Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư

Thứ Hai, 10/10/2016 09:34

|

Sáng 8/10, tại Phủ Chủ tịch, Đại sứ Cộng hòa Pháp Bertrand Lortholary, Đại sứ Canada Ping Kitnikone, Đại sứ Cata Mohamed Ismael Al-Emadi, Đại sứ Cộng hòa Síp Demetrios A. Theophylactou, Đại sứ Croatia Kreso Glavac, Đại sứ Gambia Abubacar Jah và Đại sứ Turkmenistan Chinar Tajievna Rustamova đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam.

Sau lễ trình Quốc thư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lần lượt tiếp các Đại sứ.

Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Đại sứ Bertrand Lortholary sang nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam; đánh giá cao chính sách của Pháp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, tiếp tục duy trì vị trí là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ ba tại Việt Nam, bạn hàng thương mại lớn thứ năm của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Ngài Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đến trình Quốc thư, nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác mới tại Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch nước nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Pháp vừa có chiều sâu lịch sử, vừa có sự hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ Việt Nam-Pháp được phát triển thực chất kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng thống Pháp Francois Hollande thành công tốt đẹp, đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Pháp, tạo xung lực mới, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ Bertrand Lortholary hoàn thành trọng trách trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam; mong Ngài Đại sứ dành nhiều thời gian đi thăm các địa phương của Việt Nam, qua đó có những thông tin và đánh giá đầy đủ, chính xác về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Bertrand Lortholary cho biết, Tổng thống Francois Hollande đã giao cho Đại sứ trọng trách trong nhiệm kỳ là cụ thể hóa những định hướng quan trọng mà Tổng thống Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thống nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua.

Đó là: Thúc đẩy quan hệ kinh tế phát triển xứng tầm quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước; thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng; thúc đẩy trao đổi, hợp tác giữa thế hệ trẻ hai nước, thể hiện qua hoạt động đào tạo tiếng Pháp, mở Nhà văn hóa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở trường trung học Pháp tại Hà Nội.

Tại buổi tiếp Đại sứ Canada Ping Kitnikone, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ hài lòng về những kết quả thực chất trong quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân...

Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam và Canada đang có cơ hội lớn để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, trong đó hai năm 2016 - 2017 có vai trò quan trọng cho việc thúc đẩy, nâng tâm quan hệ theo hướng lâu dài, toàn diện, thiết thực, hiệu quả.

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion​ đầu tháng 9 vừa qua đã tạo xung lực cho việc thúc dẩy quan hệ Việt Nam​-Canada thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn các khoản hỗ trợ phát triển Chính phủ Canada dành cho Việt Nam những năm qua; đánh giá cao việc Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau coi trọng và tăng cường quan hệ gắn kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước đề nghị, hai nước cần mở rộng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, y tế, lao động, dầu khí, ngân hàng... phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.

Đại sứ Ping Kitnikone bày tỏ vinh dự sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam; nhấn mạnh hai nước là đối tác nhiều năm trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế...

Sắp tới, Canada sẽ cử phái đoàn gồm khoảng 90 đại diện các học viện sang thăm Việt Nam để nghiên cứu tiềm năng phát triển hợp tác giáo dục giữa hai nước. Cùng đó, Canada cũng rất quan tâm tới triển vọng đẩy mạnh hoạt động giao lưu nhân dân.

Chào mừng Đại sứ Cata Mohamed Ismael Al-Emadi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng, đánh giá cao những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất của nhân dân Cata thời gian qua, đưa Cata trở thành một trong những trung tâm hàng đầu khu vực và thế giới về dầu mỏ, khí đốt, hàng không...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cám ơn Cata đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc; đánh giá cao việc Chính phủ Cata quan tâm thúc đẩy hợp tác đầu tư, ngân hàng với Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận lao động và cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt với Cata phát triển thực chất, đi vào chiều sâu.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển tới Quốc vương Cata Tamim bin Hamad Al Thani lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe và trân trọng mời Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani sang thăm Việt Nam.

Đại sứ Mohamed Ismael Al-Emadi chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời chào, lời chúc sức khỏe từ Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani; khẳng định Quốc vương Cata mong muốn sớm thực hiện chuyển thăm Việt Nam.

Đại sứ Mohamed Ismael Al-Emadi nhấn mạnh, Cata coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp...

Trong buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Síp Demetrios A. Theophylactou, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam coi trọng và chủ trương tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Síp; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp nhằm tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch nước đánh giá cao Cộng hòa Síp đã tích cực ủng hộ thúc đẩy quan hệ của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế; đề nghị Síp ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ủng hộ ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.

Về lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hai nước cần phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu thông tin và xây dựng đối tác, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như du lịch, chế biến nông, lâm sản.

Chủ tịch nước cũng đề nghị hai bên tích cực trao đổi về Hiệp định hợp tác Lao động song phương, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác trong lĩnh vực tiềm năng này.

Qua Đại sứ, Chủ tịch nước trân trọng chuyển tới Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades lời thăm hỏi và lời mời sang thăm chính thức Việt Nam.

Đại sứ Demetrios A. Theophylactou chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời chúc mừng, lời chúc sức khỏe từ Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades.

Ngài Đại sứ khẳng định, Cộng hòa Síp mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực thương mại, giao lưu nhân dân. Cộng hòa Síp ủng hộ lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.

Đại sứ Demetrios A. Theophylactou cho rằng, Cộng hòa Síp và Việt Nam chia sẻ nhiều thách thức và lợi ích chung, vì vậy hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Cộng hòa Síp cam kết ủng hộ Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu.

Tại buổi tiếp Đại sứ Gambia Abubacar Jah, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Gambia lần đầu tiên chính thức cử Đại sứ kiêm nhiệm và trình Quốc thư tại Việt Nam.

Chủ tịch nước cám ơn sự phối hợp của Gambia tại các diễn đàn quốc tế; đề nghị Gambia tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ủng hộ đại diện của Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Gambia hiện chưa tương xứng với bề dày hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Vì vậy, đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời xem xét khả năng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển là các lĩnh vực hai nước đều có lợi thế.

Đại sứ Abubacar Jah chuyển lời chúc hạnh phúc, sức khỏe, thịnh vượng từ Tổng thống Gambia Yahya Jammeh tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam.

Ngài Đại sứ nhấn mạnh, Tổng thống Yahya Jammeh và người dân Gambia luôn có tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam.

Đại sứ Abubacar Jah khẳng định, việc bổ nhiệm Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam cho thấy Cộng hòa Hồi giáo Gambia rất quan tâm tới việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại. Gambia đánh giá cao và ngưỡng mộ những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng thống Gambia Yahya Jammeh đã có khẩu hiệu “trồng những gì chúng ta ăn, ăn những gì chúng ta trồng,” và xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh lương thực. Tổng thống nhận thấy Việt Nam là đối tác tốt nhất trong lĩnh vực hợp tác này.

Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ Croatia Kreso Glavac, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố, phát triển quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Croatia; Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và vui mừng về những thành tựu mà nhân dân Croatia đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập châu Âu.

Chủ tịch nước mong muốn hai bên phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác kinh tế đã ký kết và sớm ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Croatia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trên tinh thần này, Chủ tịch nước đề nghị Croatia ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ủng hộ đại diện của Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước trân trọng chuyển lời mời Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic sang thăm chính thức Việt Nam.

Đại sứ Kreso Glavac trân trọng chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời chào của Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic.

Ngài Đại sứ cho rằng, Croatia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hóa, thể thao, vì vậy mong muốn thời gian tới hai bên tổ chức các hoạt động giao lưu về thể thao.

Đại sứ Kreso Glavac cho biết, bà Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic rất quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam, đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao, các cấp bộ, ngành. Bà Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic mong sớm thực hiện chuyến thăm Việt Nam vào năm 2017.

Chào mừng Đại sứ Turkmenistan Chinar Tajievna Rustamova nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng nhận thấy, sau 25 năm độc lập, nhân dân Turkmenistan đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế.

Chủ tịch nước trân trọng chuyển tới Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow lời thăm hỏi và lời mời sang thăm chính thức Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Turkmenistan; mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển chung trên thế giới.

Về quan hệ song phương, Chủ tịch nước đề nghị, hai bên cần xem xét tăng cường trao đổi đoàn để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh và nhu cầu, như dệt may, da giầy, sản phẩm nông nghiệp, hạ tầng giao thông, dầu khí, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng...

Đại sứ Chinar Tajievna Rustamova chuyển lời chúc sức khỏe, thịnh vượng của Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam; trân trọng chuyển lời mời Chủ tịch nước sang thăm Turkmenistan.

Bà Đại sứ cho rằng, năm 2017, Turkmenistan và Việt Nam kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng đến nay hai nước chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có.

Tại cuộc gặp bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi năm ngoái, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thiết lập khuôn khổ hợp tác, chú trọng vào các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu như thương mại, giáo dục, năng lượng, xây dựng, hạ tầng giao thông...

Bình luận (0)

Lên đầu trang