Rủ nhau "bệnh" để được về nhà ăn Tết (!)
Vụ án được chuyển lên các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Tiền Giang để xử lý theo thẩm quyền. Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang xác định: N.N.Luân (tự Luông) và Nguyễn Thị Tuyết Vân cùng một số người thân trong đó có bà N.T.Điệp từng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố, bắt tạm giam về tội "Buôn lậu" 5kg vàng vào năm 1998. Không có ý thức phục thiện, Luông - Vân lại lao vào con đường cũ, cầm đầu đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới.
Ngày 04-02-2010, Luông mang 62kg vàng, Vân mang 30kg đưa cho L.V.Don, H.Đ.Sanh và N.V.Lợi vận chuyển từ TX.Châu Đốc lên TPHCM giao cho 2 đầu mối tiêu thụ là P.T.Nguyên và T.K.Phến thì bị bắt giữ. Ngay trong ngày, Luông - Vân đã điện thoại sang Campuchia cho Tăng Ly Sun đặt mua 72kg vàng (Luông 52kg, Vân 20kg) cộng với 10kg Luân trữ sẵn, để giao cho P.T.Nguyên và T.K.Phến ngày 05 và 06-02-2010 theo đơn đặt hàng. Như vậy, vừa bị bắt giữ 92kg vàng, Vân - Luông tổ chức buôn lậu ngay 82kg vàng.
Các bị cáo từ "buôn lậu" thành "kinh doanh trái phép"
Tại cơ quan điều tra, Luông và Vân khai nhận: Từ cuối năm 2009 đến ngày bị bắt đã hàng chục lần tổ chức buôn lậu với số vàng 336kg. Trong đó, Luông 210kg, Vân 126kg; đã tiêu thụ 244kg (Luông 148kg, Vân 96kg) gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 21,48 tỷ đồng. Nếu tính luôn 129kg vàng mà Luông và Vân khai đã mua bán trót lọt (nhưng các tiệm vàng không thừa nhận), thì số vàng buôn lậu lên đến 465kg, trị giá hơn 16,2 triệu USD (thời điểm năm 2010).
Kết luận điều tra xác định: Đây là vụ án buôn lậu do 2 bị can Luông và Vân tổ chức cùng các đồng phạm thực hiện mua bán vàng trái phép qua biên giới với phương thức thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ, hoạt động trong một thời gian dài, có hệ thống, bất chấp pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm các quy định pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, ảnh hưởng đến việc quản lý nền kinh tế vĩ mô của đất nước...
Tiếp nhận kết luận điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, ngày 17-02-2011, Phó Viện trưởng (PVT) Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tiền Giang thời điểm này là ông Trần Văn Anh ký bản cáo trạng, truy tố 7 bị can về tội "Buôn lậu" theo khoản 4, Điều 153 BLHS, với mức án cao nhất của khung hình phạt là chung thân.
Thật bất ngờ, ngày 02-02-2011 (tức 30 Tết Tân Mão), PVT Anh ký QĐ số 06/KSĐT "thay đổi biện pháp ngăn chặn" đối với bị can Nguyễn Thị Tuyết Vân. Vị PVT "xét thấy", bị can có nơi cư trú rõ ràng, hiện đang "bị bệnh" và gia đình đã có đơn xin bảo lãnh, nên "không cần thiết phải tiếp tục tạm giam". Căn cứ điều 36, 92, 112 và 120 Bộ luật Tố tụng hình sự, PVT Anh cho "thay thế biện pháp tạm giam" đối với bị can Vân. Ngay tức thì, ông Anh ký QĐ cũng ghi số 06/KSĐT ngày 02-02-2011 cho "gia đình được bảo lãnh" bị can Vân.
Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Vân tại phiên tòa sơ thẩm
Trước đó, ngày 31-01-2011 (tức 28 Tết Tân Mão), PVT Trần Văn Anh ký liền QĐ đều ghi số 05/KSĐT "thay đổi biện pháp ngăn chặn" và "cho bảo lãnh" đối với bị can N.N.Luân với phần "xét thấy" và căn cứ các điều luật giống hệt như QĐ số 06/KSĐT...
Từ buôn lậu thành... "kinh doanh trái phép"?
Hồ sơ vụ án được chuyển sang TAND tỉnh Tiền Giang để xét xử nhưng bị trả lại để điều tra bổ sung vào tháng 8-2011. Vụ án kéo dài đến ngày 25-9-2013, Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang bất ngờ thay đổi tội danh của tất cả các bị can từ "Buôn lậu" sang "Kinh doanh trái phép", rồi chuyển hồ sơ về Công an H.Châu Thành để điều tra lại.
Ngày 14-11-2013, Viện KSND H.Châu Thành ra bản cáo trạng, xác định: Luông và Vân thuê L.V.Don, H.Đ.Sanh và N.V.Lợi vận chuyển 92kg vàng về TPHCM. Khi bị bắt ngày 04-02-2010, không ai xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, các thỏi vàng cũng không có nhãn hiệu. Ngoài 92kg vàng bị bắt, quá trình điều tra, Luông và Vân khai nhận đã mua bán trái phép 244kg vàng, cộng chung thành 336kg. Trong đó, Luông mua bán trái phép 210kg vàng, trị giá hơn 43,5 tỷ đồng, gây thất thu thuế (gồm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân) hơn 372 triệu đồng. Còn Vân mua bán trái phép 126kg vàng, trị giá hơn 21 tỷ đồng, gây thất thu thuế hơn 240 triệu đồng...
Cả Luông và Vân đều thay đổi lời khai, cho rằng không phải mua vàng của Tăng Ly Sun (như đã khai trước đây) mà mua của 2 phụ nữ tên "Mũi" và "Hai" ở H.Tịnh Biên và khu vực Núi Sam (TX.Châu Đốc). VKSND H.Châu Thành chấp nhận lời khai này nên đề nghị truy tố 7 bị can về tội "Kinh doanh trái phép". Trong đó, Luông, Vân cùng P.T.Nguyên và T.K.Phến, giữ vai trò chính; L.V.Don, H.Đ.Sanh và N.V.Lợi là những đồng phạm giúp sức. Riêng tài xế T.P.Toàn bị khởi tố tội "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”, nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
L.V. Don và tang vật 62 ký vàng
TAND H.Châu Thành mở phiên sơ thẩm sáng 20-01-2014, tuyên án một ngày sau đó. Tại tòa, công tố viên VKSND H.Châu Thành luận tội các bị cáo như sau: Cả 2 bị cáo Luông và Vân vì ham lợi nên mua vàng thỏi không rõ nguồn gốc, số lượng rất lớn, bán lại cho P.T.Nguyên và T.K.Phến cùng một số tiệm vàng khác tại TPHCM để thu lợi.
P.T.Nguyên là nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng vàng bạc ở Chợ Lớn. Vì ham lợi, bị cáo dù không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn mua vàng thỏi của Luông và Vân để gia công, bán cho các tiệm vàng ở TPHCM, thu lợi bất chính. Đối với T.K.Phến, tuy có giấy phép nhưng bị cáo mua vàng thỏi của Luông - Vân để gia công thành vàng nữ trang, bán thu lợi, cũng là sai phạm.
Theo công tố viên, việc truy tố các bị cáo tội "Kinh doanh trái phép" theo khoản 2, Điều 159 BLHS là có căn cứ. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án cho Luông và Vân từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù; 2 chủ tiệm vàng từ 15 tháng đến 18 tháng tù; 3 "đệ tử" nhận mức án bằng với thời gian bị tạm giam (từ ngày 10-02-2010 đến ngày 01-6-2011) 15 tháng 22 ngày tù.
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND H.Châu Thành do Thẩm phán Trương Thị Tuyết Linh ngồi ghế chủ tọa, nhận định: Bị cáo Luông và Vân chỉ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ cầm đồ; trong quá trình kinh doanh, có 2 phụ nữ tên "Mũi" và "Hai" đến nhà bán vàng thỏi không rõ nguồn gốc. Hai bị cáo đã thuê L.V.Don, H.Đ.Sanh và N.V.Lợi vận chuyển vàng thỏi từ An Giang đi TPHCM giao cho P.T.Nguyên và T.K.Phến để gia công thành vàng nữ trang, bán thu lợi.
H.Đ. Sanh mặc chiếc áo "chuyên dùng" do Vân tự thiết kế
H.Đ. Sanh lấy các thỏi vàng từ chiếc áo "chuyên dùng"
Từ việc kinh doanh trái phép 336kg vàng, hai bị cáo Luông - Vân đã thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng, gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 612 triệu đồng.
Theo HĐXX, các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, cũng như đã tự nguyện nộp tiền thất thu thuế và tiền thu lợi bất chính. Đây là các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo...
Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Luông 21 tháng tù; bị cáo Vân 18 tháng tù; 2 bị cáo P.T.Nguyên và T.K.Phến, mỗi người 16 tháng tù; 3 bị cáo L.V.Don, H.Đ.Sanh và N.V.Lợi, mỗi người 15 tháng 22 ngày tù, đã chấp hành xong hình phạt.
Liên quan đến 92kg vàng tang vật của vụ án, HĐXX tuyên trả lại toàn bộ cho 2 bị cáo Luông và Vân. Trong đó, bị cáo Luông được nhận lại 62 thỏi (62kg) vàng; bị cáo Vân nhận lại 30 thỏi (30kg) vàng.
Vụ án khép lại với nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, nhất là 2 phụ nữ ("chị Mũi" và "chị Hai") do Luông - Vân khai ra là ai? Xuyên suốt quá trình điều tra lại, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng H.Châu thành chưa làm rõ 2 nhân vật mấu chốt này để kết luận đây là vụ án "kinh doanh trái phép". Trong khi đó, chính Luông - Vân khi mới bị bắt, cùng có lời khai trùng khớp về người phụ nữ tên Kỵ từ Campuchia sang TX.Châu Đốc, kết nối với 2 bị cáo để buôn lậu vàng. Từ lời khai này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ của Cảnh sát Vương quốc Campuchia đã tìm ra những người mua bán vàng qua biên giới với Luông và Vân là cha con Tăng Ly Sun và Phong Khi Yên (ngụ TP.Phnom Pênh). Cho đến nay, giữa lời khai ban đầu và lời khai lại của 2 trùm "buôn lậu", đâu là sự thật, vẫn là một "bí ẩn"...
(CATP) Trong vụ buôn lậu 51kg vàng tại tỉnh An Giang, ngoài Nguyễn Thị Kim Hạnh (tự
Mười Tường, SN 1969, ngụ xã Đa Phước, H.An Phú, cùng tỉnh; đối tượng cầm đầu), còn 22 đối tượng khác bị truy tố về tội buôn lậu với vai trò là đồng phạm. Trong số này, có Nguyễn Thị Tuyết Vân (tự Út Vân, SN 1966, ngụ P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc, An Giang). Vân từng tham gia một đường dây buôn vàng trái phép xuyên biên giới, sa lưới tại tỉnh Tiền Giang, khai nhận số vàng nhập lậu lên đến 465kg (riêng của Vân là 126kg), gây chấn động dư luận. Sau khi thoát tội buôn lậu, "bà trùm" Vân lại "ngựa quen đường cũ”.