Chưa thể tuyên án vụ Vinasun kiện đòi Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng

Thứ Hai, 29/10/2018 16:40

|

(CAO) Xét thấy cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu liên quan đến việc giám định thiệt hại của phía Vinasun mới giải quyết được vụ án, HĐXX quyết định ngừng phiên tòa Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41,2 tỷ đồng. Phiên xử sẽ được mở lại vào ngày 22-11.

Chiều nay (29-10), TAND TP.HCM vẫn chưa thể đưa ra phán quyết về vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) như dự kiến.

Đại diện của Vinasun tiếp tục cho rằng bị thiệt hại nặng nề do hoạt động của Grab

Trước đó, sau 4 ngày xét xử, HĐXX dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào chiều ngày 29-10. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, Chủ tọa phiên tòa bất ngờ quay lại phần xét hỏi cả hai phía đại diện của Vinasun và Grab để làm rõ thiệt hại theo đơn khởi kiện của Vinasun.

Theo HĐXX, thiệt hại của Vinasun có thể có nhưng để chứng minh rất khó. Theo quy định của luật, cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại của Vinasun.

Tại phiên tòa, đại diện của Vinasun tiếp tục cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun và thiệt hại này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Theo đó, sự phát triển nhanh chóng của Grab khiến cho trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun có tới 2.777 xe của Vinasun phải nằm bãi. Cùng với đó, có khoảng từ 8.000 đến 12.000 tài xế của Viansun đã phải nghỉ việc.

Luật sư đại diện của Grab cho rằng báo cáo giám định có nhiều sai sót nghiêm trọng

Về giảm giá trị vốn hóa của thị trường của Vinasun, công ty này cũng cho rằng có nguyên nhân do sự phát triển nhanh chóng của Grab. Theo Vinasun, hoạt động của Grab khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinasun bị suy giảm và các nhà đầu tư, cổ đông lo ngại, không còn tin vào khả năng tăng trưởng của Vinasun.

Trong khi đó, đại diện của Grab vẫn giữ nguyên quan điểm trong các phiên tranh tung trước cho rằng báo cáo giám định của Công ty Cửu Long có nhiều sai sót trong phương pháp tính thiệt hại của Viansun cũng như việc xe nằm bãi, giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun không thể nào do Grab gây ra mà còn do nhiều yếu tố khác bên ngoài. Đồng thời đề nghị tiến hành giám định lại kết quả thiệt hại của Vinasun.

HĐXX quyết định dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ và làm rõ thiệt hại của Vinasun

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định mới có cơ sở phân định chính xác. Vì vậy, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng không quá 1 tháng. Phiên tòa tiếp theo dự kiến mở vào ngày 22-11.

Phát biểu sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Thanh Vân – Đại diện Vinasun cho biết tôn trọng quyết định của tòa và việc dừng xét xử này không trái quy định của pháp luật. Luật sư đại diện của Vinasun cũng cho biết thêm theo quy định của pháp luật, công ty giám định có quyền đến hoặc không đến dự phiên tòa và HĐXX bắt buộc phải tôn trọng quyết định đó. Trong trường hợp đơn vị giám định không đến mà họ có giải trình rồi thì tòa bắt buộc phải công nhận chứ không thể áp giải đến phiên tòa được.

Luật sư Nguyễn Thanh Vân cho biết tôn trọng quyết định của tòa án

“Đây là một vụ kiện khá đặc biệt khi thiệt hại gián tiếp chứ không phải trực tiếp như thường thấy. Vinasun đã có gần 15 vi bằng và 3 báo cáo giám định đều cho rằng thiệt hại của Vinasun chủ yếu là do Grab gây ra”, luật sư Vân nói.

Trong khi đó, luật sư Lưu Tiến Dũng – đại diện của Grab lại cho rằng đáng lẽ phiên tòa đã phải tạm hoãn ngay từ đầu để triệu tập đơn vị giám định nhằm làm rõ nhiều vấn để chưa rõ và không có cơ sở trong báo cáo giám định thiệt hại của Vinasun. Phía Grab cũng cho rằng đại diện Bộ GTVT là đơn vị được giao quản lý đề án 24 cần được mời tham dự để bày tỏ ý kiến xem Grab có vi phạm đề án thí điểm hay không.

Luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng đáng lẽ phải hoãn phiên tòa ngay từ đầu để triệu tập công ty giám định cũng như Bộ GTVT để có ý kiến về những vấn đề có liên quan đến vụ kiện

Theo luật sư Dũng, Vinasun đang dùng vụ kiện ở phiên tòa địa phương nhằm gây tác động để định hướng dư luận và gây sức ép để các cơ quan chức năng trong việc đề ra chính sách quản lý các công ty công nghệ như Gab.

Trước đó như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu Grab thực hiện là bồi thường một lần.

Tiếp tục có nhiều tài xế Vinasun đến phiên tòa để theo dõi kết quả xét xử

Trong khi phía Grab cho rằng chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Vụ kiện này được đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 6-2-1018 nhưng sau đó đã phải 3 lần tạm đình chỉ và hoãn xử để làm rõ nhiều vấn đề. Đến phiên tòa lần thứ 4 được mở từ ngày 17-10, nhiều người tưởng rằng cuộc chiến pháp lý giữa hai doanh nghiệp này sẽ ngã ngũ nhưng cuối cùng HĐXX vẫn chưa thể đưa ra được phán quyết cuối cùng do những phức tạp của vụ kiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang