Việc điều tra, làm rõ có hay không chuyện “PR” vẫn đang được cơ quan hữu trách xác minh. Nhưng nếu không được nghiêm trị hoặc có những chế tài xử phạt đủ nghiêm khắc, sự việc lần này sẽ trở thành tiền đề để nạn “quảng cáo lố” bùng phát trong thời gian tới.
KHÔNG QUẢNG CÁO?
Sự xuất hiện của người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ nhưng lại cưỡi ngựa tham gia giao thông trên đường phố trung tâm TPHCM xảy ra vừa qua nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận cực “nóng” trên MXH, đem lại lượng tương tác “khủng”. Dưới góc độ truyền thông, nhiều chuyên gia nhận định, thật khó khi nói không có sự liên quan hãng xe ôm công nghệ trên trong việc dàn dựng nên màn quảng cáo “lố” này.
Nghi vấn càng có căn cứ khi trong quá trình làm việc với CSGT, nam thanh niên cưỡi ngựa Dư Nguyễn Thành N. (SN 2000, ngụ Q12) khai nhận, được thuê để mặc áo, cưỡi ngựa chạy trên đường nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người dân, làm quảng cáo cho hãng xe ôm công nghệ (?).
Hình ảnh người đàn ông mặc áo khoác hãng xe công nghệ, cưỡi ngựa làm trò lố nhằm vô tình hay cố ý quảng cáo cho hãng xe ôm công nghệ đều đáng bị lên án vì gây ảnh hưởng đến giao thông trật tự
Theo tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, trong ngày 14-02, N. nhận con ngựa từ một người đàn ông tên H. (ngụ Q.Tân Bình). Ông H. là nhân sự của một công ty quảng cáo tên A.P. có địa chỉ ở Q.Tân Phú.
Sáng 15-02, cả N. và ông H. đã đến trụ sở Đội Tuần tra dẫn đoàn để trực tiếp viết cam kết trong thời gian tới sẽ không tái phạm hành vi vi phạm nói trên. Một cán bộ trong tổ công tác thuộc Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT ĐB-ĐS, CATP cho biết, với sự việc xảy ra vào ngày 14-02, đơn vị này chỉ có thể ra quyết định xử phạt về vi phạm hành chính (không lập biên bản) trong lĩnh vực giao thông trật tự.
“Chức năng của CSGT là tiếp nhận xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới vi phạm trật tự giao thông. Còn việc xác định ông N., ông H. có thật sự được doanh nghiệp xe ôm công nghệ nói trên thuê để tổ chức quảng cáo hay không thì không thuộc chức năng của chúng tôi”- vị này chia sẻ.
Theo Luật sư Bạch Tuyết, Giám đốc văn phòng Luật sư Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng: “Để xác định hành vi trên có vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo hay không, chúng ta cần xác minh liệu có hay không việc hãng xe ôm công nghệ thuê anh N. thực hiện hành vi quảng cáo; yêu cầu anh N. mặc đồng phục của hãng xe công nghệ và cưỡi ngựa trên đường phố hay không?”.
Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT ĐB-ĐS) đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi của người đàn ông cưỡi ngựa giữa trung tâm TPHCM vào hôm 14-2
Trong trường hợp xác định có sự việc hãng xe ôm công nghệ thuê anh N. hoặc anh N. được một đối tác của hãng xe ôm công nghệ nói trên thuê để thực hiện hành vi mặc đồng phục mang thương hiệu của hãng xe công nghệ, cưỡi ngựa trên đường phố để quảng cáo thì anh N. được xem là “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” (người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự), quy định tại khoản 8, Điều 2, Luật Quảng cáo năm 2012.
Tuy nhiên, luật sư cũng cho rằng, kết luận của cơ quan chức năng dù khẳng định đây chỉ là hành động bộc phát, không vì mục đích quảng cáo thì cũng rất khó thuyết phục được dư luận vì nhiều lý do.
“Có nhiều hãng xe ôm công nghệ, giao hàng nhưng tại sao ông N. lại mặc đồng phục của hãng này để ra đường nhằm gây sự chú ý? Cạnh đó, việc cưỡi ngựa tham gia giao thông giữa trung tâm TPHCM là việc làm không được phép thực hiện.
Đây là kiến thức giao thông cơ bản nên người vi phạm không thể nói không nắm bắt để rồi vi phạm. Rõ ràng hành động này tiềm ẩn rất nhiều động cơ khác cần được xác minh, làm rõ” - Luật sư Tuyết chia sẻ.
MUÔN KIỂU PR “LỐ”
Ngoài cách làm của anh N. diễn ra trong ngày 14-02 mà dư luận cho rằng có dấu hiệu của hành vi quảng cáo, tạo tương tác trên MXH, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn lựa chọn cho mình nhiều kiểu quảng cáo không giống ai, thậm chí là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.
Thường thấy nhất là việc doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo thuê các xe khách 50 chỗ, dán kín nội dung quảng cáo trên xe, sau đó để những chiếc ôtô này chạy thành hàng, len lỏi khắp các ngóc ngách ở trung tâm nhằm gây sự chú ý.
Một ngày cuối năm 2022, phóng viên chuyên đề Công an TPHCM bắt gặp 3 chiếc xe khách 50 chỗ được phủ kín nội dung quảng cáo cho một dự án bất động sản. Cả 3 chiếc xe đang đậu gần một ga-ra ôtô ở Q.Gò Vấp để kiểm tra trước khi khởi hành vào lúc 17 giờ.
Một công ty BĐS sử dụng xe 50 chỗ, phủ kín nội dung quảng cáo nhằm giới thiệu một dự án cho mình cung cấp
Tài xế tiết lộ, anh được một công ty quảng cáo ở TP.Thủ Đức thuê để làm dịch vụ quảng cáo. Nhiệm vụ của tài xế chỉ đơn giản là cho xe vào ga-ra gián quảng cáo, rồi chạy chậm vào các tuyến đường trung tâm TP vào các khung giờ cao điểm để gây chú ý. “Đi tới đâu, chúng tôi chụp lại ảnh báo cáo tới đó. Nếu bị CSGT xử phạt thì cứ chụp biên bản gửi về công ty, sẽ có người đứng ra đưa lại tiền để hỗ trợ”- tài xế chia sẻ.
Liên quan tới các hoạt động quảng cáo thông qua các hình thức giao thông, trong số báo phát hành ngày 09-12-2022, Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh tình trạng nhiều ôtô kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách cho các hãng xe công nghệ, xe taxi truyền thống có tình trạng quảng cáo cho các hình thức cờ bạc trực tuyến, mời gọi đăng ký mở tài khoản ở các nhà cái cá độ… nở rộ vào dịp giải bóng đá vô địch thế giới khởi tranh năm vừa qua.
Trong khuôn khổ bài viết đó, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã nêu ra hàng loạt trường hợp quảng cáo cờ bạc xuất hiện một cách ngang nhiên ở trung tâm TP mà không có động thái vào cuộc xử lý kịp thời từ các cấp quản lý.
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ những quảng cáo được in trên những ôtô công nghệ đều do một đầu mối quảng cáo ở TPHCM triển khai. Thông qua những hội, nhóm tài xế công nghệ trên mạng xã hội (MXH), các hợp tác xã vận tải… sẽ có những nhân viên kinh doanh ngỏ lời.
Nhiều trường hợp quảng cáo công khai cho những nhà cái, hình thức cờ bạc trực tuyến được phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM ghi nhận trong thời gian diễn ra giải bóng đá World cup 2022
Trung bình 1 tài xế công nghệ sẽ nhận từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/tháng nếu chấp nhận dán quảng cáo trên xe. Đến nay, sau gần 3 tháng kể từ khi giải bóng đá này kết thúc, khi ra đường, người dân vẫn thường xuyên bắt gặp tình trạng ôtô công nghệ “tiếp tay” cho cờ bạc. Thậm chí, tình trạng quảng cáo cho các hoạt động cờ bạc, đề đóm, cá độ đá banh còn thâm nhập vào các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê.
Các đối tượng này đã thông qua những đơn vị tổ chức quảng cáo, tổ chức sự kiện để đặt hàng tổ chức. Hành động này gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới trật tự xã hội trên địa bàn TP, song chưa được quan tâm, quản lý một cách chặt chẽ.