Bệnh viện 'đau đầu' khi phải ‘gánh’ cho bệnh nhân không BHYT

Thứ Năm, 24/11/2022 13:24

|

(CAO) Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không có thẻ BHYT mang lại nỗi lo, áp lực kinh tế đối với gia đình. Không thẻ BHYT, người bệnh còn khiến bệnh viện, bác sĩ đau đầu, trở thành áp lực “vô hình” bên cạnh nhiệm vụ cứu người, lại phải tìm cách “gánh” kinh tế cho chính bệnh nhân.

Không thẻ BHYT, áp lực đè trên vai bác sĩ và bệnh nhân

Nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh gần 20 ngày, ông Nguyễn Văn Nghịch (SN 1966, ngụ xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch sau vụ tai nạn khiến ông dập phổi, gãy xương đùi, xương đòn vai, tràn khí màng phổi…

Ông Nghịch điều trị tại bệnh viện khi không có thẻ BHYT ban đầu trở thành áp lực với nhiều người

Nam bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi không có vợ con, chỉ có người thân duy nhất ở bệnh viện chăm sóc trong suốt những ngày nằm viện lại không có thẻ BHYT dắt lưng.

Ban đầu, bệnh nhân không chịu hợp tác điều trị vì thấy chi phí điều trị khoảng 50-60 triệu đồng, có khi lên tới gần 100 triệu nếu như việc điều trị kéo dài, đó là con số quá lớn đối hoàn cảnh của ông vì chi phí phẫu thuật xương rất cao, nếu bệnh nhân không có đền bù, gia cảnh lại khó khăn thì đây là một áp lực vô cùng lớn. Bệnh nhân khó có điều cơ hội điều trị tối ưu nhất.

Bác sĩ Dương Thanh Bình khẳng định BHYT có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân và bệnh viện khi cứu người.

Bác sĩ Dương Thanh Bình, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cho biết, ông Nghịch nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện phải nhanh chóng cấp cứu, đặt ống dẫn lưu dịch phổi, cung cấp oxy điều trị dập phổi; đồng thời mổ cấp cứu xương đòn, xương đùi cho bệnh nhân.

Nam bác sĩ nói rằng, trường hợp của ông Nghịch và nhiều bệnh nhân không có thẻ BHYT đã trở thành một áp lực “vô hình” đối với chính gia đình bệnh nhân, người bệnh, bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ. Bởi, không thẻ BHYT, bệnh viện phẳn đắn đo suy nghĩ, cân nhắc và lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân vừa đảm bảo sức khỏe cho họ mà viện phí lại phù hợp nhất.

“Với ông Nghịch, may mắn gia đình đạt thỏa thuận đền bù với người gây tai nạn nên mới có tiền để điều trị. Trong trường hợp này, nếu không thỏa thuận được, chúng tôi vẫn điều trị vì nhiệm vụ cứu người là quan trọng nhất, nhưng như thế trở thành áp lực lớn với bệnh viện. Bệnh viện phải tìm cách để kêu gọi hoặc tìm nguồn tài trợ đối với các trường hợp như vậy”, bác sĩ Dương Thanh Bình cho biết.

Còn bác sĩ La Quốc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, cho hay, do mặt bằng kinh tế chung người dân tỉnh Trà Vinh khó khăn, nên tại đây 95% khám chữa bệnh BHYT. Và 90% nguồn thu của bệnh viện cũng đến từ BHYT.

Bác sĩ La Quốc Trung khẳng định BHYT có vai trò quan trọng đối với cả những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả.

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp nhập viện, không BHYT, chi phí điều trị cao, bệnh nhân không thể chi trả hết. Do vậy, vị bác sĩ hy vọng BHYT bao phủ toàn dân, để bệnh viện chỉ tập trung vào chuyên môn, không phải đắn đo, lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân và bệnh nhân nào cũng an tâm điều trị, không phải lo về viện phí.

Cả bác sĩ Bình và bác sĩ Trung đều khẳng định, BHYT có vai trò quan trọng đối với cả bệnh nhân và bệnh viện, bởi nó như “thẻ hộ mệnh” đối với người bệnh kể cả bệnh nhân có điều kiện về kinh tế để chính bệnh nhân, người thân không chịu áp lực, lo lắng khi điều trị. Còn đối với bác sĩ, không phải “một nách hai con” vừa lo nhiệm vụ cứu người vừa “gánh” kinh tế cho bệnh nhân khi phải đứng ra kêu gọi, vận động và tìm nguồn tài trợ cứu người.

Thẻ BHYT như “cây ATM” của gia đình người bệnh

Khác với hoàn cảnh của ông Nghịch là bệnh nhân Lê Văn Tâm (ngụ ở Cầu Ngang, Trà Vinh) cũng nằm điều trị di chứng tai biến tại bệnh viện Đa khoa Trà Vinh gần 1 tháng nay. Ông Tâm tiên lượng nặng, vừa chịu di chứng của tai biến vừa điều trị hệ lụy do nằm viện lâu như viêm phổi, huyết áp tụt… thời gian nằm viện còn có thể phải kéo dài.

Tính đến thời điểm này, chi phí điều trị của ông Tâm khoảng xấp xỉ 23 triệu đồng, trong đó hầu hết nằm trong phạm vi quỹ BHYT chi trả.

Ông Tâm điều trị tại bệnh viện với thẻ BHYT đã bớt đi gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Người nhà ông Tâm cho biết: “May mắn ông có thẻ BHYT hưởng mức 100%, nên mọi chi phí điều trị, thuốc thang đều được thanh toán BHYT. Với tình hình điều trị dài lâu như vậy, tài chính gia đình chắc không gánh nổi. Lúc bình thường chả ai thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT nhưng lúc ốm đau, bệnh tật mới thấy được thẻ BHYT như cây ATM của gia đình, trở thành chiếc ví dắt lưng để người thân và bệnh nhân yên tâm điều trị”. Con trai ông Lê Văn Tâm cũng từ đó nhận ra giá trị của tấm thẻ BHYT và đã mua BHXH tự nguyện cho cả gia đình.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh, đến hết tháng 10, độ bao phủ BHYT so dân số của Trà Vinh là 80,57%, tỷ lệ người tham gia BHYT có sụt giảm hơn so với năm trước. Lý giải thêm tỷ lệ người tham gia BHYT giảm, ông Bùi Quang Huy cho rằng, do ảnh hưởng kép từ tình hình dịch bệnh kéo dài cùng với tình hình an ninh thế giới làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... dẫn đến việc không thu lao động hoặc cắt giảm lao động làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Bùi Quang Huy trả lời phỏng vấn

Nhiều người dân bị mất hoặc sụt giảm thu nhập, kinh tế hết sức khó khăn nên việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn… Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Trà Vinh nỗ lực đạt mục tiêu phủ sóng BHYT tới mỗi người dân.

Bên cạnh các gói hỗ trợ BHYT từ tỉnh đến với các đối tượng khó khăn đã và đang triển khai, ngành BHXH nỗ lực phối hợp các đoàn thể, cơ quan bưu điện cùng các địa phương đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phù hợp tới từng ấp, xã, khóm, giúp người dân hiểu đúng về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT…; đồng thời dễ tiếp cận với các đại lý thu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang