Vụ “Cưỡng chế nhà xưởng Công ty TNHH Đông Nam - Việt Nam”: Lộ rõ hàng loạt sai sót!

Thứ Sáu, 14/10/2016 13:16  | Lê Ngân

|

(CATP) Báo Công an TPHCM ngày 16-9-2016 có đăng bài “Cưỡng chế nhà xưởng Công ty TNHH Đông Nam - Việt Nam: Cắt điện nước buộc doanh nghiệp di dời?”, phản ánh việc chấp hành viên (CHV) cho cắt điện buộc Công ty TNHH Đông Nam - Việt Nam (gọi tắt Cty Đông Nam - VN) ở Hóc Môn bàn giao mặt bằng cho bên trúng đấu giá, đã gây nhiều thiệt hại cho công ty.

Diễn biến sự việc: năm 2001, tòa xử buộc Công ty TNHH Trung Nam I phải trả cho Công ty TNHH lương thực và nông sản xuất nhập khẩu Thái Bình Dương số tiền nợ hơn 2,7 tỷ đồng. Năm 2008, CHV áp dụng biện pháp kê biên 4.721m2 đất tại xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn của Công ty Trung Nam I để tiến hành thi hành án (THA). Tuy nhiên, năm 2004, Công ty Trung Nam I đã chuyển nhượng hợp pháp diện tích đất trên cho Công ty CP Trung Nam lấy tiền nộp cho THA (phiếu thu 017474 ngày 4-1-2008). Công ty CP Trung Nam được UBND TP cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận, sau đó xây nhà xưởng rồi cho Công ty Đông Nam - VN (Hàn Quốc) thuê làm xưởng may thời hạn đến năm 2020. CHV thông báo ngày 12-9-2016 thực hiện việc cưỡng chế, nhưng trước đó 6 ngày đã cắt điện buộc doanh nghiệp di dời.

Trở lại việc cưỡng chế THA. Sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan xem xét lại quá trình cưỡng chế THA cũng như Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm có văn bản tạm dừng THA, vụ 11 - Viện KSND tối cao yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM cung cấp hồ sơ THA để kiểm sát theo thẩm quyền. Ngày 3-10-2016, Viện KSND tối cao có kết luận vụ việc như sau:

CHV áp dụng biện pháp kê biên đối với diện tích đất trên theo Thông tư 12/2001 và Nghị định 46/2004 được cho là có hiệu lực. Đáng lý ra CHV phải áp dụng điều 2 NĐ 164/2004 mới đúng vì có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư 12. Ngoài ra, việc kê biên lúc này không phù hợp với quy định pháp luật về THA, vì chưa được UBND TP chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ đăng ký giấy chứng nhận thuê đất của Công ty CP Trung Nam. Ở đây, CHV vừa kê biên quyền sử dụng đất và cho rằng quyết định giao dịch không hiệu lực, quyết định cho thuê đất không hợp pháp. Rõ ràng, đây là những hành vi vượt quá thẩm quyền của cơ quan THADS.

Sau khi Thông tư 14/2010 hướng dẫn thực hiện Luật THA năm 2008 có hiệu lực, việc kê biên tài sản của người phải THA đã chuyển nhượng sau khi có bản án, quyết định của tòa mà không thừa nhận tài sản, không nộp tiền vào cho THA thì mới kê biên. Trường hợp này, bên phải THA đã chuyển nhượng và nộp tiền cho THA, lẽ ra việc kê biên phải bị hủy bỏ nhưng THADS tiếp tục kê biên là không phù hợp. Hơn nữa, việc xử lý tài sản kê biên thực chất chỉ xử lý quyền sử dụng đất, trong khi Công ty CP Trung Nam đã xây dựng nhà xưởng cho thuê. Tài sản này không phải của Công ty Trung Nam I, nếu UBND TP chấm dứt hợp đồng và hủy đăng ký cũng như không đăng ký chủ sử dụng cho người mua trúng đấu giá được.

Viện KSND tối cao chỉ rõ những vi phạm trên có nguyên nhân khách quan là nhiều văn bản pháp luật về THA dân sự và pháp luật có liên quan tại thời điểm tiến hành cưỡng chế, kê biên không đầy đủ, không rõ ràng, có xung đột. Về chủ quan, CHV có sai sót khi tiến hành xác minh và kê biên tài sản đã chuyển nhượng hợp pháp dẫn đến việc kê biên bị khiếu nại. Việc nhận thức pháp luật của CHV còn hạn chế, dẫn đến áp dụng không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. CHV nhận thức chưa đầy đủ quy định pháp luật về thi hành án và các quy định có liên quan như Thông tư 12/2001, Nghị định 46/2004, Thông tư 14/2010... Công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, thống nhất; nhận thức pháp luật giữa các đơn vị nghiệp vụ, trong một ngành hoặc giữa các ngành chưa thống nhất.

Với những vi phạm trên, về nguyên tắc thì việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất trong vụ việc này phải được hủy bỏ theo quy định của pháp luật. Như vậy, quá trình THA của Cơ quan THADS TP có vi phạm; việc chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật; việc báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm với cấp thẩm quyền chưa đầy đủ.

Điều đáng nói là khi đã có chỉ đạo của Phó thủ tướng xem xét lại quá trình cưỡng chế và Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo tạm dừng THA, nhưng CHV vẫn phớt lờ tiến hành các bước THA yêu cầu chủ doanh nghiệp nước ngoài bàn giao mặt bằng mặc dù họ đã gởi khiếu nại, kêu cứu đi các nơi. Cụ thể, ngày 26-9-2016, CHV Hồ Quân Chính triệu tập đại diện Công ty Đông Nam - VN lập biên bản đề nghị chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đúng 8 giờ ngày 30-9-2016 phải có mặt tại Cục THADS TP để giải quyết việc dời nhà xưởng giao mặt bằng cho người mua trúng đấu giá. Mới đây, ngày 4-10-2016, CHV cùng Công an xã Xuân Thới Đông đến yêu cầu kiểm tra kho và tài sản của Công ty Đông Nam - VN và đòi lập biên bản, nhưng bảo vệ công ty yêu cầu xem lệnh kiểm tra thì họ rút đi.

Trong công văn của Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu tạm dừng việc thi hành án chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thế nhưng CHV vẫn bất chấp thúc ép chủ doanh nghiệp nước ngoài bàn giao mặt bằng là việc làm xem thường kỷ cương, phép nước, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời làm ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường đầu tư nước ngoài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang