(CATP) Sau gần 3 năm Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có kết luận thanh tra "Việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng công chức đối với Sở Du lịch Kiên Giang", nhưng Sở không thực hiện kết luận. Cán bộ có trình độ chuyên môn không đúng nhiệm vụ vẫn đương chức gây bức xúc dư luận.
Quyết định bổ nhiệm lạ lùng
Ngày 18-9-2019, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang ban hành Kết luận số 1104/KL-SNV về việc chấp hành các qui định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng công chức đối với Sở Du lịch. Theo đó, Sở tồn tại những hạn chế như: công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, hồ sơ công chức chưa đầy đủ, có trường hợp trình độ chuyên môn chưa phù hợp với đề án vị trí việc làm; công tác lập, quản lý hồ sơ công chức còn thiếu các thành phần hồ sơ theo qui định... Theo đó, có bà Huỳnh Thị Thanh Tâm, Phó Chánh thanh tra bổ nhiệm năm 2018 khi chưa có bản nhận xét, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền đối với công chức tại thời điểm thực hiện quy trình bổ nhiệm là chưa đúng.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết nơi đây đã nhận thông tin. Sắp tới, Ủy ban kiểm tra sẽ thành lập đoàn giám sát kiểm tra việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát ở Sở Du lịch Kiên Giang.
Ngoài ra, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Du lịch khắc phục những thiếu sót đối với 3 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đúng theo trình độ chuyên ngành. Cụ thể, ông Trần Thanh Hải, Chánh Thanh tra, trình độ chuyên môn Đại học Công nghệ thực phẩm. Ông Tăng Chí Nguyên, Trưởng phòng Quản lý du lịch, trình độ chuyên môn Đại học Sư phạm và ông Trần Văn Linh, Phó phòng Quản lý du lịch, trình độ chuyên môn Đại học Sư phạm Anh.
Trước những sai phạm trên, Sở Nội vụ yêu cầu Sở Du lịch phải triển khai thực hiện các nội dung theo kết luận báo cáo về sở trước ngày 3-10-2019. Đối với 3 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đúng trình độ chuyên ngành theo đề án vị trí, việc làm được phê duyệt, đề nghị đơn vị có biện pháp khắc phục sớm.
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang không khắc phục hậu quả trong việc bổ nhiệm sai
Không thực hiện kết luận thanh tra
Tuy nhiên, vụ việc rơi vào im lặng kéo dài. Ông Tăng Chí Nguyên về hưu, ông Trần Văn Linh lên giữ chức Trưởng phòng Quản lý du lịch. Ông Trần Thanh Hải vẫn cương vị Chánh Thanh tra khi trình độ nghiệp vụ Đại học Công nghệ thực phẩm. Tám tháng sau (ngày 21-5-2020), Thanh tra Sở Nội vụ Kiên Giang ra công văn số 26/TTr "V/v đôn đốc thực hiện Kết luận thanh tra của Sở Nội vụ”. Theo công văn này, cho đến nay Thanh tra sở vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra của Sở Du lịch. Vì vậy, đề nghị Sở Du lịch báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Nội vụ trước ngày 12-6-2020 theo đúng qui định của pháp luật.
Cũng như những lần trước, Sở Du lịch không báo cáo. Ngày 17-7-2020 trong Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang về "Kết quả giám sát Chi bộ Sở Du lịch" đã chỉ ra hàng loạt "hạn chế, khuyết điểm" đối với tập thể và cá nhân ông Trần Chí Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ ra nhiều trường hợp bổ nhiệm chưa phù hợp về trình độ chuyên môn, theo Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở Du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ủy ban kiểm tra yêu cầu khắc phục ngay những hạn chế theo kết luận của Sở Nội vụ tỉnh ngày 18-9-2019.
Ngày 12-8-2020, ông Hồ Minh Hải, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có công văn gửi Sở Du lịch Kiên Giang, tiếp tục yêu cầu phải thực hiện đúng, đầy đủ theo Kết luận đã ban hành nói trên và thực hiện nghiêm theo Thông báo số 454-TB/UBKTTU của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy... Và thật lạ lùng, một vụ việc đơn giản nhưng vì sao gần 3 năm qua lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang không thể thực hiện được?
Ngoài các kết luận, thông báo nói trên của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, Bộ Nội vụ cũng từng lên tiếng về công tác cán bộ ở Sở Du lịch tỉnh này. Hiện ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch đã về hưu nhưng cán bộ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không đúng trình độ chuyên môn vẫn chưa khắc phục. Lẽ nào Sở Du lịch lại xem thường Thông báo kết luận của Ủy ban kiểm tra và kết luận thanh tra của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang? Đây rõ là minh chứng "trên bảo, dưới không nghe", không thực thi đúng pháp luật?