Tăng giá điện: Phải minh bạch và hợp lý

Thứ Hai, 06/02/2023 18:23

|

(CATP) Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ trên 31.300 tỷ đồng. Hiện mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 180 đồng. Áp lực tăng giá điện là hiện hữu, nhưng khách hàng cần EVN minh bạch giá thành sản xuất điện và các khoản lỗ để có thể chấp nhận giá điện tăng hợp lý, bảo đảm sức chịu đựng của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Giá điện phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức hôm 03-02 tại Hà Nội, khi đề cập đến việc tăng giá điện trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở, giá điện nước ta phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân. Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Sở dĩ Thủ tướng nhắc nhở như vậy là vì Bộ Công thương có kế hoạch tăng giá điện trong năm 2023, vì theo báo cáo của EVN, con số lỗ ước tính trong năm 2022 là 31.360 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục của tập đoàn này, gây áp lực không nhỏ lên tình hình tài chính của ngành điện. Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.

Theo một lãnh đạo của EVN, nếu giá điện được chấp thuận điều chỉnh tăng 10%, nguồn thu tăng thêm sẽ tương ứng là 46.000 tỷ đồng. Nguồn thu tăng thêm chỉ đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh của năm 2023, trong khi khoản lỗ năm 2022 lên tới trên 31.300 tỷ đồng, chưa kể các khoản lỗ tỷ giá trước đó còn treo lại sẽ chưa thể được bù đắp. Do đó, EVN đã báo cáo Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp điều chỉnh giá điện để EVN giảm bớt khó khăn và cân đối tài chính.

Áp lực tăng giá bán lẻ điện bình quân là rất lớn. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo lộ trình dự kiến, lẽ ra EVN đã tăng giá điện trước Tết Nguyên đán, nhưng Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận, vì lo ngại lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Theo các quy định hiện hành, EVN được quyết giá bán điện bình quân nếu tăng từ 3 - 5% so với giá hiện tại; tăng từ 5 - 10% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; nếu trên 10% phải rà soát, xin ý kiến Thủ tướng.

Cần minh bạch về giá thành điện

Điện là mặt hàng rất cần thiết cho sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, đến mọi gia đình, nên việc tăng giá điện trong tình hình kinh tế đang phải đối phó với nhiều "cơn gió ngược" như hiện nay là hết sức cân nhắc, vì nó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt sẽ gây ra nhiều khó khăn trong nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Với công chức, viên chức, lương chưa tăng (tháng 7-2023), nếu tiền điện tăng cao, cộng với học phí, chi phí y tế... đều tăng, việc tăng lương có thể mất ý nghĩa về giá trị.

Các chuyên gia cho rằng ngành điện lực cần làm rõ chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán điện trực tiếp. Tức cần minh bạch giá thành sản xuất điện, chứng minh cụ thể nguyên nhân bị lỗ, để người tiêu dùng chấp nhận việc tăng giá điện là phù hợp với cung cầu thị trường. Hàng chục triệu khách hàng sẽ quan tâm đến lý do vì sao EVN lại lỗ nặng và điều này cần được thể hiện chi tiết hơn trong báo cáo tài chính của tập đoàn. Hay nói cách khác, người dân - khách hàng có quyền đòi hỏi EVN giải trình cụ thể về các khoản lỗ của tập đoàn này.

Nguyên nhân ngành điện lỗ lớn, theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến, làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, đặc biệt giá than nhập khẩu tăng hơn 3 lần.

Còn theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, giá nhiên liệu biến đổi liên tục, tăng cao. Mức giá sản xuất điện dao động từ 1.900 - 2.000 đồng/kWh, thậm chí nhiều tổ máy có giá lên tới 3.000 - 4.000 đồng/kWh (gồm giá biến đổi cộng với giá toàn phần).

Theo EVN mỗi kWh điện bán ra lỗ 180 đồng

Giá điện ở Việt Nam cao hay thấp?

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng/ kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), áp dụng từ tháng 3-2019 đến nay.

Theo Globalpetrolprices, mức giá này hiện thấp hơn 50% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh), Thái Lan (3.273 đồng/kWh)... và hầu hết các nước phát triển khác. Giá điện bình quân của Việt Nam cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thủy điện giá rẻ), một số quốc gia như Nga, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... Cần lưu ý, các nước có giá điện cao, Nhà nước thường trợ giá, như Đức chẳng hạn. Theo Reuters, Bộ Kinh tế Đức có kế hoạch trợ cấp đối với mức sử dụng điện cơ bản cho các hộ gia đình và dành nguồn điện rẻ hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, giá điện nước ta phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân. Có nghĩa là giá điện phải phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế và mức thu nhập của người dân.

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 02-02, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Hải, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trên cơ sở đó, kết hợp với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công thương phê duyệt, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023, để tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo của EVN, doanh thu toàn Tập đoàn EVN năm 2022 ước đạt 460.730 tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021 và vượt kế hoạch năm; giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ trên 31.300 tỷ đồng. Cũng theo EVN, hiện nay, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 180 đồng. Những con số này, theo các chuyên gia, nếu tính toán đúng (sau khi kiểm tra, kiểm toán), là cơ sở để điều chỉnh giá điện.

Cần nhớ rằng EVN là doanh nghiệp Nhà nước nên được quản lý, vận hành theo nhiều mục tiêu của Chính phủ, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang