Nhóm đối tượng mua thông tin tài khoản, rút tiền từ ngân hàng như thế nào?

Thứ Hai, 16/11/2020 17:20

|

(CAO) 8 bị can bị đề nghị truy tố về các tội “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 16-11, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã hoàn thành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 bị can về các tội “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mua thông tin 54 tài khoản ngân hàng để… rút tiền

Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Mua bán công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”, “Sử dụng tài liệu, con dấu giả” xảy ra tại chi nhánh một ngân hàng ở tỉnh Phú Thọ vào tháng 11-2019, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Lê Thanh Tú (trú quận Phú Nhuận, TPHCM) đã câu kết với Đoàn Lê Trí Viễn và nhóm đối tượng khác là nhân viên các ngân hàng thương mại tại TPHCM mua thông tin của 54 tài khoản khách hàng mở tại các ngân hàng (gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số thuế, số tài khoản, mẫu dấu, mẫu chữ ký của người đại diện và kế toán các doanh nghiệp) với số tiền 742 triệu đồng.

Các đối tượng liên quan trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Đền Hùng vào tháng 11-2019

Bằng việc dùng “user cá nhân” được cấp, các đối tượng là nhân viên ngân hàng đã truy cập vào mạng nội bộ bằng máy tính để tra cứu thông tin tài khoản của các doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp các đối tượng xác định có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn) rồi dùng điện thoại di động chụp lại màn hình máy tính các thông tin trên gửi cho Tú và Viễn qua mạng xã hội “Telegram”.

Sau khi được cung cấp thông tin về doanh nghiệp, các đối tượng đặt mua các giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, con dấu giả qua mạng internet, làm ra các ủy nhiệm chi, đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking…, mang tên doanh nghiệp để mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng, đăng ký bổ sung số điện thoại vấn tin báo số dư tài khoản của doanh nghiệp và sử dụng giấy giới thiệu, ủy nhiệm chi giả để làm thủ tục chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng nhằm chiếm đoạt.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ chứng minh nhóm đối tượng trên chiếm đoạt được số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; đã quyết định khởi tố 5 bị can về các tội danh nói trên.

Dùng giấy tờ giả thành lập 7 doanh nghiệp

Gần đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, làm rõ vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn”, “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty TNHH Juma Phú Thọ.

Trong vụ án này, để thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, 4 đối tượng ở TPHCM do Doãn Ngọc Huy cầm đầu đã sử dụng nhiều chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả mang tên các cá nhân ở nhiều tỉnh, thành khác nhau để đăng ký thành lập 7 doanh nghiệp. Sau đó, các đối tượng đăng ký sử dụng hóa đơn và phát hành bán hóa đơn khống cho nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong đó bán cho Công ty TNHH Tài Tiến ở tỉnh Yên Bái 620 tờ hóa đơn với tổng doanh số trên 647 tỷ đồng.

Công ty Tài Tiến đã sử dụng số hóa đơn này để hoạch toán kê khai đầu vào và phát hành, bán hóa đơn cho các doanh nghiệp ở Phú Thọ, Hà Nội và một số tỉnh khác, như: Bán hóa đơn khống cho Công ty Juma Phú Thọ (Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với tổng doanh số khống trên 74 tỷ đồng.

Công ty Juma Phú Thọ đã sử dụng hóa đơn khống kê khai thuế đầu vào lập hồ sơ đề nghị Cục thuế tỉnh Phú Thọ cho hoàn thuế với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng để chiếm đoạt.

Với thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH Tài Tiến bán 117 tờ hóa đơn khống với tổng giá trị hàng hóa khống 82.023.102.550 đồng cho Công ty TNHH Gỗ Đại Long, Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế xanh và Công ty Cổ phần Việt Á đều ở Hà Nội để kê khai chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Nhằm hợp thức tiền hàng hóa khống cho các hoá đơn đã mua bán, các đối tượng đã câu kết với một số nhân viên ngân hàng thương mại thực hiện hành vi thanh toán ảo bằng thủ đoạn: Đối tượng bán hóa đơn đến ngân hàng làm thủ tục nộp tiền mặt vào tài khoản công ty mua hóa đơn, rồi sử dụng ủy nhiệm chi có chữ ký và đóng dấu khống chỉ của công ty mua hóa đơn chuyển toàn bộ số tiền “đã nộp” từ tài khoản doanh nghiệp mua hóa đơn đến tài khoản doanh nghiệp bán hóa đơn, ngay sau đó lại sử dụng lệnh rút tiền mặt đã có chữ ký, đóng dấu doanh nghiệp bán hóa đơn rút toàn bộ số tiền mới chuyển đến trong tài khoản của doanh nghiệp bán hóa đơn thành tiền mặt.

Các giao dịch trên là giao dịch ảo, thực tế không có tiền mà chỉ là thủ đoạn hợp thức, khép kín một chu trình thanh toán cho các hóa đơn khống. Để làm các thủ tục thanh toán khống nêu trên, các đối tượng bán hóa đơn đã thông đồng và trả công cho nhân viên ngân hàng từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ/lần giao dịch.

Đây là vụ án mua bán hóa đơn có doanh số đặc biệt lớn, bước đầu đã chứng minh các đối tượng mua bán hóa đơn với doanh số khống khoảng 2.000 tỷ đồng. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 6 bị can về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, 3 bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và 3 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mua bán thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang