Bạch tuộc đốm xanh: Đẹp nhưng độc

Thứ Hai, 10/07/2017 12:17  | Anh Duy

|

(CAO) Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước tin chị P.T.T (33 tuổi, ngụ thôn Hà Giáng, xã Vinh Hà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) trong lúc kéo lưới đánh bắt hải sản rạng sáng 7-7 đã bị một con bạch tuộc bò lên chân cắn chết.

Sau khi bị cắn, chị T được chuyển về bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cấp cứu nhưng đã tử vong trước đó. Đây là một trường hợp hy hữu khiến mọi người đặt câu hỏi đây là loài bạch tuộc gì mà có thể giết người chỉ trong phút chốc.

Hiện vật được thu giữ là con bạch tuộc đã cắn chết chị T. với những đốm xanh trên người. Các chuyên gia nhận định đây là bạch tuộc đốm xanh lớn (Hapalochlaena lunulat), dân gian gọi là mực dái.

Đẹp nhưng “dữ dằn” hơn cá nóc

Mang trong mình chất độc thần kinh tetrodotoxin (TTX) ở tuyến nước bọt, bạch tuộc đốm xanh là mối đe dọa thật sự đối với con người, đặc biệt là những ngư dân mỗi ngày dùng tay không để cầm nắm hải sản.

TTX là chất độc thần kinh mạnh, khi đi vào máu sẽ ngăn chặn sự di chuyển của các ion natri của tế bào thần kinh. Thông thường sau khi bị loài bạch tuộc này cắn chừng 1 đến 5 phút sẽ xuất hiện triệu chứng nhiễm độc. Ngoài ra con người có thể bị ngộ độc do lầm tưởng bạch tuộc đốm xanh là bạch tuộc thường nên dùng chúng để chế biến các món ăn. Trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, các triệu chứng ngộ độc có thể khởi phát từ 10 đến 20 phút sau khi ăn.

Con bạch tuộc đốm xanh gây ra cái chết của chị T

TTX khi vào máu sẽ khiến nạn nhân xuất hiện các triệu chứng tương tự ngộ độc cá nóc gồm: tê dại ở đầu các ngón tay, ngón chân, tê đầu lưỡi, người mệt mỏi rũ rượi có thể kèm với các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn.

Ở thể nặng (lượng TTX xâm nhập quá nhiều), người ngộ độc có thể bị liệt toàn thân, khó thở, huyết áp giảm. Nạn nhân tử vong do trụy tim, liệt cơ hô hấp khiến não thiếu ô xy.

TTX là chất độc thần kinh mạnh, khó phân hủy, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Ở nhiều loài như cá nóc, chất độc này tập trung ở gan, trứng, mật … là cơ quan nội tạng bên trong. Nhưng ở bạch tuộc đốm xanh, chất độc này tập trung ở tuyến nước bọt, có thể dễ dàng được phóng ra qua vết cắn để tấn công hay tự vệ khi bị đe dọa (trường hợp chị T. bị bạch tuộc bò lên chân cắn).

Bạch tuộc đốm xanh chứa TTX cực độc - Ảnh: báo Sức khỏe và Đời sống

Khác với cá nóc là loài thụ động, con người có thể cầm nắm, chỉ bị ngộ độc khi bị chế biến làm thức ăn, bạch tuộc đốm xanh là một loài hung dữ, có thể chủ động tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa. Ngư dân có thể bị loài này cắn khi thò tay vào lưới cầm nắm hải sản. Ngoài ra người lặn biển hay đi bơi ở vùng nước có bạch tuộc đốm xanh cũng có thể bị chúng cắn.

Hiện nay ngộ độc TTX chưa có thuốc phòng và điều trị. Việc cấp cứu chỉ có thể chữa trị theo triệu chứng (như cho uống thuốc điều áp, khi bệnh nhân khó thở thì đặt máy thở…). Khi ngộ độc cần chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị.

Bạch tuộc đốm xanh trên thân có nhiều đốm màu xanh dương. Những đốm này như những hoa văn trên thân, nhìn rất đẹp. Toàn thân bạch tuộc sẽ trở nên sặc sỡ với các đốm xanh hiện lên rõ nét khi chúng bị kích động, báo hiệu khả năng tấn công sắp tới.Trên thân của 1 con bạch tuộc trưởng thành có thể có tới 60 vòng tròn màu xanh. Loài này phân bố chủ yếu ở khu vực tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tại Việt Nam, trước đây từng xuất hiện nhiều vụ ngộ độc tập thể dẫn đến chết người do ăn nhầm bạch tuộc đốm xanh.

Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra vào năm 2004. Bản tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 21-6-2004 đưa tin: "Sau khi ăn món mực bạch tuộc đốm xanh (mực dái) do vợ chế biến vào trưa 19-6, anh Nguyễn Văn C. (sinh 1966, trú tại thôn Tầm Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) phải vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc và đã chết khi vừa được chuyển đến bệnh viện tỉnh.

Năm người trong gia đình chị Nguyễn Thị Thu H. cũng phải đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh với cùng một nguyên nhân và chị H. đã tử vong sau đó, còn mẹ và con gái chị H. đang trong tình trạng nguy kịch. Tổng cộng có 85 trường hợp ở thôn Tầm Hưng bị ngộ độc do ăn bạch tuộc đốm xanh phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, trong đó riêng trẻ em là 42 ca".

Các đốm xanh của loài bạch tuộc này sáng lên rực rỡ khi chúng chuẩn bị tấn công
Một con bạch tuộc đốm xanh ngoài môi trường. Khi chuẩn bị tấn công, các đốm xanh trên thân của chúng càng sặc sỡ - Ảnh: Bing

Để phòng tránh ngộ độc do TTX của Bạch tuộc đốm xanh, cần chú ý:

Tập cách nhận biết loài này, chú ý đặc biệt đến các đốm xanh sặc sỡ trên thân của chúng. Khi thấy cần tránh xa.

Không dùng bạch tuộc đốm xanh để làm thức ăn.

Đối với ngư dân, cần chú ý hải sản khi đánh bắt, khi thấy bạch tuộc đốm xanh trong lưới cần tiêu diệt.

Nên đeo găng tay khi cầm nắm hải sản đánh bắt được trong lưới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang