Công an TPHCM khởi tố 14 bị can liên quan sai phạm đăng kiểm phương tiện đường thủy

Thứ Sáu, 17/02/2023 09:43

|

(CAO) Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng và đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.

Sáng nay (17-2), Công an TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết quả điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm. Tham dự họp báo có lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP, Phòng Tham mưu, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát đường thủy; Viện kiểm sát nhân dân TPHCM...

Tại họp báo, Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP đang điều tra vụ án "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hồi lại “Giả mạo trong công tác", "Sản xuất mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TPHCM và các tỉnh.

Thượng tá Trần Thị Kim Lý thông tin tại buổi họp báo

Theo Thượng tá Lý, quá trình mở rộng điều tra, ngày 5-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP tiếp tục tiếp nhận được tố giác về tội phạm đối với các sai phạm, tiêu cực trong quá trình đăng kiểm phương tiện thủy nội địa xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 6 (địa chỉ số 130 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, do ông Phạm Việt Phương làm giám đốc) và Chi cục Đăng kiểm số 9 (địa chỉ số 102 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do ông Hoàng Văn Duy làm giám đốc) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

 

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, ngày 16-2-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng và đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn, gồm:

- Hoàng Văn Duy, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9 cùng 3 đăng kiểm viên của Chi cục này: Lê Hải Hòa, Vũ Phương Huy, Nguyễn Văn Hiển; 6 đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 6: Phạm Việt Dũng, Phạm Tiến Bình, Phạm Văn Dương, Nguyễn Văn Duẩn, Mai Ngọc Cường, Nguyễn Văn Đồng cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự.

- Bốn đối tượng Thái Việt Anh, Bùi Long Khương, Phạm Mạnh Hùng, Dương Xuân Chế về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ, quyết liệt điều tra làm rõ bản chất của vụ án để xử lý triệt để các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, làm rõ những sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm phương tiện thủy.

Bị can Hoàng Văn Duy, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9 - Cục Đăng kiểm Việt Nam
 
 
 
 
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tống đạt các quyết định đến các bị can

Thượng tá Trần Thị Kim Lý cho biết thêm, sai phạm đăng kiểm phương tiện đường thủy tại hai Chi cục Đăng kiểm trên, thì khi phương tiện được đưa tới đăng kiểm, một số đăng kiểm viên tại đây đã bỏ qua lỗi khiếm khuyết như không đưa lên đà, không có thiết bị an toàn, PCCC, không chạy thử máy. Nhưng do nhận tiền của chủ phương tiện, người môi giới nên đã cấp chứng nhận đạt để đưa vào lưu thông. Tính chất mức độ việc nhận hối lộ Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin sau.

 

Tại họp báo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự CATP cho biết, hiện hai Chi cục Đăng kiểm số 6 và số 9 vẫn hoạt động bình thường, người dân, doanh nghiệp vẫn có thể đi đăng kiểm phương tiện bình thường.

Đại diện VKS nhân dân TPHCM cho biết việc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can của Cơ quan điều tra là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Các quá trình này đã được Viện kiểm sát giám sát theo đúng các quy định.

Đại diện Công an TPHCM thông tin thêm, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Thành ủy TPHCM và Ban Giám đốc Công an TPHCM, thời gian vừa qua, các lực lượng thuộc CATP tập trung phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Kết quả đấu tranh đã xác định có nhiều hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm nên đã tập trung điều tra để xử lý triệt để.

Tính đến ngày 17-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố 128 bị can để điều tra về các hành vi sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm, trong đó có Đặng Việt Hà – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Trần Anh Quân, quyền Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam; cùng nhiều lãnh đạo, nhân viên Phòng kiểm định xe cơ giới; giám đốc, phó giám đốc, nhân viên của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở TPHCM và các tỉnh cùng các đối tượng khác có liên quan.

Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành khám xét tại nhiều Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TPHCM và Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, như: 5 TTĐK do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc là TTĐK 62-03D (Long An), 71-02D (Bến Tre), 83-02D (Sóc Trăng), 66-02D (Đồng Tháp), 63-03D (Tiền Giang); TTĐK 50-15D (TP.Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc; TTĐK 50-07V (Q.Bình Tân), 50-10D (H.Củ Chi), 50-17D (H.Nhà Bè)... Ban chuyên án đã tạm giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Hiện nay Cơ quan CSĐT CATP vẫn đang khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị chức năng mở rộng điều tra, xử lý triệt để, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khám xét tại Chi cục Đăng kiểm số 6 (địa chỉ số 130 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM)

* Ngoài ra, Công an các tỉnh, thành cũng đã khởi tố điều tra nhiều vụ án, khởi tố, bắt giam nhiều bị can liên quan đến sai phạm của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại địa phương. Tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều tối 2/2, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã nhấn mạnh: "Có thể nói đây là vụ án tham nhũng, có tổ chức, hành vi sai phạm có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc các trung tâm đăng kiểm gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ, ký duyệt mã đăng kiểm, thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả về phanh, khí thải...".

Cơ quan điều tra khám xét Chi cục Đăng kiểm số 9 (địa chỉ số 102 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trung tướng Tô Ân Xô nói thêm: “Đây là lý do tại sao có một số phương tiện xe cơ giới trước khi đến trung tâm đăng kiểm "các thiết bị đều kêu, trừ còi". Sau khi "làm phép" tại trung tâm đăng kiểm, cấp phép hoạt động thì vẫn trong trạng thái "các thiết bị đều kêu, trừ còi". Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội, là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn thương tâm tại các khu vực đèn đỏ, ngã tư.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết từ khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm thì có dư luận cho rằng làm như vậy là ảnh hưởng tới người dân.

“Đây là thông tin không đúng bởi từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ban hành bất kỳ một văn bản tố tụng nào về dừng, tạm dừng, đình chỉ hoạt động đối với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Quá trình này hoàn toàn thực hiện đúng luật, chỉ thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của đối tượng”, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.

Qua vụ việc trên, Bộ Công an cũng đã kiến nghị tới Bộ Giao thông Vận tải về các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

Trước đó, ngày 12/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tại buổi họp báo vào chiều cùng ngày thông tin về kết quả phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm “không phải là tham nhũng “vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang