Tranh cãi về giám định thiệt hại trong vụ Vinasun kiện Grab

Thứ Sáu, 23/11/2018 09:47

|

(CAO) Xác định thiệt hại của Vinasun là mấu chốt quan trọng nhất trong vụ kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền hơn 41,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, xung quanh việc chứng minh thiệt hại của Vinasun đang có sự tranh cãi gay gắt khi cả hai phía đều đưa ra những quan điểm riêng của mình.

Công ty giám định giải thích gì?

Trong văn bản giải trình do ông Trần Văn Hoài – Tổng giám đốc công ty CP thẩm định – giám định Cửu Long (là tổ chức giám định trong vụ kiện giữa Vinasun và Grab) ký gửi tới TAND TP.HCM để làm rõ cách tính thiệt hại của Vinasun cho biết cổ phiếu của Vinasun (VNS) và giá trị vốn hóa thị trường của công ty này liên tục giảm do các thông tin bất lợi từ Grab, Uber.

Tranh cãi về giám định thiệt hại trong vụ Vinasun kiện Grab

Cụ thể, vào ngày 31-12-2015, điểm số của thị trường chứng khoán TP.HCM là 579,03 điểm, giá của VNS là 30.400 đồng, giá trị sổ sách là 21.053 đồng, chỉ số giá trên sổ sách của VNS là 1,44 lần, chỉ số giá sổ sách toàn thị trường là 1,72 lần.

Đến ngày 30-6-2017, điểm số của thị trường chứng khoán TP.HCM là 776,47 điểm, tăng 34,1% so với ngày 31-12-2015. Nhưng giá cổ phiếu của VNS trên thị trường lại đi theo chiều hướng ngược lại với giá 21.900 đồng, giảm 28% so với năm 2015, tương đương chỉ số giá của VNS trên sổ sách là 0,91 lần, trong khi chỉ số giá trên sổ sách của toàn thị trường đã tăng lên 2,28 lần, tức tăng 32,9% so với 31-12-2015.

Lý giải cho việc Grab là nguyên nhân duy nhất dẩn đến việc giảm giá cổ phiếu VNS trong giai đoạn từ tháng 1-2016 đến 6-2017, Công ty Cửu Long cho biết dựa vào báo cáo phân tích của 3 công ty chứng khoán Bản Việt, Rồng Việt và MB có từ Quý II/2016. Báo cáo của 3 công ty chứng khoán đều chỉ đưa một nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm, giá cổ phiếu sụt giảm của Vinasun là do sự cạnh tranh gay gắt từ hoạt động của Grab và Uber.

Theo công ty giám định này thì đây là những đánh giá khách quan, khoa học từ các công ty chứng khoán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Công ty Cửu Long không tự mình đưa ra các số liệu giảm giá cổ phiếu của Vinasun trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, công ty Cửu Long cho rằng về nguyên tắc khi thị trường vận tải tăng cao thì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng phải tăng trưởng theo tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. Thế nhưng Vinasun cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP.HCM đều sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Đại diện Vinasun đồng tình với kết quả giám định thiệt hại của công ty giám định

Ngược lại, doanh thu của Grab và sản lượng khai thác các chuyến xe đều tăng rấy nhanh. Điều đó cho thấy chính sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, giá trị doanh nghiệp… của các hãng taxi truyền thống, trong đó có Vinasun.

“Do đó, có đủ cơ sở khoa học để xác định yếu tố tác động tiêu cực duy nhất tới cổ phiếu VNS trong thời kỳ nghiên cứu là sự xuất hiện của Uber, Grab cùng chiến lược giá rẻ, khuyến mãi cho khách hàng, hỗ trợ tài xế gây áp lực lên thị phần, lợi nhuận của VNS”, ông Trần Văn Hoài nhấn mạnh.

Đại diện của Vinasun đồng tình với các giải thích của công ty giám định và cho rằng kết luận giám định là có cơ sở đã trải qua quá trình nghiên cứu, phân tích dài. Các số liệu trên là một trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun chứ không phải là căn cứ duy nhất. Việc Grab gây thiệt hại cho Vinasun đã được chứng minh qua các phiên tòa trước đó.

Grab nói giám định không có cơ sở

Không đồng tính với những giải thích của công ty giám định, đại diện của Grab cho rằng việc công ty Cửu Long chỉ đơn thuần dựa trên báo cáo phân tích của 3 công ty chứng khoán để đưa ra đánh giá của mình là không có căn cứ.

Theo đó, ba báo cáo phân tích chứng khoán này được xây dựng chỉ phục vụ cho mục đích thông tin đến nhà đầu tư tham khảo khi xem xét quyết định đầu tư. Chính các công ty chứng khoán phát hành các báo cáo này cũng khẳng định không chịu trách nhiệm về tính chính xác của chúng. Quan điểm thể hiện trong báo cáo là của tác giả và không nhất thiết phải là quan điểm chính thức của các công ty chứng khoán.

Chưa kể, Công ty Cửu Long thay vì trình bày toàn bộ các báo cáo này nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện, khách quan thì chỉ trích dẫn một số đoạn nhất định nhằm bảo vệ quan điểm rằng thiệt hại của Vinasun bị gây ra bởi sự tham gia của các đối thủ mới, đặc biệt là các ứng dụng đặt xe công nghệ.

Đại diện Grab cho rằng kết quả giám định thiệt hại của Vinasun không có cơ sở

Theo đó, các báo cáo phân tích chứng khoán được Cửu Long dẫn chiếu không khẳng định Grab là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất gây ra các thiệt hại nếu có của Vinasun. Các báo cáo nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh đầy sôi động từ cả doanh nghiệp cũ và mới đã thúc đẩy Vinasun điều chỉnh và chuyển đổi - từ đầu tư vào số lượng và chất lượng xe để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đến phát triển ứng dụng Vinasun của riêng mình và dịch vụ V.CAR để cạnh tranh tốt hơn với các ứng dụng gọi xe công nghệ.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng Vinasun là hãng taxi lớn nhất và có thị phần chi phối tại TP.HCM với số lượng đông đảo khách hàng trung thành. Đồng thời khuyến cáo Vinasun cần không ngừng đổi mới, phát triển và chuyển đổi sang môi trường cạnh tranh mới.

Đại diện Grab cho rằng với vai trò là đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định, Cửu Long lẽ ra nên có đủ năng lực cần thiết để đưa ra kết luận độc lập của mình thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm thông tin, bản phân tích của các đơn vị nghiên cứu và phân tích thứ ba (những đơn vị không được tòa ủy quyền) để trở thành một phần của quá trình thẩm định.

Đồng thời, công ty giám định cũng cần phải có mặt tại tòa để đối chất nhằm tự bảo vệ các kết quả nghiên cứu về việc có bất cứ quan hệ nhân quả nào giữa những thiệt hại (nếu có) của Vinasun và những cáo buộc của Vinasun đối với Grab thay vì né tránh xuất hiện tại tòa.

Dự kiến chiều nay (23-11), phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang