Điều hành giá xăng dầu còn lúng túng, tạo tâm lý không ổn định cho người dân, DN

Thứ Tư, 26/10/2022 21:25

|

(CAO) Theo ĐBQH, điều hành về giá, nhất là giá xăng dầu còn lúng túng, tạo ra tâm lý không ổn định cho người dân và doanh nghiệp.

Theo chương trình làm việc, ngày 27/10, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận toàn thể tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch 2023. Thời gian thảo luận dành cho nội dung này là 2 ngày, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình thế giới khó khăn, biến động rất nhanh, phức tạp nên với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Theo các đại biểu, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, cùng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 4

Bản tổng hợp ý kiến do Tổng Thư ký Quốc hội ký ban hành ngày 26/10 cho thấy, có 22 ý kiến đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 8,83%, cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đặt ra là 6- 6,5% là kết quả nổi bật, là những thành tựu được thế giới đánh giá cao.

Cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng cao nhưng nếu so với năm 2019 thì mức này chỉ tăng 5%, và đây là thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2021-2025.

“Quan trọng nhất là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, và sau một thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh, kinh tế đã đạt được kết quả khích lệ, nhưng không nên quá hài lòng và chủ quan” - các đại biểu nhận xét.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhận định, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, khả năng chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế nên dễ bị tổn thương bởi biến động lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cú sốc kép về dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị, phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, vốn, chi phí đầu vào và sản xuất tăng cao, sản xuất hàng hóa giảm do thắt chặt chi tiêu trong 9 tháng đầu năm 2022.

Vì lẽ này, nhiều đại biểu đề nghị chương trình phục hồi kinh tế tới đây cần lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp gần hơn với các đối tượng được hỗ trợ, tức là phải tìm ra các đối tượng có khả năng dẫn dắt ngành, để hỗ trợ đúng và trúng.

Chính phủ cũng cần rà soát các tiêu chí liên quan đến điều kiện đánh giá các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉnh sửa các tiêu chí sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính và xem xét dừng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp (thuế, thủ tục hành chính), nên tập trung hơn vào hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

Đề cập tới thị trường tài chính, vốn, có ý kiến cho rằng vụ việc SCB vừa qua có tác động tới hoạt động của ngân hàng, chứng khoán, cũng như thị trường bất động sản.

Các đại biểu nhìn nhận, các vấn đề của thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lãi suất, nợ xấu, doanh nghiệp lớn vay số tiền chiếm tỷ trọng cao với dư nợ vay với một khách hàng, dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp gặp vấn đề, ảnh hưởng lớn tới ngân hàng.

Vì thế, đại biểu đề nghị cần theo dõi chặt tài sản của các ngân hàng, tình hình nợ xấu, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chính phủ cần linh hoạt hơn trong điều hành thị trường bất động sản để giảm khó khăn cho thị trường tài chính, vì hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Riêng với trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu cho rằng cần có điều kiện để tăng chất lượng trái phiếu phát hành, đánh giá năng lực và khả năng trả nợ, mục tiêu sử dụng và lãi suất huy động của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần có giảm sát chuyên đề về thị trường trái phiếu.

Về điều hành về giá, nhất là giá xăng dầu, các đại biểu nhận xét còn lúng túng. Việc này tạo ra tâm lý không ổn định cho người dân và doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang