Vụ tranh chấp tại Công ty gạch men Thạch Anh - Bình Dương - Kỳ 1:“Tổng giám đốc bị thay thế”

Thứ Ba, 24/10/2017 14:57  | Lê Ngân

|

Vụ tranh chấp tại Công ty gạch men Thạch Anh (trụ sở P.Hòa Lợi, TX.Bến Cát, Bình Dương) kéo dài hơn 3 năm nay. Tổng giám đốc (TGĐ) bị thay thế đã khiếu nại, rồi khởi kiện ra tòa hành chính để đòi quyền lợi cho mình, nhưng các cơ quan chức năng xử lý có dấu hiệu chưa khách quan, gây bức xúc trong dư luận.

THÂU TÓM CỔ PHẦN

Theo trình bày của ông Trần Anh Hào, Công ty gạch men Vicera gồm 9 thành viên góp vốn điều lệ 39 tỷ đồng. Năm 2008, ông Trần Anh Hào được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), kiêm TGĐ và người đại diện theo pháp luật của công ty với tỷ lệ vốn góp là 7,6 tỷ đồng (tương đương 19,63% vốn điều lệ). Trong khi đó ông Nguyễn Thành Cư (hiện nay là Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Vicera) có tỷ lệ vốn góp 1,4 tỷ đồng (tương đương 3,6% vốn điều lệ) chỉ là thành viên góp vốn và không có quyền điều hành công ty.

Năm 2011, hai thành viên góp vốn là ông Phạm Huy Trung và bà Phạm Thị Kim Ngân muốn rút khỏi công ty và có ý định chuyển nhượng phần vốn góp 44,4% vốn điều lệ. Trước tình hình này Công ty gạch men Vicera đã họp HĐTV (biên bản họp số 0205/2011 ngày 11-5-2011) ủy quyền cho ông Cư, đại diện công ty đứng ra mua lại 100% phần vốn góp của ông Trung và bà Ngân.

Sau khi chuyển nhượng hoàn tất, ông Cư phải có nghĩa vụ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đó cho các thành viên còn lại. Mặt khác, các thành viên trong công ty cũng đồng ý để ông Hào đại diện công ty chuyển cho ông Cư 5 tỷ đồng để đặt cọc cho ông Trung và bà Ngân (ông Hào chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản ông Cư, biên bản giao nhận tiền có Ban kiểm soát công ty xác nhận ngày 11-5-2011).

Sau khi ông Cư nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Trung và bà Ngân, do tin tưởng ông Cư sẽ chia lại tỷ lệ phần vốn này (theo cam kết trước đó), các thành viên công ty đồng ý để ông Cư đăng ký tăng phần vốn góp tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) lần thứ 6 (tăng vốn góp của ông Cư từ 3,60% lên thành 48,04%).

Theo một số thành viên công ty, lúc này công ty vẫn làm ăn bình thường, để trả phần tiền còn lại cho ông Cư (ông Cư đã bỏ ra 17 tỷ đồng để mua lại cổ phần của ông Trung và bà Ngân), công ty tiến hành xin đăng ký tăng phần vốn điều lệ từ 39 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng (tại GCNĐKDN lần thứ 7) để vay ngân hàng. Thế nhưng ông Cư cho rằng, việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Trung, bà Ngân bằng số tiền của ông với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến công ty, nên công ty và ông Hào không có quyền đòi phân chia phần vốn góp này (?!). Việc làm này của ông Cư là trái với Biên bản họp HĐTV số 0205/2011 cũng như Luật Doanh nghiệp, khi các thành viên khác không đồng ý thì ông Cư không được quyền chuyển nhượng cổ phần cho riêng mình.

“CHIẾM” CON DẤU RỒI LÊN ĐIỀU HÀNH CÔNG TY

Trong khi chưa vay được tiền của ngân hàng, ông Cư đã chiếm con dấu và làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận doanh nghiệp lần thứ 8 để lên điều hành công ty. Theo ông Hào trình bày, khoảng 12 giờ ngày 7-5-2014, ông Hào đang ký cam kết và đóng dấu thỏa thuận thanh toán với đại diện Công ty TNHH Than Tân Phù Đổng thì ông Cư đã vào lấy con dấu rồi ra khỏi phòng, sau đó giữa ông Cư và ông Hào có xảy ra xô xát...

Sự việc diễn ra có sự chứng kiến của một số nhân viên công ty, đại diện Công ty TNHH Than Tân Phù Đổng và có đội bảo vệ công ty lập biên bản. Ông Hào đã trình báo lên Công an phường Hòa Lợi và Công an TX.Bến Cát. Ông Cư lý giải, việc lấy con dấu là do công ty làm ăn kém hiệu quả, ngăn chặn ông Hào tự ý ký kết các giấy tờ giao dịch có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho công ty, thiệt hại đến quyền lợi của đa số thành viên.

Sau đó, ông Hào phát hiện ông Cư có đơn đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) - Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Dương cấp đổi GCNĐKDN (thay đổi lần thứ 8). Ngày 16-5-2014, ông Hào gửi đơn trình báo đến Sở KH-ĐT tỉnh để trình bày về việc ông Cư đã chiếm giữ con dấu trái pháp luật; làm đơn gửi cơ quan công an giả mạo cớ mất bản chính Giấy chứng nhận doanh nghiệp của công ty (thực tế giấy chứng nhận doanh nghiệp này không bị mất mà là ông Hào đang giữ); đồng thời đề nghị Sở KH-ĐT không cấp đổi giấy chứng nhận theo đề nghị của ông Cư.

Sau khi nhận được đơn ngăn chặn của ông Hào, Phòng ĐKKD mời các thành viên lên làm việc và có lập biên bản ghi nhận sự việc. Nhưng ngày 4-7-2014, Phòng ĐKKD vẫn cấp GCNĐKDN thay đổi lần thứ 8 cho Công ty gạch men Vicera. Với nội dung thay đổi là ông Nguyễn Thành Cư trở thành người đại diện theo pháp luật, giữ chức danh Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ.

VI PHẠM TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Nhận thấy việc thay đổi lần thứ 8 là không đúng quy định pháp luật, ông Hào đã làm đơn khiếu nại gửi Phòng ĐKKD để được giải quyết. Ngày 1-8-2014, Phòng ĐKKD đã có văn bản số 536/CV-ĐKKD trả lời đơn khiếu nại. Văn bản khẳng định việc cấp GCNĐKDN lần thứ 8 cho Công ty Vicera là đúng với quy định pháp luật, việc tranh chấp giữa các thành viên trong công ty không thuộc thẩm quyền nên không xem xét.

Ngày 20-8-2014, ông Hào tiếp tục gửi đơn lên Sở KH-ĐT tỉnh khiếu nại việc Phòng ĐKKD làm sai, thiếu trách nhiệm trong việc cấp đổi GCNĐKDN lần thứ 8, giải quyết khiếu nại không thỏa đáng, vi phạm pháp luật... Ngày 17-10-2014, Sở KH-ĐT tỉnh ban hành Quyết định số 42/QĐ-SKHĐT về việc giải quyết khiếu nại (lần hai) của ông Hào. Theo đó, khi giải quyết đơn khiếu nại của ông Hào, Phòng ĐKKD ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.

Do đó, Phòng ĐKKD vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Luật khiếu nại, Sở cũng yêu cầu Phòng ĐKKD sửa đổi Văn bản số 536/CV-ĐKKD trả lời đơn khiếu nại của ông Hào theo Điều 31 Luật khiếu nại và tiến hành các thủ tục giải quyết đơn theo đúng quy định.

(Còn tiếp)

Luật sư Nguyễn Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc Phòng ĐKKD cấp đổi GCNĐKDN lần thứ 8 cho Công ty Vicera là chưa đúng quy định pháp luật. Theo Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT, khi ông Trần Anh Hào đã có đơn đề nghị ngăn chặn không cấp đổi (do ông Nguyễn Thành Cư đề nghị) vì đã có sự gian dối trong hồ sơ cấp đổi cũng như tranh chấp nội bộ công ty.

Đáng lẽ ra, Phòng ĐKKD phải dừng việc cấp phép lần thứ 8 và hướng dẫn các thành viên công ty tiến hành khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên công ty. Sau đó, căn cứ vào bản án của tòa để tiến hành cấp giấy theo quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang