Thông tin thêm về nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường

Thứ Bảy, 01/04/2017 08:29  | Mai Hà

|

Sau hai bài viết “Ngỡ ngàng trước nghiên cứu đột phá trong công nghệ xử lý ô nhiễm, bảo tồn môi trường sống” đăng trên Báo Công an TP. Hồ Chí Minh ngày 27-2-2017 và bài làm “Rõ thông tin về sự đột phá ngày 7-3-2017”.

Tác giả bài báo nhận được lời cảm ơn chân thành của nhóm tác giả đề tài khoa học vì đã phản ánh trung thực, ngắn gọn để bạn đọc dễ hiểu. Vì vậy, nhiều bạn đọc đã hưởng ứng, theo dõi, động viên và yêu cầu cung cấp thêm thông tin.

Chúng tôi đến văn phòng đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và chứng kiến bầu không khí vui mừng, lạc quan, tin tưởng…khác hẳn với những lần trước. Họ cho biết, Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh rất quan tâm và đang giải quyết vấn đề này một cách tích cực. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến cơ chế - chính sách, cần thêm thời gian để báo cáo Chính phủ.

Vui mừng vì sự việc này đã được lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều này dẫn đến lòng tin rằng bế tắc sẽ được khai thông, khó khăn rồi sẽ vượt qua, các thông tin dựa trên bằng chứng không đầy đủ, không đúng bản chất, không cụ thể sẽ bị loại bỏ để tìm ra chân lý, vì “chân lý là cụ thể không có chân lý trừu tượng”, đề tài khoa học này sẽ đạt được mục tiêu xứng đáng với kết quả nó đạt được. Nhóm tác giả để tài xúc động tâm sự: “Chúng tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc không thể diễn tả hết được. Biết bao thử thách nghẹt thở trong quá trình thực hiện đề tài vì chi phí thực nghiệm quá lớn, giống như chơi xổ số mà không biết ngày nào “xổ” vậy; Biết bao nỗi buồn trong quá trình tìm cách ứng dụng vảo thực tế vì không thể phù hợp với cơ chế quản lý Nhà nước của ngành nghề thực hiện có điều kiện đặc biệt này. Không ai dám đồng hành cũng vì cơ chế, cố gắng tranh luận thì như đi tranh luận về “quả trứng có trước hay con vịt có trước” nên hoàn toàn bế tắc. Muốn tìm kiếm sự đồng hành, giúp đỡ ngoài nước cũng rất khó”.

Lần đầu khi đo kết quả đốt 7 chất thải nguy hại cùng lúc có khói độc hại và khó xử lý gấp nhiều lần, thậm chí là nhiều chục lần các loại khói có trong thực tế, chỉ xử lý một cấp đã thu hồi được hoàn toàn kim loại nặng và khí độc Clo, nhóm tác giả đề tài đã phải thốt lên: “Đây chẳng phải cái mà khoa học đang bế tắc sao? Chất độc hóa học chẳng phải cũng “thường thôi” sao? Các hóa chất khác như carbon, nito, lưu huỳnh cũng thu được và có dấu hiệu rõ ràng là thu được theo ý muốn. Đây chẳng phải: điều lo lắng của các nhà khoa học trên thế giới về hiện tượng axit hóa đại dương do mưa axit tạo ra đã có hướng khắc phục rồi sao?”

Họ vui mừng vì thông điệp của Đảng và Nhà nước về xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ, minh bạch, đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước mà thiết thực nhất là trong quản lý khoa học - công nghệ, thông qua các phát biểu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Điều này làm sáng lên hy vọng cho đề tài khoa học này, làm sống lại lòng tin về tương lai tốt đẹp cho đề tài sau những bế tắc và hướng đi tăm tối đã trải qua. Như “chết đuối vớ được cọc”, họ bấu víu vào, kiên trì báo cáo và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền có thể khắc phục mặt yếu và thiếu của cơ chế quản lý Nhà nước và có khả năng giúp đỡ nhóm tác giả một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Một lần nữa họ vui mừng khi đọc văn bản 2563/VP-ĐT ngày 07/03/2017 của UBND TP.Hồ Chí Minh, trong đó thể hiện việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy tại công văn 395-PC/VPTU ngày 24/02/2017…” Họ vui mừng vì những vị lãnh đạo cao cấp đã thực sự hành động, đã tìm ra biện pháp đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước cụ thể hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và hợp lòng dân hơn. Đổi mới cơ chế không chỉ dựa vào kinh nghiệm quản lý, trình độ khả năng học hỏi, ý thức, đạo đức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, mà còn phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt là những sự việc cụ thể cho dù là sự việc nhỏ.

Văn phòng đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và chúng tôi thống nhất rằng: Về nguyên tắc thì các bế tắc sẽ được khai thông, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi. Nhưng khó khăn, gian khổ trong quá trình thực hiện đề tài và ứng dụng vào thực tế còn rất lớn. Vì vậy chúng tôi tiếp tục đồng hành và thông tin đến bạn đọc để tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ của bạn đọc, nhất là những người có khả năng, có trách nhiệm, có tâm huyết về khoa học – công nghệ và bảo tồn môi trường sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang