Chuyên gia nói gì về QL91 ở An Giang tiếp tục sạt lở?

Thứ Ba, 20/08/2019 05:43  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Vụ sạt lở QL91 (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang) đã khiến cho ½ mặt đường nhựa với chiều dài 85m sụp xuống sông Hậu, 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, giao thông gián đoạn và cơ quan chức năng phải làm con đường mới.

Để khắc phục sự cố, cơ quan chức năng còn tiến hành lấp hố xoáy và kè bao cát nhưng đang trong quá trình thi công đã bị sạt lở hoàn toàn ra sông.

Hiện trường vụ sạt lở QL91 ngày 31-7 và rạng sáng 1-8.

GIA CỐ THẤT THỦ, VẾT NỨT TÁI DIỄN

Sáng 19-8, tại khu vực sạt lở QL91 đoạn qua ấp Bình Tân lại xuất hiện thêm vết nứt. Trong khi đó, hôm qua tại vị trí này, phần cát gia cố bảo vệ đường cũng bị sụp lún xuống sông.

Ông Trần Thanh Nhã - Bí thư, Chủ tịch UBND H.Châu Phú cho biết: “Hệ thống kè bằng bao cát bảo vệ QL91 đã bị trôi ra sông. Hiện các ngành chuyên môn của tỉnh đang xem xét để có hướng xử lý tiếp theo”.

Một người dân có nhà sinh sống gần đoạn sạt lở trên cho biết: “Hôm qua tôi thấy có hiện tượng nứt đường dài khoảng 4m, ăn sâu vô khoảng 0,6m, rồi tiếp tục lan rộng. Thời điểm trên, công nhân đang tấn bao, thổi cát lên cao thêm khoảng 1m. Bất ngờ đoạn giữa có hiện tượng lún xuống và lập tức công nhân bỏ chạy hết lên bờ, chỉ trong tích tắc phần cát vừa gia cố sụp xuống hết, chỉ còn thấy nước”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện khu vực sạt lở đã bị phong tỏa, căng dây cảnh bảo và cử người túc trực 24/24 để hạn chế người dân vào bên trong.

Như Báo CATP thông tin, tối 31-7 và rạng sáng 1-8, trên tuyến QL91 đã liên tục xảy ra sạt lở đất. Hậu quả khiến 1/2 mặt đường nhựa QL91 với chiều dài 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, sau 5 ngày kể từ lúc xuất hiện các dấu hiệu sạt lở khu vực nói trên, đã triển khai nhiều biện pháp xử lý khẩn cấp nhưng không thể “cứu” được đoạn đường nói trên.

Ông Trần Thanh Nhã cho biết thêm, trong khu vực sạt lở này có 26 hộ dân và trước khi sạt lở xảy ra địa phương đã vận động di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên đến nay còn lại 42 hộ khác nằm trong vùng bị ảnh hưởng, tiếp tục vận động di dời nếu sạt lở tiếp tục mở rộng thêm.

Còn ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy -25m, dốc đứng. Giải pháp hiện thời ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát xử lý. Lượng cát là 34.000 khối, với tổng chi phí khoảng 25 tỷ đồng.

Sau sự cố trên, đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát tại vị trí sạt lở và có buổi làm việc với tỉnh An Giang.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật giao Ban Quản lý dự án 7 bằng mọi cách phải hoàn thành tuyến tránh để thay thế tuyến QL91, Cục Quản lý đường bộ IV bố trí người túc trực 24/24 tại vị trí sạt lở để phối hợp cùng ngành chưc tỉnh An Giang nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục, tỉnh An Giang cần sớm hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục xử lý sự cố sạt lở…

Rất đông công nhân được huy động để lấp hố xoáy và gia cố kè.

ĐỪNG HẤP TẤP KHI KHÔNG CÒN KHẨN CẤP

Sau khi đến khảo sát trực tiếp điểm sạt lở QL91, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập các hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Trong bối cảnh thiếu hụt cát và phù sa thì vấn đề sạt lở là khuynh hướng tất yếu, sẽ còn gia tăng ở ĐBSCL, nhưng tại mỗi điểm sạt lở lại có thêm đặc điểm dễ bị tổn thương riêng.

Tại điểm sạt lở ở QL91 vừa qua, đoạn sông có chiều ngang hẹp hơn đoạn phía trên, do đó để cân bằng năng lượng, dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn, hoặc đào sâu đáy sông, hay “ăn” vào bờ. Tại đoạn sông cong, dòng chảy từ trên xuống có quán tính đi thẳng nhưng buộc phải đổi hướng nên lực ly tâm làm đường tim sông (đường sâu nhất) không đi giữa sông mà dịch vào gần bờ bên lõm.

Dòng chảy va đập vào bờ phía vịnh làm mực nước bên vịnh cao hơn bên doi. Mực nước cao hơn phía vịnh bị trọng lực kéo xuống nên tạo ra vòng chảy xoắn thứ cấp, nạo đáy sông và chân bờ sông phía vịnh, tạo nên “vực thẳm” dưới đáy sông phía vịnh. Dòng chảy càng thiếu bùn cát thì càng tạo vực sâu”.

Theo ông Thiện, đối với dòng sông, khi nó chọn điểm nào để gây sạt lở thì đó là điểm hợp lý nhất đối với nó. Sau khi sông đã gây sạt lở để cân bằng năng lượng mà ta trám lấp lại tức là đưa dòng sông trở lại trạng thái mất cân bằng năng lượng trước khi sạt lở. Dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết bằng cách phá vỡ công trình trám lấp đó, hoặc đào sâu đáy sông, hay ăn sang phía bờ kia.

“Biết rằng sạt lở là khuynh hướng còn tiếp diễn, bài toán bây giờ là so sánh và đánh đổi: giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với tái định cư, ổn định sinh kế; giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh. Việc lấp hố xoáy là rất đắt đỏ và ngược quy luật tư nhiên, không đảm bảo an toàn về lâu dài, cần cân nhắc giải bài toán so sánh, đánh đổi trước khi thực hiện” – ông Thiện nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện còn cho rằng: “Khi nơi nào có nguy cơ sạt lở cao thì nên xem là tình trạng khẩn cấp, còn nơi đã sạt lở đủ rồi thì ít còn là khẩn cấp. Việc khắc phục cần phải tỉnh táo, bày lên bàn tất cả các phương án rồi cân nhắc thay vì quyết định hấp tấp một phương án.

Ví dụ, riêng đối với đoạn sạt lở QL91, cần cân nhắc thêm phương án rút lui gồm tái định cư và làm đường tránh và phương án nắn dòng, dời tim sông sang giữa sông. Cần cân nhắc cẩn thận về tính khả thi kỹ thuật, giữa lợi ích và chi phí. Tránh tình trạng quyết định “khẩn cấp” cho một tình huống không còn khẩn cấp, để dẫn đến thiếu cân nhắc, lãng phí và thất bại”.

BAN BỐ TÌNH TRẠNG SẠT LỞ SÔNG HẬU

Sáng 19-8, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định số 1999/QĐ-UBND ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Sông Hậu. UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; UBND TX.Tân Châu vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở.

“Tình trạng sạt lở bờ Sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong (TX.Tân Châu) diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bao bảo vệ 3.500 héc-ta đất sản xuất, 3 tuyến dân cư: Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Tường 1 và rất nhiều cư dân sinh sống ven tỉnh lộ 953. Đây là tuyến đê bao từng xảy ra 6 vụ sạt lở, với tổng chiều dài 1.124m, khiến 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp…” - Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang thông tin.

 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang