Nông dân điêu đứng vì ruộng mía cháy ngùn ngụt dưới trời nắng nóng

Thứ Tư, 15/02/2023 20:46

|

(CAO) Mới đầu mùa khô, tình trạng mía cháy đang liên tục xảy ra trên các cánh đồng ở tỉnh Gia Lai. Hầu hết, các vụ cháy không tìm ra thủ phạm, còn nông dân như ngồi trên đống lửa bởi đứng trước nguy cơ tay trắng trong vụ mía năm nay.

Mía cháy... bất thường

Nông dân Lê Đình Chơn ngồi bần thần nhìn cánh đồng mía ngút ngàn của mình ở xã Phú An, H.Đak Pơ (Gia Lai) đang bị cháy.

Mía cháy tại ruộng mía ông Chơn.

Hơn 4 héc-ta ruộng mía của ông hôm nay tiếp tục cháy. Ngày hôm qua, ông phát hiện cháy ở ruộng mía của mình, liền gọi lực lượng Cảnh sát PCCC khu vực TX.An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) đến dập lửa. Rất nhanh, 3 xe chữa cháy cùng 20 chiến sỹ PCCC có mặt dập lửa để cứu cả cánh đồng mía thôn An Phong (xã Phú An). Sau nhiều giờ chữa cháy, ngọn lửa được dập tắt. Hơn 1,7 héc-ta mía của ông Chơn bị thiêu rụi.

“Hôm nay, tôi thuê người đến thu hoạch số mía cháy. Đến gần 11 giờ trưa, tôi lại phát hiện ruộng mía của người dân bên cạnh bị cháy. Trời nắng nóng với gió mạnh, trong tích tắc ngọn lửa lan nhanh ra cánh đồng mía. Sợ cháy lan sang ruộng mía của gia đình, tôi đã cố phát bờ bao để ngăn lửa. Những tưởng sẽ cứu được số mía còn lại, ai dè bị ngộp khói, ngã xuống mương nước, suýt chết”, ông Chơn thở dài.

Ông Chơn thất thần ngồi bệt trên ruộng mía vừa bị cháy.

Đến 12 giờ trưa, sau khi thiêu rụi 2,5 héc-ta mía của hàng xóm, lửa cũng bén đến ruộng mía của ông Chơn. Ông Chơn lần này không gọi Cảnh sát PCCC, vì lửa cháy nhanh và lan rộng. Chỉ 30 phút sau, 2,3 héc-ta còn sót lại sau vụ cháy hôm qua, giờ cũng phủ một màu đen. Trên cánh đồng ngổn ngang mía cháy, ông Chơn ngồi bệt ra giữa đất chết lặng.

Tranh thủ thu hoạch mía cháy.

Một góc khác, ông Hồ Chí Linh (ngụ xã Phú An) cũng đang điện thoại liên tục, thông báo cho nhà máy mía đường xuống xác nhận cánh đồng mía của gia đình bị cháy. “Khoảng 11 giờ, thấy điện thoại báo cuộc gọi của bạn trồng mía, tôi đã có cảm giác bất an. Đến khi bắt máy, bạn nói mía nhà ông cháy lớn. Tôi chạy một mạch ra, thì lửa đã bén khắp cánh đồng, không làm gì được nữa”, ông Linh nói trong thất vọng.

Theo ông Linh, khoảng 2,5 héc-ta mía của gia đình đã đến mùa thu hoạch bị cháy sạch. Mía cháy khiến trữ lượng đường giảm sút, cây mía vì thế bị mất giá. Để tiêu thụ sớm, gia đình buộc phải thuê nhân công chặt mía gấp rút và thuê xe tải chở mía đến nhà máy. 

Mía cháy rất khó dập lửa.

Sau khi nghe tin hộ ông Linh và ông Chơn mía bị cháy, cán bộ nhà máy đường tức tốc vào hiện trường kiểm tra. Tại đây, cán bộ nhà máy đường cho biết, mía cháy không rõ nguyên nhân, thì chủ hộ chỉ cần có xác nhận của trạm nhà máy đường là được ưu tiên mua và hỗ trợ giá. Nếu mía thu hoạch ngày đầu tiên sau khi bị cháy, giá chỉ thấp hơn khoảng 40.000 đồng/tấn so với mía thường. Còn càng để lâu, giá mía cháy sẽ thấp hơn nữa.

Ông Trần Vũ Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, nguyên nhân mía cháy là do chủ quan của con người. Điều đáng nói, nguy cơ mía bị cháy trên diện rộng luôn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi mía cháy người nông dân không kịp trở tay. Lửa bốc cao ngùn ngụt, lan nhanh cả ruộng mía. Hầu hết nông dân đều không có phương tiện dập lửa chuyên nghiệp mà chỉ có cách làm đường băng cản lửa.

Tại H.Krông Pa (Gia Lai), trước và sau Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra các vụ cháy mía, với khoảng 10,7 héc-ta. Nguyên nhân cháy mía hiện tại chưa được xác định. Mía cháy gây thiệt hại lớn cho người trồng mía về sản lượng, chất lượng mía giảm. Ước tính chi phí thiệt hại của nông dân trồng mía do bị cháy khoảng 15 triệu đồng/héc-ta.

Cánh đồng mía vừa bị cháy.

Điều tra nguyên nhân mía cháy

Vụ mía 2023, toàn vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đã có khoảng 250 héc-ta mía bị cháy, tăng gấp 5 lần so với vụ mía năm 2022. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc, chỉ đạo tập trung triển khai công tác phòng chống cháy mía trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu UBND HChư Sê chỉ đạo Công an huyện tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân mía cháy, xử lý nghiêm các đối tượng đốt mía (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nguy cơ cháy tại các cánh đồng mía vẫn rất cao.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy mía trong mùa khô; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; thông báo cho chủ mía liền kề và chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh khẩn trương, ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân…

Bình luận (0)

Lên đầu trang