Cần có những giải pháp đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân

Thứ Năm, 25/03/2021 20:10

|

(CAO) Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 25-3 về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng nhiệm kỳ tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân.

Chưa hoàn tất được những dự luật thực tế đang cần

Ghi nhận những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XIV, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng công tác lập pháp cũng còn hạn chế khi “tuổi thọ” của luật hiện nay rất ngắn. Trong khi đó, dù thời gian dành cho việc làm luật là rất lớn, nhưng theo đại biểu Lan, Quốc hội vẫn chưa hoàn tất được những dự án luật thực tế đang cần.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo nữ đại biểu của TPHCM, là do cách soạn thảo luật chưa khách quan. “Đại biểu góp ý, đến lúc giải trình thì cơ quan soạn thảo lại nói “chúng tôi xin tiếp thu… và xin giữ nguyên như dự thảo” - bà Lan phàn nàn.

Phiên thảo luận chiều 25/3 tại tổ TPHCM

Nhìn nhận việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc của nhân dân là phần khó khăn nhất, đại biểu Lan chỉ ra, ĐBQH chỉ mới làm được vai trò là chuyển đơn.

“Các cơ quan, tổ chức không giải quyết được chúng ta cũng chưa có cơ chế, chế tài xử lý. Phải xây dựng được cơ chế cho rõ ràng” – nữ đại biểu yêu cầu.

Chia sẻ với bà Lan, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) e ngại ngày càng ít ĐBQH thẳng thắn, có dũng khí để tranh luận, nêu các vấn đề của mình, vì sợ bị quy chụp. Theo ông Nghĩa, nếu làm không khéo, sẽ triệt tiêu dũng khí của các ĐBQH.

Chung nỗi băn khoăn về công tác lập pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lưu ý, chương trình làm luật vẫn còn tình trạng “đưa vào rồi lại rút ra”. Nhiều luật được ban hành nhưng lại chồng chéo khiến rất khó khăn trong khâu thực hiện.

“Nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh rằng, có quá nhiều luật chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, dẫn đến người có thẩm quyền không yên tâm khi đưa ra các quyết định” - ông Ngân nói và đề nghị Quốc hội khóa tới cần đầu đầu tư cao hơn vào công tác lập pháp để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và đòi hỏi của nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) băn khoăn về tính kế thừa của thế hệ lãnh đạo Quốc hội khoá mới. Qua phân tích thông tin về công tác nhân sự đại biểu Quảng Trị xác định chỉ có 5/18 Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục công tác trong khoá mới.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

“Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khoá XIV cho khoá XV tới là rất ít. Tôi tin, rất nhiều lãnh đạo các ngành khác về Quốc hội cũng sẽ không dễ bắt ngay vào công việc khi chưa có kinh nghiệm ở cơ quan lập pháp. Chắc chắn sẽ có những lúng túng, bỡ ngỡ và điều đó hẳn là sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội giai đoạn tới” – ông Thắng bình luận.

Từ suy nghĩ trên, đại biểu Quảng Trị cho rằng cần có chiến lược quy hoạch cán bộ để những nhiệm kỳ sau, Quốc hội đảm bảo được tính kế thừa, vững chắc.

Cần giải pháp mang tính đột phá

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự băn khoăn khi các vấn đề giáo dục được đề cập “rất mờ nhạt”.

“Nếu đọc báo cáo thì cảm giác giáo dục Việt Nam đang cất cánh. Chúng ta nói hoài về đổi mới giáo dục nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những vụ việc gây mất lòng tin kinh khủng” - bà Lan nói.

Dẫn ví dụ về vụ tiêu cực điểm thi xảy ra ở một số tỉnh, thành, đại biểu Lan cho rằng, dường như việc xử lý cứ vo lại, vo lại cho ít dần. “Nếu chúng ta chấp nhận cứ có tiền là có tất cả thì đi ngược lại mục tiêu, không thể chấp nhận được. Đặc biệt, không hiểu sao trong báo cáo của Chính phủ lại không có một dòng nào về tiêu cực thi cử” - đại biểu thắc mắc.

Cũng góp ý vào báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bên cạnh những thành tựu thì cũng còn nhiều những vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, theo ông việc xử lý 12 dự án đại thua lỗ thời gian qua còn chậm; cổ phần hóa DNNN còn vướng về thể chế nên không đạt yêu cầu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu ý kiến

Đăc biệt, mong đợi để “kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng”, theo ông Ngân chưa đạt được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp kinh tế tư nhân lớn vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.

“Nhiệm kỳ tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân để đất nước có nhiều “đại bàng” hơn nữa”, ông Ngân kiến nghị.

Phân tích sâu hơn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, trong số 4 thành tựu cơ bản thể hiện trong báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, cần nhấn mạnh về xu hướng đổi mới, mở cửa hội nhập sâu rộng của Việt Nam 5 năm qua.

“Sự khác biệt của nhiệm kỳ này là trên tinh thần hội nhập, hợp tác quốc tế. Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt lớn chứ không chỉ là một nước chủ động hoà theo các dòng chảy, xu hướng. Nhất là trong ASEAN, vai trò dẫn dắt của Việt Nam thể hiện rất rõ” - tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích.

Vẫn theo ông Trần Tuấn Anh, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình, Việt Nam đã đạt được kết quả trong đàm phán hiệp định RCEP mà nhiều nhiệm kỳ trước không kết thúc được, điều phối các hoạt động chống đại dịch Covid-19.

Dẫn chứng khác của ông Tuấn Anh là hiệp định thương mại tự do CTPPP được ký kết, phê chuẩn trong năm 2019 và đã phát huy hiệu quả lớn trong 2 năm qua, giúp Việt Nam có được sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ tới những thị trường mới như Canada, Mexico (đều tăng trưởng ở mức 40-45%).

“Với việc hội nhập, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và của cả nền kinh tế được khẳng định, củng cố” – ông Trần Tuấn Anh nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang