Triệt xóa đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả quy mô lớn

Thứ Năm, 21/04/2022 13:23  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Ngày 20-4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre cho biết, vẫn đang tiếp tục phối hợp với công an nhiều tỉnh, thành mở rộng điều tra vụ án sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy lớn.

Trước đó, ngày 12-4, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Văn Đực (SN 1948, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), Trần Ngọc Hoàng (SN 1988), Trần Văn Hên (SN 1971, cùng ngụ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) và Trần Vũ Khanh (SN 1990, ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) về các tội làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả theo Điều 207 Bộ luật Hình sự.

Từ công tác trinh sát địa bàn, ngày 4-2-2022, Cơ quan An ninh Điều tra tiếp nhận thông tin Huỳnh Văn Đực chạy xe máy chở theo một phụ nữ và một trẻ em ghé các tạp hóa ven tỉnh lộ 57B (đoạn qua khu vực KCN Giao Long, H.Châu Thành, Bến Tre) dùng tiền mệnh giá 200.000 đồng mua đồ để nhận lại tiền thối. Sờ thấy tiền của Đực mỏng, mềm hơn bình thường nên các tiểu thương nghi là tiền giả và bắt đầu cảnh giác.

Trần Vũ Khanh, Trần Ngọc Hoàng, Trần Văn Hên

Đến khoảng 18 giờ ngày 5-2, một tiểu thương thấy Đực và nhớ lại diện mạo của người mua hàng bằng tiền giả hôm trước nên đã ép xe máy của đối tượng vào lề và báo Công an xã Giao Long đến làm việc.

Kiểm tra người, phương tiện và các địa điểm có liên quan, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật là tiền Việt Nam và tiền nước ngoài như: Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan... nghi là tiền giả. Qua giám định, tổng số tiền Việt Nam giả thu giữ là 1,053 tỷ đồng.

Đực cùng tang vật

Tiếp tục mở rộng điều tra, ngày 25-3, Cơ quan An ninh điều tra Công an Bến Tre đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Trần Ngọc Hoàng, Trần Văn Hên và Trần Vũ Khanh là các đối tượng có liên quan đến đường dây mua bán tiền giả của Huỳnh Văn Đực, trong đó Hoàng là người tổ chức làm, in ấn tiền giả để bán cho các đối tượng khác.

Tại nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 280 triệu đồng tiền Việt Nam giả có mệnh giá 500 ngàn đồng, một số tiền Campuchia (nghi giả) và nhiều phương tiện, dụng cụ dùng để làm tiền giả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang