Đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 03/02/2023 16:58  | Hải Triều

|

(CATP) Đây là một trong những kết quả nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp Chính phủ nhằm hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Bản dự thảo đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến trước khi hoàn thiện. Theo đó, qua rà soát các quy định của Luật thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT), Bộ Tài chính cho biết, có 3 Điều không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện và 10 Điều có phát sinh vướng mắc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Các nội dung vướng mắc chủ yếu liên quan đến đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; khung thuế; thời điểm tính thuế và khai thuế, tính thuế, nộp thuế.

Đáng chú ý, kết quả rà soát cho thấy, việc nhận diện hình dạng túi ni lông thuộc diện chịu thuế đang phát sinh vướng mắc do Luật thuế BVMT quy định khái niệm, tên gọi túi ni lông gây ô nhiễm môi trường chưa thống nhất với pháp luật về BVMT.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì bao bì nhựa khó phân hủy sinh học gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học và hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm. Luật thuế BVMT hiện hành quy định đánh thuế đối với túi ni lông, mà chưa quy định đánh thuế đối với hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm.

Theo Bộ Tài chính, hiện sản phẩm hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm (gọi chung là hộp nhựa xốp) đang được sử dụng rất rộng rãi. Loại vật dụng này được các các cơ sở chế biến thực phẩm, các nhà hàng kinh doanh ăn uống ưa chuộng vì ngoài việc sử dụng tiện lợi, nhẹ thì loại sản phẩm này có giá thành rất rẻ.

Hộp nhựa xốp khó phân hủy được đề xuất đưa vào đối tượng chịu thuế BVMT

Tuy nhiên, việc sử dụng hộp nhựa xốp để đựng thực phẩm được cảnh báo ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe và môi trường. Cũng giống như túi ni lông, các sản phẩm hộp nhựa xốp rất khó phân hủy và thường mất rất nhiều thời gian trong việc phân hủy ngoài môi trường (thường phải mất từ 400 - 1.000 năm). Mặc dù Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế việc sử dụng hộp nhựa xốp, nhưng do giá thành rẻ, cộng thêm thói quen sử dụng và vứt bỏ rác thải sinh hoạt của người dân Việt Nam vẫn còn tương đối mất kiểm soát nên tình trạng sử dụng và xả thải hộp nhựa xốp vẫn tràn lan.

Liên quan đến dung dịch HCFC (dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon), Bộ Tài chính thông tin, Luật thuế BVMT hiện hành chưa có quy định rõ ràng về thu thuế BVMT đối với chất hỗn hợp chứa dung dịch này. Do đó, quy định giải thích từ ngữ về dung dịch HCFC tại khoản 4 Điều 2 Luật thuế BVMT là chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tế.

Để phù hợp với pháp luật về BVMT, bảo đảm hạn chế việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế... Bộ Tài chính đề nghị bổ sung "hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm" vào đối tượng chịu thuế BVMT và sử dụng cụm từ chung là "bao bì nhựa khó phân hủy sinh học" thay "túi ni lông thuộc diện chịu thuế". Việc này, Bộ Tài chính nhìn nhận, sẽ bao quát đối tượng chịu thuế gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm (bỏ quy định tên gọi, khái niệm túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT).

Cơ quan này cũng đề nghị sửa đổi khái niệm về dung dịch HCFC theo hướng quy định dung dịch HCFC thuộc đối tượng chịu thuế BVMT không phân biệt mục đích sử dụng (hiện hành đang quy định dung dịch HCFC dùng làm môi chất lạnh thuộc đối tượng chịu thuế).

Đánh giá khả năng bổ sung đối tượng chịu thuế đối với các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ ra, thực tế có rất nhiều sản phẩm, hàng hóa khi sản xuất, sử dụng hoặc thải bỏ đều có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng mức độ khác nhau, như sản phẩm nhựa sử dụng một lần, vi nhựa; các chất tẩy rửa; phân bón hóa học; thuốc lá; pin, ắc quy, ôtô, xe máy... Thế nhưng, không phải hàng hóa, sản phẩm nào gây ô nhiễm đều đưa vào diện chịu thuế. Việc lựa chọn hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chung khi xây dựng chính sách thuế và nguyên tắc riêng của khi ban hành chính sách thuế BVMT.

Vì thế, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc lựa chọn thêm hàng hóa khi sử dụng, thải bỏ gây ô nhiễm môi trường để bổ sung vào đối tượng chịu thuế BVMT ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung khi xây dựng chính sách thuế còn cần phải đáp ứng một số nguyên tắc, như: phải là những hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường; phù hợp với chủ trương, quan điểm, định hướng của Nhà nước trong việc hạn chế sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hóa, sản phẩm, chất gây ô nhiễm môi trường.

Hàng hóa đưa vào đối tượng chịu thuế kể trên cũng phải được định danh rõ ràng, đảm bảo tránh đánh thuế trùng, bảo đảm sự hài hòa với sự phát triển kinh tế và không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam...

Do vậy, để bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học và cơ sở thực tế khi đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế BVMT, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, từ đó đề xuất bổ sung các sản phẩm, hàng hóa vào đối tượng chịu thuế BVMT và đề xuất khung, mức thuế BVMT cụ thể đối với các sản phẩm, hàng hóa sẽ đề nghị bổ sung cho phù hợp khi lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế BVMT (sửa đổi).

Bình luận (0)

Lên đầu trang