Vụ kiện giữa Vinasun và Grab: Liệu có thành “án lệ”?

Thứ Bảy, 27/10/2018 16:24

|

(CAO) Theo dự kiến vào ngày 29-10, TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền hơn 41,2 tỷ đồng.

Dư luận đang chờ xem liệu HĐXX có cùng chung quan điểm luận tội Grab gây thiệt hại cho Vinasun như Viện kiểm sát cùng cấp đã đưa ra hay không!

“Phép thử” hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc chiến pháp lý giữa Vinasun và Grab là một vụ kiện khá hy hữu khi một doanh nghiệp khởi kiện một doanh nghiệp vì cho rằng hoạt động của doanh nghiệp đối thủ gây sụt giảm doanh thu và thiệt hại cho mình.

Theo đó, Vinasun cho rằng sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng đặt xe công nghệ như Grab đã có hành vi kinh doanh không lành mạnh khiến lợi nhuận của công ty taxi này bị sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến 30-6-2017.

Vụ kiện giữa Vinasun và Grab liệu có thành “án lệ"?

Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu Grab thực hiện là bồi thường một lần.

Trong khi phía Grab cho rằng yêu cầu khởi kiện của Vinasun là không có cơ sở và đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, theo dõi diễn biến vụ kiện này dư luận nhận thấy đây không đơn thuần là một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa hai doanh nghiệp mà thực chất Vinasun muốn thông qua vụ kiện này để hướng đến một mục tiêu sâu xa hơn là xem xét bản chất hoạt động kinh doanh của Grab cũng như muốn định danh các ứng dụng công nghệ khác như một công ty kinh doanh vận tải chứ không phải một công ty công nghệ.

Mấu chốt của vụ kiện là xác định thiệt hại của Vinasun nhưng đại diện công ty Grab cho rằng kết luận giám định thiệt hại do công ty Cửu Long (đơn vị do tòa án chỉ định) đưa ra có nhiều điểm “mơ hồ” cần làm rõ.

Cụ thể, phương pháp tính toán xác định giá trị thiệt hại của Vinasun, công ty Cửu Long dựa vào thay đổi hoặc sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của một công ty là không có căn cứ vì giá trị vốn hóa thị trường của một công ty có niêm yết chứng khoán thay đổi liên tục theo ngày và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Việc tính chi phí phát sinh xe nằm bãi là do lỗi của Grab cũng rất khiên cưỡng vì có thể xe cũ chờ sửa chữa, bảo trì hay thay thế hay tài xế nghỉ phép...

Ông Jerry Lim - CEO của Grab tại Việt Nam cho rằng Grab là một công ty công nghệ. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tại Việt Nam không thể là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận.

“Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh khác, nhằm mục đích mang đến nhiều lợi ích hơn cho mọi người. Phán quyết của vụ kiện này sẽ là một phép thử cho Việt Nam trong quá trình hướng đến nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Jerry Lim nói.

Coi chừng tác động đến môi trường kinh doanh

Xuyên suốt phiên tòa, phía Grab luôn phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng mình luôn tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đại diện Grab cũng liên tục yêu cầu mời đại diện các bộ ngành như Bộ GTVT, Bộ Công Thương… và cả công ty tiến hành giám định Cửu Long ra trước tòa để đối chất nhằm bảo vệ các quan điểm bào chữa của mình. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu trên đều bị tòa bác bỏ.

Đại diện Viện KSND TP.HCM còn cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng của Vinasun.

Theo dõi diễn biến phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng việc đưa ra phán quyết cho vụ kiện này cần phải hết sức thận trọng và cân nhắc bởi sẽ tạo ra những “án lệ” có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Đây là vụ kiện có yếu tố nhà đầu tư công nghệ nước ngoài, các doanh nghiệp khác cũng đang nhìn vào vụ kiện này để đánh giá về chính sách và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nếu như tuyên Grab thắng kiện thì đó là sự chứng minh nỗ lực của Việt Nam đang hướng đến nền công nghiệp 4.0. Ngược lại, đó là một sự thụt lùi trước xu thế chung của thế giới”, luật sư Hậu nói.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng đã bày tỏ quan ngại trước viễn cảnh Grab có thể bị xử thua kiện và cho rằng đó sẽ là “một cái tát” vào môi trường, văn hoá kinh doanh nói chung và chủ trương phát triển cách mạng 4.0 nói riêng ở nước ta. Khi đó, vụ kiện sẽ tạo ra một “án lệ” để “các công ty taxi khác sẽ kiện Grab cho đến khi Grab biến khỏi Việt Nam. Xe buýt có thể khởi kiện xe ôm công nghệ vì giành mất khách. Các khách sạn sẽ kiện Airbnb (mô hình kết nối dịch vụ thuê phòng, thuê nhà nghỉ, tương tự như Grab). Mọi nền tảng online đều có thể bị kiện, vì cái online nào cũng lấy bớt miếng bánh của cái offline”.

Vị chuyên gia có nhiều tâm huyết với ngành GTVT cho rằng một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển. Theo tiến sĩ Lương Hoài Nam, nếu Grab bị xử thua trong vụ kiện này sẽ tạo ra án lệ hủy hoại “nhiều thứ tốt đẹp khác” và người tiêu dùng sẽ chính là người bị thiệt hại nhiều nhất.

Trong khi đó một chuyên gia kinh tế lại cho rằng hông thể chối cãi việc Grab cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Việc quản lý Grab như taxi là cần thiết, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. Chính phủ và Bộ GTVT cần nhanh chóng có các quy định rõ ràng để việc quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng được dễ dàng, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để tạo nên sự không công bằng trong kinh doanh hay luồn lách, trốn thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Còn anh Nguyễn Hùng Trí (tài xế taxi lâu năm) cũng cho rằng từ khi các công ty như Grab, Go-Việt... hoạt động tại Việt Nam, thu nhập của những tài xế như tôi giảm sút hẳn. Mấy công ty công nghệ liên tục đưa ra những chính sách khuyến mãi giảm giá “khủng”, thậm chí xuống 0 đồng thì không một công ty taxi nào có thể cạnh tranh nổi. Vì vậy cần một môi trường cạnh tranh công bằng hơn.

Liệu có nên tiếp tục bảo hộ cách thức kinh doanh truyền thống hay nên cổ vũ công nghệ như một cách để thúc đẩy doanh nghiệp truyền thống trở nên hiệu quả, sáng tạo hơn? Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, điều họ mong muốn nhất là làm sao các dịch vụ phục vụ nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày càng tiện ích, chất lượng tốt hơn và tiết kiệm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang