Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao gồm: ông Phạm Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Trọng (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội) và kiểm sát viên Đoàn Trần Thị Trân (Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội) được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. (Ảnh: TTXVN)
Vụ án này có 19 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 14 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm:
Trần Trọng Mừng (SN 1949, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO), Mai Văn Tinh (SN 1952, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS), Trần Văn Khâm (SN 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO), Đậu Văn Hùng (SN 1951, nguyên Tổng Giám đốc VNS), Đặng Thúc Kháng (SN 1959, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát VNS), Nguyễn Trọng Khôi (SN 1957, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNS), Ngô Sỹ Hán (SN 1950, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 TISCO), Đặng Văn Tập (SN 1952, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Đồng Quang Dương (SN 1960, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Trịnh Khôi Nguyên (SN 1963, nguyên Trưởng Phòng Đầu tư phát triển VNS), Nguyễn Văn Tráng (SN 1958, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS), Đỗ Xuân Hòa (SN 1954, nguyên Kế toán trưởng TISCO), Uông Sỹ Bính (SN 1953, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO), Lê Thị Tuyết Lan (SN 1963, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO).
Ngoài ra, hai bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị VNS gồm Lê Phú Hưng (SN 1962) và Nguyễn Minh Xuân (SN 1958); 3 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO gồm: Nguyễn Chí Dũng (SN 1955), Hoàng Ngọc Diệp (SN 1966) và Đoàn Thu Trang (SN 1985) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, hơn 30 luật sư có mặt tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 17 bị cáo. Riêng hai bị cáo Nguyễn Minh Xuân và Đoàn Thu Trang không mời luật sư bào chữa.
Đại diện Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có mặt tại phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự. Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) có mặt với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, phiên tòa cũng có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Đại diện Bộ Xây dựng vắng mặt. Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng có mặt tại phiên tòa.
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo Đậu Văn Hùng đã có đơn xin phép được xét xử vắng mặt với lý do bị cáo mắc nhiều bệnh nan y, sức khỏe yếu, không thể ngồi phiên tòa trong thời gian nhiều ngày. Trong đơn, bị cáo Hùng nêu rõ bị cáo đã có lời khai chi tiết tại cơ quan điều tra, bị cáo không thay đổi lời khai và cũng không bổ sung gì thêm. Bị cáo nhận thức được hành vi vi phạm, ăn năn hối cải và xin được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
“Đội giá” hơn 3.000 tỷ đồng thiếu căn cứ
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Trần Trọng Mừng, Tổng Giám đốc TISCO cùng ông Shen He Ting (Thẩm Hạc Đình), Tổng Giám đốc MCC ký Hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC (viết tắt là Hợp đồng EPC số 01#). Giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu USD (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng), là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.
Sau khi ký Hợp đồng EPC số 01#, ngày 29/9/2007, TISCO cùng MCC đã khởi công thực hiện Hợp đồng. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng kể từ khi Hợp đồng EPC số 01# có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu, mà rút hết người về nước và nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng), bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá.
Việc MCC đưa ra đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC như trên với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường bị Viện Kiểm sát xác định là không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng theo hình thức trọn gói đã ký (Hợp đồng EPC).
Gây thiệt hại lớn cho Nhà nước
Cáo trạng nêu rõ, các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS biết MCC vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng và có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng, tách phần C của Hợp đồng EPC số 01# không có căn cứ nhưng đã không xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của Dự án.
Thêm vào đó, các bị cáo còn chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm các điều khoản của Hợp đồng EPC số 01# đã ký để tiếp tục thực hiện Hợp đồng, đã thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C; tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01# theo hình thức hợp đồng theo đơn giá, TISCO trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ thực hiện phần C, tự chịu mọi rủi ro...
Viện Kiểm sát xác định hành vi trên của các bị cáo là không có căn cứ, đã làm phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói của Hợp đồng EPC số 01#, gây bất lợi cho TISCO khi nhà thầu phụ không hoàn thành phần C thì không ràng buộc được trách nhiệm của MCC, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng EPC số 01#.
Các bị cáo đã chấp thuận không có căn cứ VINAINCON không đủ năng lực (về nhân công, thiết bị, tài chính…) để thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01# dẫn đến hậu quả VINAINCON không thể thực hiện hoàn thành các công việc của phần C theo thời hạn và hợp đồng đã ký, đã phải trả lại các phần việc chưa khởi công, thi công cho TISCO và TISCO phải ký tiếp 13 Hợp đồng thầu phụ với 13 nhà thầu phụ khác để tiếp tục thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hết hạn Hợp đồng (ngày 31/5/2011), các nhà thầu phụ vẫn không thể hoàn thành công việc của phần C và dự án đã phải dừng thi công cho đến nay. Các vi phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến dự án dừng tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây hậu quả bị thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Trọng Mừng (Tổng Giám đốc TISCO - chủ đầu tư) chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án. Khi MCC có vi phạm, lẽ ra bị cáo Mừng phải xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, bị cáo Mừng đã không thực hiện mà còn chỉ đạo đàm phán tách phần C ra khỏi Hợp đồng EPC số 01#, TISCO tổ chức thực hiện, quản lý chi phí và chịu rủi ro. Bên cạnh đó, bị cáo Mừng còn ký các văn bản báo cáo VNS và Bộ Công Thương đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C; chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực thực hiện phần C...
Bị cáo Mai Văn Tinh (Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS - cấp quyết định đầu tư) có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án. Khi MCC vi phạm, trách nhiệm của bị cáo Tinh là phải chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án. Song, bị cáo Tinh đã không thực hiện mà chỉ đạo đàm phán tách phần C ra khỏi Hợp đồng EPC số 01#; ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh chi phí phần C; đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực thực hiện phần C, cho phép thực hiện phần C theo đơn giá; chấp thuận và giao cho người đại diện vốn của VNS tại TISCO phê duyệt việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C tăng thêm 15,57 triệu USD...
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, từ những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc TISCO và VNS đã dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng. Đây là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 18/4/2019).
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.