Bộ Công thương đề xuất các sửa đổi trong điều hành giá xăng dầu

Thứ Năm, 02/02/2023 16:37  | Hải Triều

|

(CATP) Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tại tờ trình gửi kèm theo, Bộ Công thương nêu 12 nội dung sửa đổi, bổ sung cần xin ý kiến Chính phủ, trong đó có công thức giá và phương thức điều hành gỉá xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công thương đề xuất 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...); đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí... để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thòi các chi phí trong giá cơ sờ do Nhà nước công bố.

Phương án 2, sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platts), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá). Bộ Công thương ưu tiên phương án 1 để nhằm đảm bảo tiếp tục có sự quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường nhưng có sự điều chỉnh chi phí linh hoạt hơn, rà soát tính đủ các chi phí phát sinh của doanh nghiệp; giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn.

Đề cập đến thời gian điều hành/công bố giá, cơ quan soạn thảo cũng trình 2 phương án, trong phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu (thời gian điều hành là vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng), đồng thời khi cần thiết trong những giai đoạn thị trường có biến động lớn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn (nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành).

Tình trạng kham hiếm xăng dầu thời gian qua

Phương án 2: Sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể là thứ năm hàng tuần. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá. Lựa chọn phương án 2, Bộ Công thương cho rằng phương án này nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất phương án 1: Không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn. Phương án 2: Quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu, theo Bộ Công thương là để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cấp xăng dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng...

Về quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án, gồm: giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành;

Tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể; Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước chỉ quy định công thức tính giá chung, công bố một số khoản trong cơ cấu giá định hướng (gồm giá thế giới, các loại thuế, phí thu vào ngân sách Nhà nước), doanh nghiệp tự xác định chi phí thực tế của doanh nghiệp cùng với các yếu tố do Nhà nước công bố để tính giá bán xăng dầu của đơn vị mình ra thị trường và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác các mức chi phí phát sinh trước pháp luật (Nhà nước thực hiện hậu kiểm để giám sát việc xác định các mức chi phí nêu trên).

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, với lý do là Nhà nước duy trì được một công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bình luận (0)

Lên đầu trang