Vụ án tại các trung tâm đăng kiểm: Phòng ngừa, bảo đảm TTATGT từ xa

Thứ Ba, 07/02/2023 18:31

|

(CATP) Vụ án liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới được lực lượng Công an điều tra đang thu hút sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của nhân dân. Đến nay, cơ quan điều tra đã khám xét 32 TTĐK, khởi tố 248 bị can về các tội danh: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Trong đó, có nạn ôtô "độ”, "chế" không bảo đảm an toàn mà vẫn được cho đăng kiểm, là mối nguy lớn khi lưu thông trên đường.

Hiểm họa chực chờ

Ngày 06-02-2023, anh Quang Hải (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết: "Tôi theo dõi diễn biến vụ án xảy ra tại các TTĐK. Rất đáng khen ngợi trước việc phá án của lực lượng Bộ Công an, Công an TPHCM cùng Công an nhiều tỉnh, thành khác, đã đánh trúng "tim đen" sai phạm của hoạt động đăng kiểm. Tôi có xe hơi, nhưng ít sử dụng. Mỗi lần đi đăng kiểm, tôi lại thấy bức xúc khi chứng kiến nhiều xe "độ”, "chế" nào là bánh, vành, còi, đèn, cản, bệ bước... Cứ thích thì "chế" kiểu khác rồi thay vào".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đông (chuyên ngành về ôtô):

Tất cả các loại ôtô đều có quy chuẩn về thiết kế và được kiểm định trước khi xuất xưởng, bảo đảm an toàn giao thông. Khi xe tham gia giao thông, không được "độ”, "chế" hay cải tiến khác với bản thiết kế ban đầu. Nếu xe "độ”, "chế" tham gia giao thông thì dễ mất an toàn, nhất là hệ thống điện, điện tử trên xe. Ví dụ như việc người dân bức xúc nhất hiện nay là hệ thống đèn LED được lắp thêm làm tăng cường độ ánh sáng, tăng công suất phụ tải khi phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm. Công suất nguồn quá tải dễ gây ra cháy, nổ, do làm quá tải so với thiết kế của nhà sản xuất. Ngay cả hệ thống còi bị "độ”, "chế" khiến vượt quá mức về âm thanh cho phép theo quy định... Do đó, cần nghiêm cấm tình trạng "độ”, "chế", cải tạo hệ thống điện, điện tử trên ôtô các loại.

Mỗi khi ra đường, gặp ôtô "độ”, "chế" bấm còi với âm lượng rất lớn, khiến anh Hải cùng nhiều người khác phải giật mình hốt hoảng. Còn khi đi xe vào ban đêm, bị ôtô chạy chiều ngược lại chiếu đèn pha sáng lóa vào mặt mình, không bác tài xe máy nào mà không thấy mắt mờ, tay run. "Người lái xe như tôi thường xuyên gặp những chiếc xe "độ” kiểu này làm lóa mắt. Trong khi luật quy định phải cúp đèn pha, chỉ sử dụng đèn chiếu gần khi đối diện xe chiều ngược lại. Điều này rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn, đặc biệt là sau màn chiếu đèn pha sáng rực kiểu đó, khiến đối phương bị hoa mắt trong vài giây..." - anh Hải nói.

Tại các TTĐK xe cơ giới, các thiết bị liên quan đến an toàn giao thông, kể cả đèn, còi... đều bị kiểm tra. Nhưng thời gian qua, nhiều TTĐK xảy ra tham nhũng, lơ các chi tiết trên, cho qua nhiều xe "độ”, "chế" không bảo đảm an toàn. Anh Hải chia sẻ: "Khi ôtô lưu thông trên đường, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông cũng cần kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về "độ”, "chế", nhằm hạn chế tình trạng gây mất an toàn cho người đi xe "độ”, "chế" lẫn những người khác".

Các đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM tống đạt quyết định khởi tố
Cơ quan điều tra khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại H.Củ Chi

Ông Nguyễn Tấn Hoàng (ngụ Q1) cho biết: "Tôi sử dụng ôtô 7 chỗ. Lúc đó, tôi không biết gì về kỹ thuật cả, nên thuê dịch vụ gắn thêm hệ thống màn hình cho mấy đứa nhỏ xem trên xe, cải tiến đèn cho sáng thêm vì thường xuyên đi đường dài vào ban đêm. Khi đăng kiểm xe, tôi giao tài xế của công ty đi nên cũng không biết về tình trạng xe "độ”, "chế" sẽ gây ra nguy cơ như thế nào. Bỗng một hôm, xe bốc cháy ngay giữa đường. Tôi mang xe đi sửa mới được thợ cho biết là do "chế" thêm thiết bị nên quá tải dòng điện, sai thiết kế quá nhiều gây cháy xe".

Về tình trạng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật mà vẫn "lọt" qua các TTĐK xe cơ giới trước đây, ông T.K.V (ngụ H.Bình Chánh; chủ garage sửa chữa ôtô) cho biết: "Nhà sản xuất ôtô đã được các kỹ sư nghiên cứu, chế tạo ra thiết kế chiếc xe hoàn chỉnh. Khi đưa xe vào sử dụng cũng phải qua đăng ký, kiểm định về chất lượng an toàn. Tiêu chí đầu tiên vẫn là bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi trên xe cũng như những người khác cùng lưu thông trên đường. Nhưng với những chiếc xe "độ”, "chế" tại các garage hay tự chủ xe làm thì điều đầu tiên là sai với thiết kế của hãng, về độ bền sẽ giảm cũng như thường gặp phải nhiều trục trặc".

Vấn đề nhức nhối lâu nay

Tại buổi họp báo Chính phủ vào tháng 01-2023, Bộ Công an đã thông tin về kết quả điều tra bước đầu vụ án sai phạm tại các TTĐK xe cơ giới. Bộ Công an nhận định, đây là một vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm, tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều TTĐK, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Qua điều tra cho thấy, vài lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số TTĐK, để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất, ký duyệt cấp các mã đăng kiểm, thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh (thắng), đèn, còi...

Bị can Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, giữa) bị bắt giam về hành vi nhận hối lộ

Theo đó, từ khi vụ án được khám phá, khởi tố để điều tra đến nay, cơ quan Công an chỉ tạm giữ các tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội. Khi tiến hành khám xét các TTĐK, đã có một số cá nhân dự kiến thông báo để các TTĐK trên toàn quốc ngừng hoạt động, nhằm tạo dư luận xã hội, tạo áp lực đối với cơ quan điều tra. Bộ Công an đã cảnh báo đến những cá nhân này và thủ đoạn của họ không thực hiện được.

Qua vụ việc trên, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện một loạt nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đang áp dụng nhiều giải pháp được ví là "kháng sinh liều cao" để điều trị "căn bệnh" tại các TTĐK thời gian qua.

Vụ án này xuất phát từ quá trình thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT - Công an TPHCM mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (vi phạm nồng độ cồn, chở hàng quá tải...). Quá trình tuần tra kiểm soát giao thông, lực lượng CSGT - Công an TPHCM phát hiện nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng, mâm không đúng kích thước, lốp mòn, biển số mờ, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải...), nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Kết hợp thông tin từ các nguồn đơn thư, phản ánh của người dân, kết quả phối hợp trao đổi thông tin của một số Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và các biện pháp nghiệp vụ khác, Công an TPHCM phát hiện những dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số TTĐK. Lãnh đạo Công an TPHCM chỉ đạo những đơn vị nghiệp vụ xác lập các chuyên án để tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, do các đối tượng là giám đốc TTĐK cầm đầu cùng đồng bọn thực hiện tại TPHCM và Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre...

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM khám xét một Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Q.Bình Tân

Hành vi của các đối tượng trong các vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng phương tiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại cho tài sản của người dân, gây dư luận xấu cho xã hội. Nhất là nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trong cả nước. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang