(CAO) Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần bảo đảm không để ảnh hưởng an toàn và môi trường các nước láng giềng.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 13-10, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân, được cho là đã đi vào hoạt động và ở rất gần đường biên giới Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc truyền thông của Trung Quốc có đưa thông tin, ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động và rất gần với đường biên giới Việt Nam và các cơ quan chức năng của Việt Nam có những nghiên cứu, đánh giá tác động cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn như thế nào cho người dân vùng lân cận, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần đảm bảo và tuân thủ Công ước an toàn hạt nhân và các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bảo đảm không ảnh hưởng an toàn môi trường của các nước láng giềng."
"Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân này," người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Được biết, sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan An toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.
Ông Vương Hữu Tấn - cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - cho biết Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987 và có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra.
Ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Ba nhà máy bao gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam).
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn trên 1.000 MW cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp.
Trong đó, vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD). Các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là (3-5 km), (15-30 km), 100 km và 300 km.
Như vậy, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam sẽ thuộc khu vực EPD và ICPD của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (Quảng Tây).