Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Nam cho biết, nhà máy thép Việt - Pháp tại Điện Bàn được cấp phép đầu năm 2010, đưa vào hoạt động năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng, công suất 48.000 tấn/năm.
Buổi họp báo
Tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư 50 năm trên diện tích 2,9ha, tỉnh cho thuê đất 15 năm nhưng miễn thu tiền 11 năm. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, người dân địa phương liên tục phản đối vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm mặc dù số liệu quan trắc của cơ quan chức năng luôn cho kết quả “trong ngưỡng cho phép”.
Về việc di dời nhà máy thép Việt - Pháp lên địa điểm mới, bà Hạnh cho rằng ngày 28-9, Sở TN-MT đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) trên và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm tham gia thẩm định. Ý kiến của các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.
Nhà máy thép Việt Pháp dự kiến xây dựng tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, công suất 180.000 tấn/năm, được khảo sát để đầu tư trên diện tích 17,3ha.
Ông Đinh Phú Tân, Giám đốc nhà máy thép Việt - Pháp cho biết, nếu “thuận buồm xuôi gió”, dự kiến nhà máy sẽ khởi công đầu năm 2017 và cuối năm 2018 sẽ khánh thành và sản suất thép thành phẩm vào đầu năm 2019.
“Trong quá trình san lấp mặt bằng và sản xuất cũng sẽ có phát sinh ô nhiễm môi trường, công ty cũng dự kiến có giải pháp để hạn chế ô nhiễm. Nhà máy hoạt động phát sinh chủ yếu là bụi và khí thải tuy có ảnh hưởng môi trường nhưng không ô nhiễm đến mức như mọi người suy nghĩ”, ông Tân chia sẻ.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra lo ngại về việc ô nhiễm, việc di dời nhà máy đến địa điểm mới.
TS Huỳnh Ngọc Thạch
Theo TS. Huỳnh Ngọc Thạch, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Đà Nẵng, thành viên hội đồng thẩm định báo cáo tác động môi trường cho rằng, nhà máy thép Việt - Pháp (hiện tại) có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào phải xem xét. Nhà máy không gây ô nhiễm môi trường nhưng có ảnh hưởng đến khu dân cư vì quá gần.
“Một dự án nào cũng vậy, đều ảnh hưởng đến môi trường. Chứ ai nói làm dự án nào mà không ảnh hưởng là nói không thật. Nhưng ảnh hưởng như thế nào, ảnh hưởng trong mức cho phép của quy định là được”, TS Thạch chia sẻ.
Theo TS Thạch, nhà máy thép dự định xây dựng tại thị trấn Thạnh Mỹ được sản xuất theo công nghệ khép kín từ thép phế liệu nung chảy thành phôi thép và thép cán chứ không dùng quặng nên việc gây ô nhiễm môi trường không lớn. Có chăng gây ô nhiễm ở đây là ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn nhưng khi xây dựng phải đạt mức cho phép.
“Một thực tế là dùng nhiên liệu dòng nhiệt (dùng điện) phải sản xuất vào vào ban đêm để đảm bảo cho ngành điện, đêm thanh vắng sợ tác động người dân xung quanh là không thể tránh khỏi nên phải dời lên khu vực như hiện tại để tránh xa khu dân cư (khoảng 5km) và hạn chế tối đa những tác động xấu như trên và đảm bảo tính ổn định lâu dài”, TS Thạch nhìn nhận.
Tuy nhiên, TS Thạch chia sẻ: “Người dân bức xúc cũng có lí do, cần phải nhìn nhận đầy đủ. Cơ quan chức năng cũng như công ty thép cũng phải làm hết trách nhiệm. Công luận cũng cần có tiếng nói chuẩn xác để mọi người có cái nhìn đầy đủ, khách quan”.
Bà Võ Thị Hạnh
Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH thép Việt - Pháp, chủ đầu tư nhà máy thép cho rằng: “Bản thân công ty có tiêu chí để bảo vệ môi trường nhưng địa điểm không phù hợp, nay muốn di dời lên Nam Giang để phát triển bền vững. Quy trình sản xuất thép ở nơi mới khép kín và tiên tiến hơn nơi sản xuất cũ”.
“Chúng tôi cũng cần nghe những tiếng nói phản biện, những góp ý đầy đủ để trước khi xây dựng nhà máy mới nhận được sự thống nhất của dư luận, nhân dân, chứ không xây dựng lên mà lại “ách” lại thì doanh nghiệp không muốn”, bà Hạnh nói.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch huyện Nam Giang nói rằng, huyện cũng tổ chức họp dân bị ảnh hưởng (17 hộ dân ở gần nơi dự kiến đặt nhà máy) hầu hết ý kiến người dân là về công tác bồi thường, tái định cư, đất sản xuất có thỏa đáng hay không chứ ít quan ngại về vấn đề môi trường.
“Lãnh đạo huyện Nam Giang cũng thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp vào làm, huyện không đánh đổi giữa môi trường và phát triển, nếu không đảm bảo thì xử lý theo quy định”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định tỉnh Quảng Nam chỉ cho phép nhà máy thép dùng công nghệ luyện thép từ phế liệu ra thành phẩm chứ luyện từ quặng là không được cấp phép.
Địa điểm dự kiến di dời xây dựng nhà máy thép khiến dư luận “dậy sóng”
“Nhà máy thép dập thép từ phế liệu có gây ra tiếng ồn và có ảnh hưởng đến người dân. Tinh thần của Quảng Nam đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải đủ các điều kiện. Còn có thông tin tỉnh sẽ hỗ trợ số tiền trên 123 tỉ cho nhà máy thép để di dời từ nơi cũ lên nơi mới là chưa chính xác, chúng tôi cũng đã phê bình một số chuyên viên thông tin chưa chính thống”, ông Quang cho hay.
Về việc Đà Nẵng có công văn đề nghị xem xét, ông Quang cho rằng, khi tính toán cũng nghĩ đến lợi ích của Đà Nẵng, định hướng phát triển cùng Đà Nẵng, Quảng Ngãi là những địa phương lân cận, cùng có lợi.
“Khi chưa có đầy đủ thông tin và thông tin chưa chính thống, Đà Nẵng lo lắng là đúng nhưng chúng tôi có công văn phúc đáp về sự việc thì Đà Nẵng sẽ có nhìn nhận thấu đáo hơn”, ông Quang nhấn mạnh.
“Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cam kết các nội dung ĐTM là cơ sở để tỉnh xem xét hiệu quả của dự án này. Nếu ĐTM về môi trường, về xã hội và về kinh tế ổn định thì tỉnh sẽ quyết định cho hay không cho nhà máy thép được xây dựng tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang” ông Quang khẳng định.