Đáng chú ý, dù chỉ mới hoạt động được hơn 1 tháng nay nhưng đã có nhiều người nghe quảng cáo, tư vấn đã bỏ số tiền lớn đầu tư vào ứng dụng này với mong ước nhanh chóng… làm giàu! Tuy nhiên, Sở Công thương TP.HCM khẳng định ứng dụng IBG chưa đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công Thương và đơn vị này cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng IBG. Điều này khiến cho khách hàng và nhà đầu tư tham gia có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro rất lớn.
“Miếng bánh” hoàn tiền…80%!
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video clip quảng cáo về ứng dụng có tên IBG. Trong vai một nhà đầu tư tìm hiểu về ứng dụng này, chúng tôi được một nhân viên tên T. tận tình giới thiệu cho biết đây là ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng (Loyalty point) bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Ứng dụng IBG được giới thiệu sẽ hoàn lại 80% giá trị đơn hàng qua điểm thưởng
Theo đó, những ai muốn tham gia và tạo tài khoản trên ứng dụng thì bắt buộc phải có người giới thiệu. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì người tham gia sẽ dùng tiền thật để mua tiền ảo “USDT” theo tỷ giá 23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG. Sau đó, khách hàng sử dụng app IBG mua hàng để được “hoàn lại” 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm IBG.
Với kiểu “hoàn lại” này, nhiều người sẽ dễ lầm tưởng khách hàng chỉ phải bỏ ra 20% đã nhận được món đồ mình cần mua nhưng thực tế không phải. Cũng tương tự như app MyAladinz vừa bị Bộ Công an cảnh báo, ứng dụng IBG hoàn lại 80% giá trị sản phẩm qua “điểm thưởng” IBG. Mỗi ngày, khách hàng chỉ có thể đổi 0,2% điểm thưởng trên thành “tiền ảo” USDT để có thể sử dụng.
Thấy chúng tôi vẫn hoang mang chưa hiểu ra vấn đề, T. lấy ví dụ như khách hàng đi Grab hay mua hàng ở siêu thị có hình thức tích điểm cho người dùng. Số điểm này được hoàn lại dựa trên % giá trị đơn hàng và người dùng có thể dùng điểm này đổi thành các sản phẩm, dịch vụ khác.
Khi chúng tôi thắc mắc có thể dùng IBG để mua hàng ở bất cứ đâu thì T lảng tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi. Thay vào đó, người này cho biết dự kiến từ nay đến tháng 2-2021, IBG Việt Nam sẽ kết nối hơn... 50.000 doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái IBG tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, khách hàng khi sử dụng app IBG sẽ dễ dàng "quét" được hệ sinh thái và thực hiện các giao dịch?
Để tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi, T. cho biết đây là xu hướng tiêu dùng thông minh và là xu thế phát triển tất yếu. Công ty IBG có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) và có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và OnesGroup nên làm ăn rất uy tín.
Đáng chú ý, T. cho biết ứng dụng IBG còn là một kênh đầu tư sinh lời “siêu khủng”, giúp nhà đầu tư nhanh chóng thỏa chí ước mơ “làm giàu” thông qua các gói đầu tư “X5 giá trị tài sản”. Theo đó, thay vì mua một món hàng trị giá 1000 IBG (tương đương 23,5 triệu đồng) thì lấy IBG để tăng gấp 5 lần giá trị thành 5.000 IBG.
IBG đưa ra nhiều gói đầu tư cho khách hàng lựa chọn để thỏa chí nhanh chóng "làm giàu"
IBG đưa ra nhiều gói đầu tư từ Silver (bạc), Gold (vàng), Platinum (bạch kim) đến Diamond (kim cương) với số tiền đầu tư thấp nhất từ 500 IBG (tương đương hơn 11,7 triệu đồng) lên đến 250.000 IBG (tương đương gần 5,9 tỷ đồng) để nhà đầu tư lựa chọn. “Với cách đầu tư này, mỗi ngày anh được trả thưởng 0,2% trong 180 ngày đầu và từ ngày 181 trả 0.1%. Sau 4 tháng là anh có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu và còn tiếp tục thu lời từ 4.000 IBG nữa”, T. dẫn dụ tôi tham gia.
Đặc biệt, với các nhà đầu tư “phát triển cộng đồng” tức lôi kéo được người khác tham gia, thì IBG sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số điểm người sau đóng tham gia hệ thống. Đồng thời còn được trích thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % theo 18 cấp bậc.
Chưa được cấp phép hoạt động thương mại điện tử
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công an TP.HCM, ứng dụng IBG được vận hành bởi Công ty TNHH IBG Việt Nam (IBG Việt Nam). Doanh nghiệp này chỉ mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép thành lập từ ngày 7-5-2020 có trụ sở đăng ký đặt tại tòa nhà số 708-720 đường Điện Biên Phủ (P.22, Q. Bình Thạnh). Tuy nhiên, trên các trang web lại giới thiệu trụ sở chính của công ty này đặt tại 602 đường Phạm Văn Đồng (P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức).
Theo mã số thuế mà doanh nghiệp được cấp, công ty IBG Việt Nam đăng ký hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề như đại lý, môi giới, đấu giá (trừ môi giới bất động sản); Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống (không hoạt động tại trụ sở); Bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh….
Dù hoạt động kiểu như thương mại điện tử nhưng công ty này hoàn toàn không đăng ký với cơ quan chức năng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng khẳng định: "Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này".
Trụ sở của IBG nằm trên đường Phạm Văn Đồng, Q. Thủ Đức
Đáng chú ý, hoạt động của ứng dụng IBG gần như kiểu huy động vốn và trả thưởng giống như mô hình đa cấp, của app MyAladinz vừa được Bộ Công an lên tiếng cảnh báo. Theo Bộ Công an, hiện tại Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Những hệ thống kiểu này chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Nhà đầu tư cũng chỉ được trả lãi bằng “tiền ảo” và “điểm ảo”; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “tiền ảo” và “điểm ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán, thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
Ông Lê Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng điều tra xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo những ứng dụng thương mại điện tử quảng cáo “giá trị hoàn tiền 80%” hay “giá trị tích lũy 80%” đều hướng người tham gia hiểu nhầm chỉ cần phải bỏ 20% số tiền là có thể sở hữu sản phẩm, dịch vụ.
Nhưng thực tế việc hoàn tiền với giá trị % cao như vậy chỉ ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì theo tỷ lệ % rất nhỏ, không có ý nghĩa hoàn tiền như quảng cáo. Đây là thủ đoạn tinh vi đưa thông tin sai lệch nhằm thu hút, dụ dỗ người đăng ký sử dụng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc và lên tiếng cảnh báo để người dân cảnh giác.