Thiếu xăng cục bộ khi dự báo giá tăng
Việc thiếu xăng dầu cục bộ bắt đầu nhen nhóm trở lại từ ngày 20-01. Tại An Giang, ngày 29 Tết, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở huyện An Phú phải đóng cửa vì hết xăng, người dân phải lấy can nhựa đi mua đem về dự trữ. Tình trạng thiếu xăng dầu tiếp tục lan rộng đến Bình Phước, Hậu Giang... Nhiều cây xăng ở Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... cũng xảy ra tình trạng giảm thời gian bán hàng, đóng cửa nghỉ Tết, nại lý do thiếu nhân lực bán hàng do về quê ăn Tết. Tại TPHCM, Thái Bình, Bắc Giang và một số tỉnh ở Nam Bộ xảy ra hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do không có nguồn cung.
Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, nguyên nhân thiếu nhân lực bán lẻ xăng chỉ là cái cớ, nếu doanh nghiệp bán lẻ có lời thì chắc chắc không thể xảy ra tình trạng trên, làm rối loại thị trường. Một nguyên nhân khác rất quan trọng là các đại lý bán lẻ nhận thấy giá xăng dầu thế giới lúc đang đang biến động tăng mạnh, có tâm lý chờ điều chỉnh giá xăng dầu, kiếm được đồng nào hay đồng ấy để bù lỗ.
Theo chu kỳ 10 ngày, ngày 21-01-2023 - tức 30 tháng Chạp là ngày điều chỉnh giá xăng nhưng Bộ Công thương lùi ngày điều chỉnh vì rơi vào dịp nghỉ Tết. Dự kiến ngày 01-02, giá xăng sẽ được điều chỉnh theo đúng chu kỳ. Tuy nhiên, trước diễn biến xăng dầu thế giới và biến động của thị trường trong nước, Bộ Công thương đã báo cáo và được đồng ý của Thủ tướng để điều hành giá bán lẻ sớm hơn 2 ngày so với quy định. Theo đó, từ 19 giờ ngày 30-01, giá xăng đồng loạt được điều chỉnh tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, tùy loại. RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng/lít; mỗi lít dầu diesel tăng thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng… so với kỳ điều hành ngày 11-01.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới từ giữa tháng 1 đến nay tăng giá mạnh do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố, như Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, tác động từ động thái áp giá trần dầu Nga của phương Tây và đồng USD yếu cộng với dự báo OPEC+ giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng... Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng 7-11,5% từ ngày 11-01 đến 30-01, giữ ở trên mức 81 đến xấp xỉ 82 USD/thùng.
Trước tình hình đó, các nhà bán lẻ thấy và biết chắc chắn giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng và họ chờ đợi bằng cách bán nhỏ giọt hoặc tuyên bố không có nguồn cung. Như vậy cũng đã từng diễn ra ở mỗi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu khi giá thế giới tăng cao. Thế nhưng ngay sau đó giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh. Và cũng ngay lập tức làm giảm bớt sự căng thẳng về giá trên thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp bán lẻ "kêu cứu"
Bản chất của vấn đề căng thẳng xăng dầu trong nước chưa hẳn đã nằm trong các yếu tố trên. Bằng chứng là ngày 02-02, đại diện khoảng 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các địa phương trên cả nước có đơn kiến nghị khẩn gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các bộ, ngành liên quan góp ý việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, với mục đích bảo đảm quyền lợi cũng như vận hành của chuỗi cung ứng xăng dầu.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện có nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn... dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu. Bên cạnh đó, quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi, gây ra tình trạng độc quyền nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu. Trong khi đó, doanh nghiệp dù lỗ hay lãi vẫn phải mở bán. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.
Điểm bất hợp lý nữa là khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao chịu giao hàng, găm hàng để chờ hưởng chênh lệch giá. Đã xảy ra tình trạng dù doanh nghiệp bán lẻ sắp hết hàng, muốn mua hàng nhưng nhà cung cấp vẫn không chịu bán, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ không có nguồn hàng để bán.
Các doanh nghiệp kiến nghị, cần xem xét việc cho phép các doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ 3 nguồn khác nhau giống như thương nhân phân phối. Kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ... nhằm ổn định thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cho rằng khi giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.
Ý kiến của Bộ Công thương về kiến nghị này của doanh nghiệp như thế nào? Trong dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng về sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng trên thực tế, mức chiết khấu là mức giảm giá của các đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ. Nhà nước chỉ quản lý giá bán lẻ xăng dầu chứ không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công thương lý giải rằng, giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và có quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố để phản ánh tính thị trường, đồng thời là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước. Nếu có quy định về mức chiết khấu cụ thể cho các đại lý sẽ cần bổ sung thêm một yếu tố chi phí trong phần chi phí kinh doanh được tính trong giá cơ sở, có thể làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không nên can thiệp sâu vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.
Nghịch lý khiến người bán lẻ không có lãi
Kinh doanh xăng dầu trước đây được xem là ngành kinh doanh có lợi nhuận cao, vì mỗi lít xăng dầu người bán lẻ có thể lãi từ 600 đồng đến 2.000 đồng/lít. Nhưng khi giá xăng dầu biến động mạnh và phức tạp như trong thời gian qua, mức chiết khấu liên tục giảm và ở mức thấp, có khi là 0 đồng, thậm chí ở mức âm khiến nhiều đại
lý ngao ngán, thậm chí muốn đóng cửa hàng vì kinh doanh không có lãi, thậm chí lỗ kéo dài trong thời gian qua.
Mức hoa hồng giảm vì các yếu tố cấu thành trong công thức tính giá xăng dầu chưa được cập nhật đầy đủ, làm cho lợi nhuận của các thương nhân đầu mối bị giảm mạnh. Dẫn đến các nhà phân phối sẽ "cắt" hoa hồng ở khâu bán lẻ. Trong khi đó, người bán lẻ bị chèn ép từ nhiều phía, vì nếu không mua thì sẽ không có nguồn hàng, không duy trì kinh doanh thì sẽ bị xử phạt, có thể bị đóng cửa. Điều đó dẫn đến dù mức hoa hồng được bao nhiêu, doanh nghiệp bán lẻ cũng phải "cắn răng" để được lấy hàng.
Việc thả nổi giá bán buôn để cho thị trường tự vận hành theo biến động cung cầu, trong khi giá bán lẻ lại quy định mức trần là một nghịch lý, khiến thương nhân bán lẻ càng khó khăn. Nhà bán lẻ buộc phải mua hàng dù không có chiết khấu nhưng giá bán ra lại khống chế, làm sao người bán lẻ chịu nổi. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị cần có quy định "cứng" về chi phí cho các nhà bán lẻ. Tức là cần bảo đảm trong khâu phân phối xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức phải được "chia đều".
Dù chiếm số lượng đến hơn 50% cửa hàng bán lẻ trên toàn thị trường (trừ các cửa hàng của các nhà nhập khẩu xăng dầu lớn), nhưng các doanh nghiệp bán lẻ không có quyền đòi hỏi mức chiết khấu, đầu mối cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Đây là điều bất cập trong việc bán lẻ xăng dầu hiện nay. Điều này trước đây các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã từng kiến nghị, việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức, dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp bán lẻ bị thua thiệt, âm vốn khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi, đã trình Thủ tướng với nhiều thay đổi để điều tiết thị trường. Thế nhưng khi nào chưa giải quyết được quyền lợi cho người bán lẻ, những cơn sốt xăng dầu, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ vẫn tiếp diễn.