Bệnh viện tỉnh Bình Dương đã có thuốc điều trị trở lại

Thứ Sáu, 06/03/2020 17:04

|

(CATP) Báo Công an TPHCM ngày 2-2 có bài Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương: Hầu hết bệnh nhân phải mua thuốc điều trị.

Sau khi báo phát hành, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc, phản ánh thực trạng nơi này hết thuốc điều trị.

Điều đáng mừng là đầu tháng 3-2020, hầu hết các loại thuốc theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) đã có trở lại, để cấp phát cho bệnh nhân (BN).

Ông Văn Quang Tân - Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương - xác nhận, thời gian qua nơi này rơi vào tình trạng hết thuốc, không có vật tư y tế (VTYT) điều trị cho BN. Nhờ báo chí đăng thông tin mà công tác chấm thầu và thủ tục được tiến hành nhanh hơn, cuối tháng 2-2020 các gói thầu mua thuốc đã được thực hiện. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc cho người bệnh thuộc diện BHYT đã được khắc phục.

Cũng theo ông Tân, việc thiếu thuốc BHYT là do thuốc thuộc diện này phải mua theo kết quả đấu thầu (ĐT) tập trung của tỉnh, nhưng kết quả ĐT mua thuốc của BV đã hết hiệu lực từ tháng 3-2019. Tháng 7-2019, BN đến khám và điều trị đông, trong khi BV không có thuốc dự trữ "gối đầu" nên rơi vào tình trạng thiếu thuốc BHYT, vì vậy các bác sĩ (BS) phải kê đơn cho BN ra ngoài mua. Sau hơn 6 tháng rơi vào tình trạng hết thuốc BHYT, đến nay BV đã có thuốc trở lại. Hiện người bệnh đến khám, điều trị theo diện BHYT đã được cấp phát thuốc đúng quy định.

Sau kết quả đấu thầu đợt I vào cuối tháng 2, BVĐK tỉnh Bình Dương đã có 883 loại thuốc và 60 loại đặc trị (biệt dược) theo diện BHYT cung cấp cho người bệnh. Gói thầu thứ II dự kiến tổ chức vào thời gian tới. Tính đến nay, BV đã có hơn 90% loại thuốc để cấp phát, điều trị cho người bệnh. Trong khi đó, gói thầu VTYT với 55 khoản đến nay vẫn chưa được giải quyết là do nằm trong gói thầu số II.

Việc tổ chức ĐT bằng hình thức tập trung do Sở YT quản lý như hiện nay khiến BV không chủ động được nguồn thuốc cũng như điều tiết VTYT phục vụ việc điều trị. Với gói thầu tập trung phải lập hội đồng thẩm định, thời gian chuẩn bị cho gói thầu ít nhất cũng phải mất 3 - 6 tháng, rất dễ xảy ra gián đoạn trong khâu khám, cấp thuốc cho người bệnh theo diện BHYT.

Mặt khác, các gói thầu cung cấp thuốc cho BV thường chỉ kéo dài 12 tháng, nhưng công tác chuẩn bị mất 4 - 6 tháng, vừa gây tốn kém, lãng phí về thời gian trong khi BV lại không chủ động được nguồn thuốc cấp phát cho BN.

Cũng theo ông Tân, hiện Bảo hiểm xã hội (BHXH) ấn định thuốc BHYT theo từng năm cho BV là điều vô lý. Nếu BN đến khám và điều trị nhiều vào đầu năm, BV phải cấp phát thuốc theo toa BS thì BN đến khám sau (vào dịp cuối năm) rơi vào tình trạng BV hết thuốc, khiến họ phải chịu thiệt thòi.

Mặt khác, thuốc BHYT đang được khoán trắng cho từng BV, nhưng vấn đề thanh quyết toán cho BV thường kéo dài. Tại BVĐK tỉnh Bình Dương, vấn đề thanh quyết toán theo diện BHYT từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được quyết toán hết...

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đã có thuốc bảo hiểm y tế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian các BV công trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra tình trạng hết thuốc là do ảnh hưởng bởi việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện hàng loạt sai phạm tại Sở YT tỉnh.

Từ những dấu hiệu sai phạm này, KTNN đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong việc ĐT thuốc và VTYT trong năm 2017, khiến công tác ĐT thuốc và VTYT cho các BV bị chậm tiến độ.

Những sai phạm được phát hiện gồm: Sở YT Bình Dương mua sắm trực tiếp trang thiết bị sai quy định mà không qua ĐT đối với 2 gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh có tổng giá trị trên 679 tỷ đồng. Sở YT tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp VTYT sai quy định cho BVĐK tỉnh với tổng giá trị trên 2,2 tỷ đồng; tự tổ chức chấm thầu và lựa chọn nhà thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc trái quy định, giá cao hơn quy định gây thiệt hại cho Quỹ BHXH trên 4,8 tỷ đồng.

Sở YT tỉnh Bình Dương còn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn đưa vào kế hoạch ĐT nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, phối hợp... trái quy định, có giá trị cao hơn quy định trên 9,3 tỷ đồng.

Bệnh viện đa khoa Bình Dương: Bệnh nhân phải tự mua thuốc điều trị?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang