8 triệu đồng (chiếm 28%).
Ngày 25-3-2010, UBND TPHCM có quyết định 1366/QĐ-UBND thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín để đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến ngày 10- 9-2014, toàn bộ phần vốn góp của Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín đã bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn "biến" từ đất công thành tư, nay đã là chung cư cao cấp
Thông tin trong quyết định số 10.9/QĐ-HĐQT của HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, ngày 10-9-2014, thể hiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín với giá xấp xỉ 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ vốn góp lên tới 99,5% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Sau khi nhận chuyển nhượng và nắm được Công ty Phú Việt Tín hơn 2 tháng, ngày 14-11-2014, bà Nguyễn Thị Như Loan đã ký quyết định 14/QĐ-HĐQT đồng ý chuyển nhượng 40% phần vốn góp của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trong vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín cho Công ty CP bất động sản Thịnh Vượng với giá trên 340 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển nhượng 54% vốn điều lệ còn lại cho Công ty CP Biệt thự Thành phố với giá trên 459 tỷ đồng (!?).
7 năm sau, vào ngày 31-3-2017, Công ty Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sát nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên. Được biết, khu đất này sau khi được biến thành tài sản tư đã được đã được chuyển đổi qua nhiều chủ và đến nay đã biến thành chung cư cao cấp, bán cho hàng ngàn khách hàng.
Trong quá trình rà soát vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12-02-2009 của Chính phủ. Việc UBND TPHCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dư luận hiện nay đang thắc mắc tại sao Công ty Phú Việt Tín được giao đất phát triển dự án mà không lập dự án đầu tư, vi phạm các quy định pháp luật nhưng vẫn không bị phát hiện. Có hay không việc thất thoát tài sản công trong thương vụ chuyển nhượng vốn góp của Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Công ty Phú Việt Tín?