5 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội

Thứ Năm, 25/03/2021 15:41

|

(CAO) Trưởng Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, qua 1050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội có 1.907 ý kiến được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 1.870 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.

Thông tin đến Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua 1050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội có 1.907 ý kiến được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 1.870 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 25/3

Trong số này, nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết.

“Các Bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri” – ông Bình nhìn nhận. Đặc biệt, có những vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số hạn chế, như vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình.

Một số kiến nghị cử tri mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng qua nhiều kỳ họp đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị.

Dẫn chứng, ông Bình cho biết, từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị ban hành Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch... để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực...

Dù vậy, sau hơn 5 năm từ khi Nghị định số 16 có hiệu lực, đến nay mới chỉ có Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác được ban hành. Các lĩnh vực còn lại chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Hạn chế nữa được Trưởng ban Dân nguyện chỉ ra là công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực còn chậm.

Ví dụ, từ Kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị có văn bản hướng dẫn kinh phí cho Kỳ thi THPT quốc gia để các địa phương có căn cứ thực hiện và kịp thời ban hành quy định mức chi chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2020 theo quy định. Song đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất ý kiến nên văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Sự không thống nhất về quan điểm giữa các bộ ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật cũng là hạn chế được đặt ra. Bằng chứng là cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Thế nhưng khi trả lời thì thì quan điểm của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao chưa thống nhất. Bộ Tư pháp cho rằng hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, Tòa án nhân dân tối cao lại trả lời, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 trong đó có quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nêu trên.

“Quan điểm của 2 cơ quan không thống nhất, có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật” – ông Dương Thanh Bình lưu ý và kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 của Bộ luật Hình sự.

5 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội:

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, các kiến nghị này được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước. Cụ thể: 
- Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân.
- Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
- Có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
- Thực hiện các kiến nghị của cử tri, Nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Bình luận (0)

Lên đầu trang