Tập đoàn điện lực Việt Nam ước tính lỗ lũy kế hơn 93.000 tỷ đồng:

"Điệp khúc" lỗ - tăng giá điện

Thứ Sáu, 17/02/2023 16:42

|

(CATP) Từ năm 2019 đến nay, bình quân giá điện bán lẻ đến người tiêu dùng, sản xuất mức vào hơn 1.864 đồng/kWh, có nghĩa là thời gian qua chưa thay đổi về giá điện. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo gặp rất nhiều khó khăn, lỗ hơn 31.000 tỷ đồng (năm 2022), rồi lỗ lũy kế 2 năm (2022-2023) là hơn 93.000 tỷ đồng. Vậy giá điện thời gian tới tăng hay không? Điều này khiến người dân, các công ty, đơn vị sản xuất đang lo lắng!

Người tiêu dùng "méo mặt"

Ngày 16-02, khi được hỏi về giá điện sinh hoạt thời gian tới nếu sẽ tăng, anh N.V.N (ngụ nhà trọ Q.Bình Thạnh) liền ngao ngán: "Đau đầu lắm, đủ thứ kế sinh nhai, sinh hoạt thường ngày đều tập trung rất nhiều vào điện. Mỗi thứ tăng một chút, nhưng giá điện mà tăng thì kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy. Như gia đình chúng tôi mỗi tháng trả hàng triệu đồng tiền điện sinh hoạt, nếu tăng thì chi tiêu cũng tăng theo. Nghĩ đến mà... phát rầu". Anh N. thở dài cho biết thêm, ở trọ đã chật chội, không gian rất gò bó, nếu giảm lượng tiêu thụ điện thì rất khăn trong mọi sinh hoạt. Thời gian tới giá điện bán lẻ tăng, gia đình tội lại gồng mình và không biết ra sao nữa?

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá bán lẻ; cơ chế giá, thị trường và mua bán điện trực tiếp (DPPA). Những đề xuất này sẽ đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực. Ngoài ra, Bộ sẽ xử lý các kiến nghị của tập đoàn này về cấp khí cho các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Ô Môn, Dung Quất; thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án Quảng Trạch I, thủy điện tích năng Bắc Ái và cấp đủ than cho sản xuất điện.

Tương tự, ông Q.H (ngụ Q3) cho biết: "Nhà tôi xài đến 5 cái máy lạnh, nắng nóng kinh khủng, tiết kiệm cũng dồn vào 1 đến 2 phòng mở máy lạnh. Đó chưa kể khi nhà có khách, máy lạnh chạy rào rào mà nóng cả ruột gan. Hàng tháng trả tiền điện (trừ qua tài khoản ngân hàng) chóng cả mặt. Rồi bây giờ xài bếp điện, cái gì máy móc trong nhà hầu như đều phải dùng điện. Có tiết kiệm cỡ nào mà giá điện tăng thì tác động mạnh đến đời sống người dân ngay".

Trong khi các gia đình đều tỏ ra lo lắng khi giá điện bán lẻ tăng thì tại các đơn vị, công ty, đặc biệt là nhà sản xuất sử dụng điện không khỏi "băn khoăn, lo âu" khi thông tin giá điện điều chỉnh nếu sẽ tăng trong thời gian tới. Ông N.V.H (chủ công ty chuyên sản xuất gỗ sơn và xuất nhập khẩu, đóng tại tỉnh Bình Dương) cho hay: "Doanh nghiệp có rất nhiều lao động, với rất nhiều máy móc liên quan đến dùng điện, trường hợp tăng giá điện thì bắt buộc tôi phải cân đối giá cả sản phẩm. Nhưng dù sao kinh doanh sản xuất như chúng tôi đều mong muốn lúc này đang gặp khó khăn nên ngành điện, Chính phủ cũng như Bộ Công thương và các cơ quan chức năng xem xét không nên tăng giá điện, nhất là trong năm nay".

Hay trường hợp anh N.K.K (quản lý một tòa nhà ở Q3), với rất nhiều chi phí hàng tháng, trường hợp giá điện tăng không những ảnh hưởng đến cân đối "thu - chi" hoạt động tòa nhà, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả cho thuê sàn (văn phòng) hàng tháng, vì phải điều chỉnh, cân đối... Do đó, theo anh K. các cơ quan quản lý, hết sức cân nhắc cho bài toán với lời giải "chưa nên tăng giá điện vào thời điểm năm 2023 này".

Người dân, nhà sản xuất đều lo lắng khi giá điện tăng

Điều chỉnh giá điện?

Theo Bộ trưởng Công Thương - Nguyễn Hồng Diên, EVN đang đối mặt thách thức, khó khăn chưa từng có do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng cao. Yếu tố này đã "ăn mòn" lợi nhuận, khiến EVN ghi nhận khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm 2022. Mức lỗ theo đánh giá của Ủy ban Quản lý Nhà nước, do yếu tố khách quan khi giá điện chưa được điều chỉnh. Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương (tháng 01-2023), EVN ước tính lỗ lũy kế 2 năm (2022 - 2023) là hơn 93.000 tỷ đồng, trong đó năm nay trên 64.940 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện bình quân vẫn như hiện nay. Giá bán lẻ điện bình quân, cơ sở tính toán giá bán lẻ điện tới người tiêu dùng, sản xuất là đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh (giữa tháng 03-2019 đến nay, nghĩa là gần 4 năm giá này chưa thay đổi).

Mới đây, ngày 15-02 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương và ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì buổi làm việc với EVN về một số dự án đầu tư xây dựng nguồn điện và lưới điện, tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022-2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Cùng dự buổi làm việc có ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Về phía EVN có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, các thành viên HĐTV, các phó tổng giám đốc tập đoàn. Tại đây, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã báo cáo về tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 của EVN, trong đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023.

Ngành điện lực lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng

Các kiến nghị của EVN đã được Ủy ban và Bộ Công Thương lắng nghe, giải đáp; đồng thời các cục, vụ chức năng của hai cơ quan cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các kiến nghị; một số kiến nghị được ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh EVN phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua, xuất phát từ những mâu thuẫn chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao...

Về các kiến nghị của EVN đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp với EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện. Cụ thể, đối với công tác đầu tư xây dựng, giải quyết các kiến nghị liên quan đến cung cấp khí cho các dự án nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn, Dung Quất, thẩm định thiết kế kỹ thuật theo từng đợt đối với phần còn lại của dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; thẩm định báo cáo thiết kế kỹ thuật dự án thủy điện tích năng Bác Ái; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu phụ tải và phương án cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo; đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.

Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.

Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đã có ý kiến chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện như Ô Môn III, Trị An mở rộng và phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về các giải pháp đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, trong đó có các nội dung liên quan đến đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang