VNVC và Quỹ Đầu tư Nga ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược về vắc-xin công nghệ mới

Chủ Nhật, 11/05/2025 10:40

|

(CAO) Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty Vắc xin VNVC với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc sinh học tiên tiến, đặc biệt kỳ vọng sớm đưa vắc xin điều trị ung thư tiềm năng về Việt Nam.

Văn kiện ký kết giữa Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Công ty Vắc xin VNVC được trao trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đại diện phía Nga trao đổi văn kiện hợp tác với ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty vắc xin VNVC trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Thống Nhất

Theo thỏa thuận hợp tác giữa RDIF và VNVC, hai bên sẽ thảo luận để thiết lập nền tảng hợp tác sâu về công nghệ cao trong lĩnh vực Y sinh, tập trung vào nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại các thuốc sinh học, vắc xin công nghệ cao. Trong đó, kỳ vọng hàng đầu của VNVC là sớm đưa về nước vắc xin điều trị ung thư tiềm năng trên công nghệ mRNA hiện đại hàng đầu hiện nay mà phía Nga đã công bố gần đây.

Tháng 12/2024, Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang thuộc Bộ Y tế Nga, thông báo Nga đang nghiên cứu và phát triển vắc xin điều trị ung thư sử dụng công nghệ mRNA hiện đại. Ảnh: TASS

Bên cạnh văn kiện hợp tác quan trọng này, VNVC còn ký kết hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya về hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sinh học. Các đề tài nghiên cứu sẽ được triển khai ngay trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ hợp tác được công bố giữa hai đại diện chính thức trong lĩnh vực y tế của hai quốc gia, VNVC còn ký kết với Tập đoàn dược phẩm Nga Binnopharm, một trong những hãng sản xuất dược phẩm lớn nhất nước Nga.

Trước đó, tháng 12/2024, Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X-quang thuộc Bộ Y tế Nga công bố nước này đang nghiên cứu phát triển vắc xin điều trị ung thư phổi tiềm năng, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến mRNA.

Tại Việt Nam, VNVC là đơn vị đầu tiên đầu tư lớn cho hệ thống kho lạnh âm sâu (âm 40 đến âm 86 độ C) để bảo quản các loại vắc xin cần điều kiện bảo quản đặc biệt. Ảnh: Mộc Thảo

Ngay sau ký kết, VNVC sẽ bắt đầu các hoạt động trao đổi khoa học cùng các nhà khoa học từ nhiều Viện nghiên cứu, bệnh viện cao cấp của Nga để tiếp nhận chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin sử dụng công nghệ mRNA. Đặc biệt là nghiên cứu triển khai sản xuất vắc xin theo mô hình “chu trình toàn diện, khép kín hoàn toàn” tại Việt Nam, tập trung vào các sản phẩm dược phẩm là thế mạnh của Binnopharm, cùng với các sản phẩm dược phẩm quan trọng khác của Nga, tập trung chuyên sâu là lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư công nghệ cao.

VNVC hiện là hệ thống tiêm chủng hàng đầu Việt Nam với hơn 220 trung tâm tiêm chủng hiện đại trên khắp cả nước, luôn có đầy đủ vắc xin, 100% bác sĩ, điều dưỡng trình độ cao, có chứng chỉ an toàn tiêm chủng. Ảnh: Mộc Thảo

Hợp tác quan trọng này của VNVC với đối tác lớn hàng đầu thế giới tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của y tế Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong kỷ nguyên mới. Trước mắt và cụ thể, hợp tác này được coi là hành động cụ thể, hiện thực hóa chủ trương từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, được ban hành ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Nga được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sản xuất vắc xin công nghệ cao và các liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến cho Việt Nam.

Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết: “Nga và Việt Nam có nhiều điều kiện để hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh và chăm sóc sức khỏe. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin Sputnik V phòng Covid-19 của Nga. Khung hợp tác chúng tôi công bố hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang tính tiên phong”.

Nhà máy sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm VNVC tại Long An có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, được thiết kế xây dựng theo công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Ảnh: VNVC

Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với các cơ quan uy tín của Nga, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty vắc xin VNVC khẳng định, đây là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận, thử nghiệm các vắc xin trên công nghệ mRNA tiên tiến bậc nhất mà phía Nga đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển.

Hai bên sẽ trao đổi để mở ra cơ hội cho Việt Nam sẽ được tiếp cận sớm với vắc xin ung thư công nghệ mRNA tiềm năng của Nga, không chỉ là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa sản phẩm mà còn có thể để sản xuất ngay tại Nhà máy sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm VNVC Long An”, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang