Phát triển kinh tế tư nhân: Chủ trương đúng đắn vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh:

Bài 1: Xóa bỏ định kiến "con đẻ, con nuôi"

Thứ Ba, 13/05/2025 08:32

|

(CATP) Ngay sau khi Chuyên đề Công an TPHCM trích đăng bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ tầm nhìn, chủ trương của Đảng về việc phát triển kinh tế tư nhân, chúng tôi liên tục nhận được ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, người dân lên tiếng hoan nghênh về chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đối với tiền đồ xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được cho là bản tuyên bố có ý nghĩa cam kết chính thức và mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về việc tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phần kinh tế không được Nhà nước tạo ra trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cam kết này càng được khẳng định với bài viết mới được công bố của Tổng bí thư Tô Lâm về động lực mới cho phát triển kinh tế.

Các động thái từ cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị cho thấy quyết tâm thật sự của Đảng đối với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất trong dài lâu cho người dân làm giàu một cách không giới hạn và chính đáng, qua đó góp phần làm cho đất nước giàu mạnh.

Ở những quốc gia theo đuổi chính sách kinh tế tự do, doanh nghiệp, sau khi thành lập, chịu sự chi phối của một thệ thống chuẩn mực chung, bất kể nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp là Nhà nước hay tư nhân. Được coi như một chủ thể, một "con người", doanh nghiệp xác lập, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý phù hợp với các quy định của pháp luật. Thậm chí, không có một chế độ quản lý đặc thù của Nhà nước đối với doanh nghiệp gồm những quy tắc ứng xử đối kháng với người thứ ba.

Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (Nguồn: Internet)

Có thể có các quy tắc nội bộ chi phối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến vấn đề nhân sự, quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nhưng trong các lĩnh vực đa dạng của đời sống dân sự và thương mại, chỉ có các quy tắc xử sự chung được ghi nhận trong các văn bản quy phạm mà doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể của luật, một pháp nhân, phải tuân thủ khi tham gia vào các quan hệ được điều chỉnh bởi các quy tắc đó. Các quy tắc pháp lý được áp dụng bất kể doanh nghiệp thuộc thành phần nào: doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, công ty của tư nhân...

Trong điều kiện đặc thù của một nền kinh tế thị trường có định hướng và có vai trò của Nhà nước vừa là nhà quản lý, vừa là nhà đầu tư, sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân khá rõ nét. Sự phân biệt ấy được cho có nguồn gốc sâu xa là các lề thói ứng xử hình thành và phổ biến trong khoảng thời gian áp dụng chế độ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Ở Việt Nam, thời kỳ bao cấp không dài lắm, nhưng đủ để làm hằn sâu trong tâm trí con người ký ức về một nền kinh tế được quan niệm như một phần của hệ thống hành chính công. Trong hệ thống đó, thành viên của doanh nghiệp, từ người quản lý, điều hành cho đến công nhân trực tiếp lao động sản xuất, được đối xử theo quy chế công chức. Cung cách chủ quản hành chính theo kiểu thượng cấp - thuộc quyền đối với doanh nghiệp được duy trì đến nay; thậm chí còn bao trùm cả khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư có xu hướng coi mình là cấp thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt cơ quan quản lý chuyên ngành, cảm thấy yên tâm khi được đối xử như cấp thuộc quyền.

Hệ thống quản lý đó tạo thuận lợi cho sự phát triển các khả năng cạnh tranh bằng cách khai thác lợi ích từ những mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Một cách tự nhiên, khi cùng một lúc cai quản, chăm sóc con của mình và con không phải của mình, thì người mẹ thường sẽ có thái độ thiên vị đối với con của mình. Trong điều kiện được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không dành cho doanh nghiệp nhà nước sự đối xử đặc biệt so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, thì mới là chuyện lạ.

Các thành viên xã hội ý thức được các ưu thế của doanh nghiệp Nhà nước so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước. Sự ứng xử nhân văn phổ biến cũng theo đó mà hình thành.

Chẳng hạn, một khi cần xác lập các giao dịch mang tính chất quan hệ lâu dài và liên quan đến tài sản có giá trị lớn, ví dụ, đầu tư trực tiếp hoặc quan hệ tín dụng, và khi cần phải lựa chọn giữa một doanh nghiệp Nhà nước và một doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thì người dân có xu hướng chọn doanh nghiệp Nhà nước để đối tác. Không hẳn người dân tin tưởng vào sức sống, khả năng phát triển của bản thân doanh nghiệp Nhà nước. Đơn giản, trong trường hợp có rủi ro dẫn đến mất khả năng thanh toán, thì doanh nghiệp Nhà nước còn có sau lưng mình bóng dáng của Nhà nước như là một người cứu hộ hào hiệp; còn phía sau doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thì không có ai.

Một lợi thế cạnh tranh khác của doanh nghiệp Nhà nước có nguồn gốc từ định kiến xa xưa của xã hội đối với doanh nghiệp không phải của Nhà nước. Cho đến nay, những cụm từ "tư thương", "thương lái" vẫn được dùng để chỉ những cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại không do Nhà nước lập ra và được hiểu là một loại người xấu, cơ hội trong kinh doanh, chuyên lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhất là của bà con nông dân, để đầu cơ, trục lợi. Cách gọi mang tính phân biệt đối xử đó thậm chí có thể được ghi nhận trong các hoạt động giao tiếp có tầm ảnh hưởng sâu rộng, như các bản tin, bài báo phổ biến trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước; các phát biểu mang tính công vụ của những người giữ trọng trách trên các diễn đàn chính thức.

Mặt khác, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã được khẳng định, được nhắc đi nhắc lại, song nỗi nghi ngại về tính bền vững của kinh tế tư nhân vẫn chưa mất hẳn. Bởi vậy, trong tâm lý của một bộ phận dân cư không nhỏ, làm việc cho một doanh nghiệp không phải Nhà nước thường không được coi là đã ổn định về phương diện nghề nghiệp, sự nghiệp. Từ mấy năm nay, sự thay đổi nơi làm việc từ khu vực công sang khu vực tư không làm thay đổi thân phận pháp lý của người lao động ở góc nhìn bảo hiểm xã hội. Song, việc di chuyển từ công sang tư thường bị coi là bước đi xuống.

Chỉ riêng những điều đó đã là những vật cản đáng kể đối với khả năng lớn mạnh của kinh tế tư nhân. Không thể phủ nhận sự phát triển với tốc độ nhanh của các doanh nghiệp tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần của tư nhân trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế kể từ khi có chính sách đổi mới, đặc biệt trong khoảng chục năm trở lại đây. Đã xuất hiện những tập đoàn tư nhân lớn, đủ bề thế để nói chuyện ngang ngửa với các tổng công ty được Nhà nước đầu tư và chăm sóc đặc biệt, trong đời sống kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kinh tế tư nhân đều chỉ có quy mô vừa và nhỏ; nỗi e ngại về tương lai bất định khiến người ta dùng dằng trước ý tưởng mở rộng quy mô đầu tư: có chút ít tích lũy từ lợi nhuận trong làm ăn thì đi mua vàng, ngoại tệ, đất cho chắc.

Nghị quyết 68 và cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng và Nhà nước được kỳ vọng là những nỗ lực mang ý nghĩa quyết định, nhằm đẩy lùi và đánh tan định kiến xã hội nặng nề tồn tại dai dẳng bao nhiêu năm nay về vị thế của kinh tế tư nhân, của người làm việc trong khu vực tư; là cú hích mở toang cánh cửa để kinh tế tư nhân bay lên thật cao, thật xa và phát triển xứng tầm.

Năm 2010, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 21,85% GDP của cả nước. Năm 2015 chiếm 24,2%. Năm 2020 tăng lên 27,08%. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 42 - 45% GDP. Những con số lạc quan hơn còn cho rằng khu vực này chiếm tới 50% GDP cả nước. Khu vực tư nhân có khả năng tối ưu hóa nguồn lực, với tỷ suất hoàn vốn cao hơn 30 - 50% so với doanh nghiệp Nhà nước.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 85% tổng số việc làm. Theo thống kê, khu vực tư nhân tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Khu vực tư nhân chính là đầu tàu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Khu vực tư nhân đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao và nông sản.

Khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước: Năm 2016, đóng góp 13,88% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đến năm 2021 đạt 18,5%. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang