Hai bản án liên quan đến tranh chấp tại dự án điện gió Bạc Liêu 2:

Bị Viện KSND cấp cao tại TPHCM “tuýt còi”

Thứ Bảy, 04/01/2020 15:08

|

(CAO) Cho rằng nhiều nội dung trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến tranh chấp giữa Công ty Công Lý và Công ty Huy Hoàng tại dự án điện gió Bạc Liêu 2 “không có căn cứ”, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra quyết định kháng nghị yêu cầu xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ hai bản án để xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Kiện đòi nợ, mất thêm… tiền!

Trước đó, Công ty CP Vận tải liên hiệp Huy Hoàng (công ty Huy Hoàng) khởi kiện Công ty TNHH XD-TM-DV Công Lý (Công ty Công Lý) ra tòa để đòi khoản tiền liên quan đến việc vận chuyển và thi công lắp đặt Turbine tại dự án điện gió Bạc Liêu 2.

Cụ thể vào năm 2014, Công ty Công Lý ký hợp đồng (HĐ) thuê Công ty Huy Hoàng vận chuyển 52 bộ thiết bị Turbine gió và phụ tùng đồng bộ của các thiết bị trên từ các cảng ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng về lắp ráp tại công trình dự án điện gió Bạc Liêu 2 với tổng giá trị HĐ hơn 357,8 tỷ đồng.

Trong thời gian thi công lắp đặt, do thời tiết bất lợi nên Công ty Huy Hoàng đã để xảy ra sự cố va đập cánh quạt Turbine số 17 và số 61 trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với cần cẩu, gây hư hỏng. Công ty Huy Hoàng đã tiến hành các thủ tục bảo hiểm, thuê công ty GE là nhà thầu cung cấp vật tư cho Công ty Công Lý sửa chữa, khắc phục hậu quả.

Hai công ty có tranh chấp về việc thi công, lắp đặt thiết bị tại dự án điện gió Bạc Liêu 2

Sau đó, cánh quạt số 17 cũng đã được Công ty Công Lý ký nghiệm thu, cánh quạt Turbine số 61 Công ty Công Lý chưa nghiệm thu nhưng đã nhận, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2016. Riêng 50 Turbine khác, Công ty Huy Hoàng đã bàn giao và được Công ty Công Lý ký biên bản nghiệm thu đưa vào hoạt động vào ngày 9-1-2017 và chuyển sang chế độ bảo hành.

Tuy nhiên, Công ty Công Lý vẫn giữ lại số tiền hơn 18,7 tỷ đồng của hai cánh quạt số 17 và 61 không trả. Công ty Huy Hoàng đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng không được trả tiền nên khởi kiện ra tòa để đòi 18,7 tỷ đồng nợ gốc và gần 6,5 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Công ty Công Lý cũng có đơn phản tố cho rằng mình không thiếu nợ và kiện ngược lại Công ty Huy Hoàng đòi số tiền cho thuê cần cẩu hơn 61,7 tỷ đồng và gần 12,5 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Năm 2018, vụ kiện được các cấp tòa ở tỉnh Cà Mau thụ lý giải quyết thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, tòa tuyên án rồi lại hủy án để xét xử lại từ đầu.

Năm 2019, TAND các cấp ở tỉnh Cà Mau tiếp tục đưa vụ kiện ra xét xử. Công ty Huy Hoàng cho rằng việc sửa chữa 2 cánh quạt đã được công ty GE là nhà thầu cung cấp vật tư cho công ty Công Lý sửa chữa xong. Nhà cung cấp thiết bị cũng đã cấp chứng thư bảo lãnh kỹ thuật cho hai cánh quạt gặp sự cố. Đồng thời, Công ty Công Lý đã đưa vào vận hành 2 cánh quạt nên phải thanh toán tiền theo HĐ đã ký kết.

Công ty Huy Hoàng cũng cho rằng số tiền hơn 61,7 tỷ đồng theo yêu cầu phản tố của công ty Công Lý bao gồm cả tiền thuê cần cẩu và sà lan. Tuy nhiên, trong HĐ công ty Huy Hoàng chỉ ký hợp đồng thuê 2 cần cẩu, không thuê sà lan. Mặt khác, hai bên chưa quyết toán hợp đồng, chưa xác nhận khối lượng công việc hoàn thành nên không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.Cà Mau xét xử, HĐXX bác toàn bộ yêu cầu đòi nợ số tiền hơn 25,2 tỷ đồng của công ty Huy Hoàng. Đồng thời, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc công ty Huy Hoàng phải trả hơn 61,7 tỷ đồng cho công ty Công Lý. Không chấp phán quyết của tòa, công ty Huy Hoàng kháng cáo toàn bộ bản án.

Ngày 31-7-2019, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm không chỉ bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà còn cho công ty Công Lý được dùng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng đang giữ lại để thay mới hai cánh quạt số 17 và 61. Ngoài ra, công ty Huy Hoàng còn bị buộc phải trả hơn 82,4 tỷ đồng tiền cả gốc và lãi thuê hai cần cẩu cho công ty Công Lý.

Sau khi các cấp tòa ở Cà Mau tuyên án, Công ty Huy Hoàng không đồng ý, không những vậy còn ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM là bên thứ 3 nhận thế chấp. Ngay sau đó, cả công ty Huy Hoàng và ngân hàng đã có đơn kháng nghị giám đốc thẩm gửi Viện KSND Tối cao tại TP.HCM.

Đề nghị huỷ hai bản án để xét xử lại

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Thế Thành – Phó Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 32/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 25-12-2019. Theo đó, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã nêu lên nhiều sai phạm trong cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm do các cấp tòa ở Cà Mau tuyên trước đó.

Kháng nghị của Viện KSND cấp cao đề nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm

Cụ thể, căn cứ biên bản nghiệm thu ngày 9-1-2017 giữa công ty Công Lý và công ty Huy Hoàng, hai bên đã nghiệm thu, bàn giao 50 Turbin đưa vào vận hành. Còn hai cánh quạt của Turbine số 17, số 61 thì phía công ty Công Lý đã đồng ý để Công ty Huy Hoàng khắc phục sự cố bằng cách thuê đơn vị sửa chữa là đơn vị cung cấp thiết bị nước ngoài (Công ty GE). Căn cứ kết quả giám định của công ty bảo hiểm thì hư hỏng 2 cánh quạt này ở mức độ sửa chữa, không phải hư hỏng nặng đến mức phải thay mới.

Công ty Huy Hoàng đã thuê Công ty GE sửa chữa với chất lượng đúng theo tiêu chuẩn hàng hóa của công ty GE cung cấp 50 Turbine trước đó. Phía Công ty Công Lý đã nghiệm thu việc sửa chữa, đưa vào vận hành từ ngày 22-2-2017.

Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc công ty Công Lý từ chối thanh toán số tiền 18,7 tỷ đồng cho công ty Huy Hoàng là vi phạm điều khoản của HĐ đã ký kết. “Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Huy Hoàng đối với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng của hai cánh quạt số 17 và 61 là không có căn cứ”, kháng nghị Phó Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM ký thể hiện.

Không những vậy, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM còn cho rằng bản án phúc thẩm tuyên giao cho công ty Công Lý được sử dụng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng để thay mới 2 cánh quạt số 17 và 61 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng là bên thứ 3 nhận thế chấp.

Về yêu cầu phản tố của công ty Công Lý, Viện KSND Tối cao tại TP.HCM cho rằng căn cứ vào HĐ thì công ty Huy Hoàng thuê cần cẩu 275 tấn vào ngày 15-11-2014 với giá 300 triệu đồng/tháng và thuê cần cẩu 600 tấn giao ngày 15-1-2015 với giá 1,5 tỷ đồng/tháng, thời hạn thuê là 10 tháng. Quá trình thực hiện hai bên gia hạn đến 31-12-2016.

Công ty Huy Hoàng chỉ ký hợp đồng thuê cần cẩu, không thuê sà lan nhưng bản xác nhận công nợ ngày 13-10-2016 với số tiền hơn 61,7 tỷ đồng là tiền thuê cần cẩu và sà lan. Ngoài ra, hai bên cũng chưa quyết toán hợp đồng vì chưa thực hiện việc xác nhận khối lượng công việc hoàn thành, nhưng cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu của công ty Công Lý, buộc công ty Huy Hoàng phải trả nợ hơn 61,7 tỷ đồng là không có căn cứ. Không những thế, bản án phúc thẩm còn buộc công ty Huy Hoàng phải trả lãi phạt cho số tiền này với tổng cả gốc và lãi lên tới hơn 82,4 tỷ càng “không có căn cứ”, theo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau theo thủ tục giám đốc thẩm; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. Đồng thời, Viện KSND Cấp cao cũng quyết định tạm đình chỉ thi hành đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang