Vụ án liên quan đến các trung tâm đăng kiểm: Đụng chỗ nào sai phạm chỗ đó

Thứ Năm, 16/02/2023 16:30

|

(CATP) Công an TPHCM là đơn vị đi đầu trong phá án về sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới; đến nay lực lượng Công an trong cả nước đã khởi tố, bắt giam hơn 200 đối tượng liên quan. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, đây là chiến công xuất sắc của Công an TPHCM. Vụ án này cho thấy Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải, gọi tắt là Bộ GTVT) buông lỏng quản lý, nhận hối lộ theo tháng một cách có hệ thống. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng gọi đó là hành vi "không thể tha được".

Hơn 200 bị can liên quan đến sai phạm về đăng kiểm

Liên tục trong nhiều tháng qua, lực lượng chức năng và Công an TPHCM mở rộng điều tra về sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các TTĐK xe cơ giới tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác. Mới nhất là vào ngày 13-02, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an Q.Tân Bình (TPHCM) phối hợp các đơn vị liên quan khám xét TTĐK 50-05V - chi nhánh Hồng Hà (Q.Tân Bình). Trước đó, sáng 09-02-2023, Công an TPHCM đã thực hiện khám xét Chi cục Đăng kiểm số 6 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, trụ sở trên đường Lý Tự Trọng, P.Bến Thành, Q1). Trong khi đó, một tổ công tác khác của Công an TPHCM đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phối hợp với Công an tỉnh này tiến hành khám xét Chi cục Đăng kiểm số 9 tại TP.Vũng Tàu.

Vụ án sai phạm tại các TTĐK được Công an TPHCM phát hiện từ tháng 10-2022. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Dương (Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM), vào ngày 26-10-2022, đơn vị nhận được nguồn tin tố giác tội phạm, về dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới. Quá trình kiểm tra xe tải BS: 50H-100.20 lưu thông trên đường, phát hiện thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với giấy kiểm định đều cho thấy khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do TTĐK 62-03D cấp. Tuy nhiên, rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu, Tổ CSGT phát hiện có sự sai số. Điều này chứng minh thùng xe đã được TTĐK "hợp thức hóa" phần cơi nới là 71cm.

Trần Kì Hình (bìa phải) và các đối tượng khác nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Lực lượng CSGT còn phát hiện ôtô BS: 51D-325.89 cũng được cấp giấy kiểm định thay đổi thông số kỹ thuật giống như xe tải BS: 50H-100.20. Nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM phối hợp các đơn vị nghiệp vụ lấy lời khai tài xế, chủ phương tiện; đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm. Mở rộng điều tra, Công an TPHCM đã khám xét 13 TTĐK trên địa bàn thành phố (8 trung tâm) và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Quá trình khám xét, cơ quan chức năng tạm giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Hai nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt

Tính đến ngày 14-02-2022, Công an TPHCM và các tỉnh, thành khác đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 200 đối tượng liên quan đến sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các TTĐK tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây là vụ án rất nghiêm trọng và còn tiếp tục được mở rộng điều tra, cho thấy hoạt động đăng kiểm "bị lỗi hệ thống". Đỉnh điểm của vụ án, chiều 17-01-2023, Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ của nhiều TTĐK, khi giữ chức vụ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trước đó, ngày 11-01-2023, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) với cáo buộc đã cùng đồng phạm Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó trưởng phòng) và Phạm Đức Ngọc (chuyên viên) nhận tiền hối lộ "hàng tháng, hàng quý” của các TTĐK ở nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập thì phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Đặng Việt Hà
Hồ Hữu Tài

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 đến tháng 8-2021, với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Kỳ Hình đã thông qua cấp dưới của mình, nhận tiền hối lộ của một số giám đốc TTĐK để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm, bất chấp các cơ sở này chưa đủ điều kiện thực hiện công tác đăng kiểm. Còn Đặng Việt Hà cũng có hành vi nhận hối lộ tương tự, khi thay Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trong thời gian làm lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hàng tháng, hàng quý của các giám đốc TTĐK, bỏ qua nhiều sai phạm của các TTĐK trong việc cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, để các TTĐK dùng phần mềm can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu, chỉnh sửa kết quả kiểm định xe.

Thậm chí, tại 5 TTĐK do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc (gồm các TTĐK 62-03D ở Long An, 71-02D ở Bến Tre, 83-02D ở Sóc Trăng, 66-02D ở Đồng Tháp, 63-03D ở Tiền Giang), cơ quan điều tra còn phát hiện hành vi "giả mạo trong công tác", với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không thực tế làm việc tại trung tâm, chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Đến nỗi trong vụ tiêu cực tại TTĐK 50-17D (H.Nhà Bè, TPHCM), cơ quan chức năng phát hiện Giám đốc TTĐK này là Hồ Hữu Tài bị... mù chữ (!). Sau khi bị khởi tố, bắt giam, Tài khai nhận bản thân không thể viết và đọc. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngành Đăng kiểm Việt Nam.

Các TTĐK trở nên bát nháo từ khi Cục Đăng kiểm Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT ra quyết định "xã hội hóa" việc kiểm định ôtô từ năm 2005; đến năm 2019 thì bỏ quy định về phát triển các TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương. Ngay lập tức, các TTĐK phát triển rất nhanh, số lượng trạm đăng kiểm đã tăng gần 3 lần.

Cơ quan chức năng xác định, có ít nhất 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định sai kỹ thuật, đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, số tiền thu lợi bất chính là hơn chục tỷ đồng. Hiện số phương tiện này vẫn có thể còn lưu thông trên đường, tiềm ẩn mối họa khôn lường về an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng "thấy xấu hổ"

Tại hội nghị tổng kết của Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 16-01-2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, vụ sai phạm khiến hàng loạt cán bộ, từ cục trưởng đến trưởng phòng, cán bộ các TTĐK bị khởi tố, bắt tạm giam là sự cố hết sức nghiêm trọng. Ông Thắng chia sẻ, dù mới về công tác tại Bộ GTVT được 2 tháng, nhưng bản thân ông cũng "thấy xấu hổ". Ban Cán sự Đảng của Bộ GTVT khi thực hiện kiểm điểm cuối năm 2022, dù trách nhiệm không liên quan, nhưng từ tập thể đến cá nhân đều chủ động hạ một bậc thi đua. "Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam còn nhận tiền theo tháng nữa thì chịu luôn..., cho nên không thể tha được... Sẽ còn nhiều cán bộ của chúng ta vướng vào vòng lao lý, nhưng thoái hóa, biến chất thế này thì phải làm đến tận cùng, thay đến 100% cũng phải làm... Phải nhìn thẳng vào sự thật để đứng dậy, tự sai phải tự sửa"- Ông Thắng phát biểu.

Ngày 13-01-2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT, nói về tiêu cực nghiêm trọng xảy ra trong ngành Đăng kiểm Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bộ GTVT còn có những điều chưa làm được, nhức nhối, kéo dài nhiều năm. Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo Bộ này xử lý bình tĩnh nhưng cương quyết, chắc chắn, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập thời gian qua.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khó lường cho xã hội, đặc biệt là về an toàn giao thông. Vì vậy, ngày 12-01-2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án này vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Công an gửi Thư khen Công an TPHCM

Ngày 30-12-2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an) đã có Thư khen gửi Công an TPHCM, biểu dương thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ANTT. Trong đó, có việc Công an TPHCM vừa khám phá, làm rõ các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại một số TTĐK trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh khác.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, đây là chiến công xuất sắc của Công an TPHCM, thể hiện tinh thần quyết liệt, mưu trí, sáng tạo trong tấn công, trấn áp tội phạm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Công an TPHCM đã quán triệt và vận dụng thực hiện có hiệu quả các phương châm, nguyên tắc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Thành tích này của Công an TPHCM đã góp phần răn đe, phòng ngừa chung, tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc chỉ đạo Công an TPHCM phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương điều tra mở rộng, làm rõ vụ án và tiếp tục xác minh, đấu tranh, phát hiện hành vi tương tự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang