Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cán bộ phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân”

Thứ Sáu, 07/10/2016 23:07

|

(CAO) Chiều 7-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Trực tuyến toàn quốc “về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

Tham dự tại đầu cầu TP.HCM có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng và lãnh đạo các sở ban ngành của TP.

Tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước. Công tác này liên quan chặt chẽ đến công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ôn định chính trị xã hội”- Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo tại hội nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho thấy, giai đoạn 2012-2015, tình hình khiếu nại- tố cáo của công dân có xu hướng giảm, thể hiện ở các tiêu chí: số lượt công dân, đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 4,3%; số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 54,6%...

Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực Miền Trung- Tây Nguyên (tăng 61%), miền Bắc tăng 35,9%, miền Nam tăng 2,8%. Các vụ việc đông người, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương. Nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở cơ quan nhà nước, đi diễu hành trên đường phố Hà Nội hoặc tập trung trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết ngay tại các cơ quan trung ương. Đáng chú ý, các đoàn khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tổ chức chặt chẽ và được sự ủng hộ lương thực, tiền của một số tổ chức tự phát như: Hội cơm dân oan, Hội dân oan, Hội cứu lấy dân oan, nhóm xã hội dân sự… Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng

Ông Sáu nhấn mạnh: “Từ 2012-2015, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.5 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị- phản ánh (778.703vu5 việc); có 18.316 đoàn đông người. Xử lý, giải quyết 305.847 đơn khiếu nại, tố cáo (trên 230.000 vụ việc). Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vụ khiếu nại- tố cáo có tính chất phức tạp, bức xúc chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội; khiếu nại đòi lại cơ sở tôn giáo; khiếu nại đòi lại nhà đất trước đây có sử dụng nhưng nay tổ chức, cá nhân khác sử dụng…

Cho biết thêm về khiếu kiện- tố cáo liên quan tới đất đai, Thứ trưởng Bộ TN-MT Phạm Ngọc Hiển khẳng định: “Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại- tố cáo của Bộ nhận được nhiều nhất là khiếu nại- tố cáo về đất đai (chiếm 73%/17.630 lượt đơn/7.227 vụ việc)… Nguyên nhân có nhiều, nhưng tập trung ở vấn đề chính sách, pháp luật về đất đai dù đã được sử đổi, bổ sung nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất. Công tác chỉ đạo giải quyết khiếu nại- tố cáo của chính quyền các cấp ở một số nơi còn thiếu quyết liệt. Một số vụ, địa phương dựa vào lý do hết thời hiệu để không xem xét, giải quyết. Cán bộ tiếp nhận, xử lý trình độ kém, hiểu biết về luật hạn chế…”.

Đồng quan điểm, Thứ Trưởng Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý: “Trong thẩm quyền xử lý của Bộ, chỉ chiếm 15% đơn thư tố cáo, còn lại thuộc thẩm quyền của các tỉnh - thành. Trong đó, tập trung nhiều ở các vụ việc liên quan: Nhà đất có trường hợp tranh chấp nhưng chậm được giải quyết; tốc độ đô thị hóa nhanh cần nhiều chính sách mới được ban hành nhưng do chậm dẫn tới tranh châp giữa người dân với người dân và giữa người dân với DN; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người dân còn hạn chế.

Cần dứt điểm chứ không chỉ làm hết thẩm quyền

Báo cáo về tình tình khiếu kiện, tố cáo trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Cách Mạng- Phó chủ tịch UBND TP cho biết: Trong giải đoạn vừa qua, các cá ngành, ban tiếp công dân của TP và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP đã tiếp gần 175.000 vụ việc; khiếu nại cùng một nội dung có chiều hướng gia tăng, gay gắt phức tạp… TP đã chủ trì, giải quyết nhưng một bộ phận người đi khiếu kiện- tố cáo không đồng ý. Tiếp tục khiếu nại vượt cấp.

Để làm tốt hơn công tác này, Phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng khẳng định: “Thời gian tới, TP tiếp tục kiện toàn tổ chức các cơ quan tiếp công dân do TP quản lý, đồng thời hàng năm lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, am hiểu luật để tiếp công dân. Thường xuyên đổi mới, linh động sáng tạo để tìm ra giải pháp tối yêu. Nắm chắc tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân để giải quyết thấu tình đạt lý".

Sau khi lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các Bộ ngành và địa phương, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý: “Giải quyết dứt điểm chứ không phải là chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Về giải pháp, các giải pháp hiện nay đã đủ chưa? Cần bổ sung những giải pháp nào? Lựa chọn giải pháp nào để ổn định tình hình khiếu nại tố cáo hiện nay hoặc giảm các sự việc đông người, kéo dài, vượt cấp lên trung ương. Bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Việc giải quyết các vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài ngoài những quy định như hiện nay thì cần có những chủ trương gì mới để giải quyết dứt điểm”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, dành thời gian thỏa đáng tiếp dân, giải quyết KNTC, đối thoại với nhân dân. Thực hiện tốt Luật Đất đai; đảm bảo quyền lợi của nhân dân khi thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT - XH. Quan tâm giải quyết KNTC, đặc biệt là các vụ KNTC đông người, các vụ KNTC tồn đọng, kéo dài.

Khi có cuộc KNTC đông người, chủ tịch UBND địa phương phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải quyết; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng khi giải quyết.

“Cán bộ, đảng viên, Công chức viên chức phải gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC. Tạo điều kiện cho UBMTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội giám sát công tác giải quyết KNTC. Các bộ, ngành, địa phương thành lập bộ phận tiếp nhận kiến nghị của công dân...”- Thủ tướng chỉ đạo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang