Tuy nhiên nhiều tháng qua, đơn vị này phải hoạt động trong tình trạng thiếu thuốc khiến hàng nghìn bệnh nhân (BN) lo lắng. Muốn điều trị, người bệnh đành phải ra ngoài mua thuốc.
BỆNH NHÂN CẤP CỨU TRONG TÌNH TRẠNG... HẾT THUỐC!
Trong khi dịch viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp thì suốt nhiều tháng liền, BVĐK Bình Dương lại rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị. Có mặt tại đây những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, chúng tôi ghi nhận hầu hết người đến khám và điều trị tại bệnh viện (BV) đều không được cung cấp thuốc, nên theo yêu cầu, bác sĩ (BS) đành phải kê đơn cho họ ra ngoài mua. Trong khi đó, tại cổng chính BV có 7 nhà thuốc tư nhân hoạt động trong tình trạng chật kín BN chờ mua.
Đang điều trị tại khoa Cấp cứu của BV này, anh Nguyễn Khắc Nhật - làm việc ở Công ty Điện lực Bình Dương - nhập viện trong tình trạng viêm tủy cấp với những cơn đau quặn. Ngay từ khi được đưa vào đây, anh đã phải đóng 2 triệu đồng tiền tạm ứng, nhưng BV lại không có thuốc điều trị.
Trong lúc vật vã với những cơn đau, BN này đã rơi từ trên giường xuống đất, nhưng cuối cùng vẫn không có thuốc điều trị! Bác sĩ đã phải kê đơn 4 loại thuốc No Spa, Phopha Luycl, Insulin Nirtairl, Insulin để người nhà ra ngoài mua, với tổng số tiền 2,7 triệu đồng.
Đem thắc mắc đi hỏi BS, thì người nhà nhận được câu trả lời: BV đã hết thuốc điều trị. Qua hơn 1 tuần nằm tại đây, anh Nhật phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua thuốc.
Nằm tại khoa Nội tổng hợp hơn 10 ngày với bệnh lý tràn dịch màng bụng, anh Trần Quốc Loan cũng không có thuốc điều trị. Theo BN này, mỗi ngày vào lúc sáng sớm, khi BS đi khám cho BN đều kê đơn thuốc cho anh ra ngoài mua.
Thời gian điều trị tại đây, anh được BS kê 9 đơn thuốc nhưng đều phải mua ở các tiệm bên ngoài với tổng số gần 20 triệu đồng. Theo anh Loan, tất cả các khoa trong BV đều rơi vào trường hợp tương tự.
Người bệnh phải tự mua thuốc điều trị
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thế (46 tuổi) bị gãy xương đùi, nằm điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, cũng lâm cảnh tương tự. Do vết thương khá nặng, phải phẫu thuật nên chi phí tăng cao.
Để điều trị, BS đã kê chỉ định bảy loại thuốc cho người nhà ra ngoài mua, nhưng do mất máu nhiều trong quá trình phẫu thuật, anh Thế phải truyền thêm, song BV không có dây truyền nên người nhà phải ra tiệm thuốc Tây mua về mới tiến hành được.
Anh Thế thuộc diện hộ nghèo của địa phương, mỗi lần ra ngoài mua thuốc mất vài triệu đồng nên gia đình phải đi vay mượn để có tiền điều trị cho anh.
Ngoài thuốc thì vật tư YT tại BV đa khoa Bình Dương cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt. Bà Lê Thị Hồng (68 tuổi, ngụ P.Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) có chồng đang chạy thận nhân tạo tại khoa này ngậm ngùi kể: "Chồng tôi chạy thận 2 lần/tuần, mạng sống lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc. Thời gian gần đây, mỗi khi vào phòng chạy thận, nhân viên YT đưa tờ giấy ghi sẵn các loại dụng cụ, vật tư YT, yêu cầu tôi ký tên đồng ý ra ngoài mua. Trong tình cảnh này đành phải làm theo thôi, vì nếu không thì ông nhà tôi chỉ có chết".
MUA THUỐC BÊN NGOÀI HOẶC CHẤP NHẬN CHUYỂN VIỆN
Ở khoa Khám bệnh, trong ba tháng trở lại đây, người dân đến khám đều được BS kê đơn ra ngoài mua thuốc. Nếu người bệnh thắc mắc thì được giải thích ngắn gọn "BV đã hết thuốc"! Theo phản ánh của người dân, sự việc kéo dài đã hơn ba tháng, không chỉ ở BVĐK Bình Dương, mà còn tại một số BV công trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận của PV tại BVĐK Bình Dương, người dân đến KCB đều được BS kê đơn và yêu cầu ra ngoài mua thuốc. Tại phòng khám số 23 - chuyên về nội tiết của BV, nhóm người bệnh cao tuổi vừa mệt mỏi vì phải chờ đợi vừa xót xa chứng kiến cảnh người bệnh ngậm ngùi cầm toa ra ngoài mua.
Bà Trần Thị Tấp (69 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một) cho biết, bị tiểu đường di căn nên thường xuyên đến khám, điều trị tại đây. Trước đây bà còn được BV phát thuốc đầy đủ, nhưng thời gian gần đây các BS đều chỉ định ra ngoài mua.
"Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mỗi lần như thế tốn khoảng 800 ngàn đồng tiền thuốc, đành phải ráng vay mượn người thân để mua uống, vì bệnh tật khó lường", bà chia sẻ.
Hành lang khoa Nội của bệnh viện chật kín bệnh nhân, nhưng nhiều người phải tự mua thuốc điều trị
Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Mười (59 tuổi, ngụ TX Bến Cát) cho biết, bị bướu cổ và tăng men gan, thường xuyên khám và điều trị tại BV, tuy nhiên khoảng ba tháng nay, ông đều thấy BS ghi trong đơn chỉ định ra ngoài mua thuốc.
Với một số loại thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp và những chứng đặc trị, người bệnh phải ra ngoài mua đã trở nên phổ biến. Mỗi lần như thế mất khoảng 400 ngàn đến 1 triệu đồng.
Ông Lại Quang Thọ, cán bộ hưu trí sống tại KP9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, bị tiểu đường tuýp 2, tim mạch, dạ dày, phải khám hàng tháng tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một. Hai tháng trước, ông được báo là hết thuốc và chuyển lên BVĐK tỉnh. Hai tháng nay, ông phải ra ngoài mua thuốc với số tiền phát sinh gần 2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, các cán bộ trung cao cấp đều được chuyển lên BV Chợ Rẫy, Bình Dân, Thống Nhất... ở TPHCM điều trị, việc di chuyển vì thế rất tốn kém cho người bệnh. Tuy nhiên, điều nhiều BN băn khoăn đặt câu hỏi là vì sao ngành YT tỉnh Bình Dương không dự trù đủ cơ số thuốc để phục vụ người bệnh?
Sau hơn 3 tháng gắng gượng với tình trạng này, BVĐK Bình Dương đã đưa ra thông báo "hết thuốc" để người bệnh lựa chọn một trong hai giải pháp tình thế: mua thuốc bên ngoài hoặc chấp nhận chuyển viện.
Trao đổi với chúng tôi, BS Văn Quang Tân - Giám đốc BVĐK Bình Dương - thừa nhận tình trạng trên. Theo ông, điều này không chỉ xảy ra với BVĐK tỉnh Bình Dương, mà cả hệ thống Y tế công lập của tỉnh cũng đang rơi vào tình trạng hết thuốc. Nguyên nhân một phần do các gói thầu mua thuốc của ngành Y tế tỉnh bị chậm vì vướng thủ tục hành chính, cũng như chưa chọn được nhà thầu cung cấp thuốc.
Bác sĩ Tân cho biết, nếu giải quyết được khâu này thì thời gian tới, các gói thầu mua thuốc lớn sẽ được triển khai, tình trạng khan hiếm thuốc trong các BV sẽ được khắc phục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những thông tin liên quan về vấn đề này.