Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trước Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án hình sự đã khởi tố tăng so với nhiệm kỳ trước.
Đáng chú ý, đã khởi tố nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Số vụ tội phạm về tham nhũng, chức vụ bị khởi tố, theo ông Lê Minh Trí, có giảm nhưng có nhiều vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội sáng 25/3
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet tăng. Tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ án có tính chất, quy mô lớn được phát hiện ngày càng nhiều. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 375.884 vụ án hình sự, tăng 1,2%; kiểm sát việc giải quyết 1.713.874 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, tăng 22,5% và 33.011 vụ án hành chính, tăng 10,1%.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều áp lực đặt ra đối với ngành Kiểm sát” - ông Lê Minh Trí nói. Áp lực này, theo ông Trí, là yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm tăng thêm rất nhiều; yêu cầu Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia, thực hiện nhiều hoạt động tố tụng so với trước đó nhằm phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; chế tài xử lý trách nhiệm rất nghiêm đối với Kiểm sát viên trong việc để xảy ra các trường hợp oan, sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và quy định kỷ luật của Đảng trong bối cảnh ngành Kiểm sát đang thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
Trước những áp lực trên, Viện trưởng VKSNDTC đã yêu cầu đổi mới nhiều khâu, lĩnh vực công tác và trước hết là đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành, gắn xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người Đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Coi công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ, ngay từ đầu, Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác này.
“Với chủ trương mạnh dạn phân công giao việc để thử thách cán bộ, qua đó phát hiện được những nhân tố mới; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để tạo môi trường mới, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ và chủ động phòng ngừa sự trì trệ, tiêu cực, nhất là những vị trí nhạy cảm, những khâu, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực” – ông Trí cho biết.
Song song với đó, toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
“Viện trưởng VKSND tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ” – ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Vẫn theo lãnh đạo ngành Kiểm sát, trong nhiệm kỳ qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các yêu cầu của Đảng, Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
“Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng do Quốc hội giao hầu hết đều đạt và vượt, các khâu, các nhiệm vụ công tác đều có chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước” – Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần Thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội tăng cường chỉ đạo, giám sát các bộ, ngành hữu quan trong việc giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.
Vẫn theo ông Trí, cần có lộ trình sửa đổi, điều chỉnh bổ sung kịp thời các điều, khoản luật không phù hợp yêu cầu thực tiễn để pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đảm bảo tính khả thi trong thực thi pháp luật.