An Giang tạm ứng thêm 24 tỷ để khắc phục sạt lở QL91

Thứ Ba, 20/08/2019 19:01  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Chiều 20-8, Chủ tich UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định số 2027/QĐ-UBND tạm ứng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (QLDA – ĐTXDCTGT) 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để xử lý sạt lở QL91.

Như vậy, sau 2 lần tạm ứng đã nâng số tiền xử lý sạt lở QL91 lên gần 50 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã tạm ứng ngân sách gần 50 tỷ đồng xử lý sạt lở QL91.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Ban QLDA – ĐTXDCTGT khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức xử lý sạt lở QL91 đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú và giải ngân khoản tạm ứng theo quy định.Giao sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên qua khẩn trương làm việc với Bộ GTVT để được hỗ trợ vốn và hoàn trả lại ngân sách tỉnh.

Sau 2 lần sạt lở, QL91 bị sông Hậu "nuốt chửng".

Như Báo Công an TPHCM điện tử thông tin, vào sáng ngày 20-8 và 1-8, toàn bộ mặt đường QL91 (rộng 11m, đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Hậu, với chiều dài gần 115m, ăn sâu vào bờ khoảng 11m. Hiện mé sông đã áp sát khu dư cư bên trong.

Để khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng QL91, tỉnh An Giang đã triển khai thả bao tải cát nhằm gia cố, ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy với chiều dài 160m, với tổng khối lượng cát tương ứng khoảng 26.000m3, tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Số tiền này được UBND tỉnh An Giang tạm ứng từ nguồn ngân sách dự phòng.

Sau khi thi công được khoảng 90% khối lượng công trình, bất ngờ toàn bộ số bao cát khắc phục sạt lở bị cuốn xuống lòng sông Hậu. Lực lượng chức năng buộc phải tạm dừng để tìm nguyên nhân và hướng xử lý tiếp theo.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhiều lần cảnh báo việc khắc phục sạt lở QL91.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nguyên cứu độc lập các hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long lưu ý: “Việc khắc phục cần phải tỉnh táo, bày lên bàn tất cả các phương án rồi cân nhắc thay vì quyết định hấp tấp một phương án. Đối với đoạn sạt lở QL91, cần cân nhắc thêm phương án rút lui gồm tái định cư và làm đường tránh và phương án nắn dòng, dời tim sông (đường sâu nhất) sang giữa sông.

Cần cân nhắc cẩn thận về tính khả thi kỹ thuật, giữa lợi ích và chi phí. Tránh tình trạng quyết định “khẩn cấp” cho một tình huống không còn khẩn cấp, để dẫn đến thiếu cân nhắc, lãng phí và thất bại”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang