“Một tương lai số mở, tự do và an toàn cho tất cả”

Thứ Sáu, 03/02/2023 21:04  | GIẢN THANH SƠN

|

(CAO) Thỏa thuận số toàn cầu (GDC) là một trong 16 tiến trình đang được thảo luận tại Liên hợp quốc (LHQ) để triển khai các sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ trong Báo cáo Nghị sự chung (OCA) nhằm đưa ra các nguyên tắc cho “một tương lai số mở, tự do và an toàn cho tất cả”. Quá trình trao đổi, xây dựng GDC sẽ diễn ra bắt đầu từ tháng 02/2023 cho đến khi thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai tháng 09/2024.

Phiên tham vấn không chính thức đầu tiên của Tiến trình liên chính phủ nhằm thảo luận và đưa ra Thỏa thuận Số Toàn cầu tại trụ sở LHQ ở New York

Mới đây, tại trụ sở LHQ ở New York, Đại diện Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tham dự phiên tham vấn không chính thức đầu tiên của Tiến trình liên chính phủ nhằm thảo luận và đưa ra Thỏa thuận số toàn cầu (GDC).

Đại sứ Việt Nam cho rằng bên cạnh những lợi ích có được, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết. Do đó, việc xây dựng GDC là cần thiết, để thúc đẩy một thế giới số an toàn, công bằng và phát triển hơn cho mọi người dân. Theo đó, cần phải bảo đảm mục tiêu kết nối phổ cập toàn cầu vào năm 2030, mọi người được tiếp cận với Internet, các công nghệ và dịch vụ số với chi phí phải chăng, song đồng thời cũng cần phải bảo đảm an ninh và an toàn của việc tiếp cận, của hệ thống và hạ tầng số.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng việc xây dựng GDC là rất cần thiết để thúc đẩy một thế giới số an toàn, công bằng và phát triển hơn cho mọi người dân

Về phương hướng thảo luận sắp tới, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng tuy GDC là tiến trình liên chính phủ, do các quốc gia giữ vai trò chủ đạo, song cần tạo điều kiện cho thành phần tư nhân tham gia để tiến trình được toàn diện hơn với sự đóng góp cụ thể và hiệu quả.

Bên cạnh đó, GDC cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, theo đó mọi quốc gia và các bên liên phải tuân thủ đầy đủ chủ quyền quốc gia trong không gian mạng, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Là một nước có nhiều kinh nghiệm và đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử, hướng tới kinh tế và xã hội số, Việt Nam cam kết sẽ tham gia và đóng góp tích cực vào tiến trình này nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Trước đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ở New York, đã tiếp Đại sứ Sophea Eat, tân Trưởng Phái đoàn thường trực Campuchia tại LHQ đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang tiếp Đại sứ Sophea Eat, tân Trưởng Phái đoàn thường trực Campuchia tại LHQ

Trong không khí thân mật, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tân Đại sứ Campuchia trong nhiệm kỳ công tác, chúc mừng thành công và cảm ơn nỗ lực của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022.

Đại sứ Sophea Eat cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của Việt Nam trong năm qua, là một giai đoạn đầy thách thức do ảnh hưởng tồn đọng của đại dịch COVID-19; mong muốn được lắng nghe kinh nghiệm và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng như trong tổng thể hợp tác giữa các nước ASEAN.

Hai Đại sứ đã cùng chia sẻ những quan tâm chung tại LHQ và mong muốn ngày càng khăng khít, đạt thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc và tạo đà thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Campuchia láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, cùng phát triển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang