Năm 2023 sẽ ban hành Thông tư giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Thứ Sáu, 03/02/2023 15:08

|

(CAO) Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, giá khám, chữa bệnh được tách thành 2 nhóm (cơ sở tư nhân và đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước). Luật giao cho Bộ trưởng Y tế quy định một số loại giá, trong đó có giá dành cho người có và không có thẻ bảo hiểm y tế.

Văn phòng Chủ tịch nước hôm nay (3-2) đã họp báo Công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 ngày 9-1-2023.

Giới thiệu về những điểm mới của Luật này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật quy định mở rộng đối tượng hành nghề, thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Luật cũng quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Liên quan đến tài chính bệnh viện, Luật bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao".

Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Trả lời báo chí về việc này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, giá khám bệnh, chữa bệnh đang kết cấu gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp, tiền lương tiền công, chi phí quản lý, chi phí cho khấu hao thiết bị. Hiện giá dịch vụ y tế mới kết cấu được 2 yếu tố bao gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp.

Theo ông Thuấn, năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ theo yêu cầu và hoàn thiện danh mục kỹ thuật để tính định mức kỹ thuật làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Quang cảnh buổi họp báo

“Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu. Chúng tôi cho rằng đây việc cần thiết, bởi nó là nhu cầu cần thiết của người dân, người bệnh. Chúng ta làm sao cố gắng giữ lượng người bệnh ở lại, thay vì để họ ra nước ngoài điều trị” – ông Thuấn nêu.

Dự kiến, ông Thuấn nói, trong năm 2023 sẽ ban hành Thông tư giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, trong đó đưa yếu tố thứ 3 (chi phí quản lý) vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở Nhà nước.

Bộ Y tế cũng sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự kiến đưa ra hướng dẫn phương thức tính toán và giao quyền cho các cơ sở tự quyết định giá.

Thông tin thêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Đỗ Trọng Hưng chia sẻ, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, giá khám, chữa bệnh được tách thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là giá khám, chữa bệnh đối với cơ sở tư nhân, vẫn thực hiện theo luật 2009, tức là cơ sở được tự quyết định theo cơ chế thị trường.

Nhóm thứ 2 là nhóm đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước, thì có 4 yếu tố hình thành giá theo quy định pháp luật về giá, gồm cả dự thảo luật Giá đang trình Quốc hội.

“Dù vẫn có 4 yếu tố hình thành giá giống như tư nhân, nhưng phương thức định giá có sự khác biệt so với tư nhân, vì tư nhân đầu tư từ đầu tới cuối trong định giá có các yếu tố như đất đai, lợi nhuận. Đối với nhà nước cung cấp dịch vụ công, có rất nhiều yếu tố hình thành giá đã được nhà nước đầu tư thì khi định giá ta không thể tính toàn bộ được” – ông Hưng nói.

Vẫn theo Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế, Luật giao Bộ Y tế quy định phương pháp định giá, áp dụng chung cho cả nhà nước, tư nhân, là biện pháp để kiểm soát giá của cả nhà nước, tư nhân trong khám chữa bệnh.

Luật cũng giao cho Bộ trưởng Y tế quy định một số loại giá, trong đó có giá dành cho người có thẻ bảo hiểm y tế và giá dành cho người không có thẻ bảo hiểm y tế.

“Người không có thẻ bảo hiểm y tế đương nhiên có mức giá làm cơ sở để thanh toán. Bên cạnh đó, BHYT không thanh toán toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp, do vậy luôn có một nhóm giá không thuộc phạm vi, quyền lợi BHYT chi trả” – ông Hưng phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang