Đồng Tháp:

Chi 15 tỷ đồng để giảm tỉ lệ tái phạm tội

Thứ Năm, 14/04/2016 20:27

|

(CAO) Mỗi năm, toàn tỉnh có trên dưới 1.000 đối tượng được tha tù nhưng tỉ lệ tái phạm ở mức cao. UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định chi 15 tỷ đồng để thực hiện "Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng" và câu lạc bộ "Người hoàn lương". Nhờ vậy sau hơn một năm thực hiện giảm khoảng 10% tỉ lệ tái phạm tội.

Từ “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng”…

Qua điều tra và thống kê của Công an tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2002 – 2012 toàn tỉnh có có 6.791 đối tượng tù tha về cư trú trên địa bàn, tỉ lệ tái phạm là 19%. Nguyên nhân tái phạm là thiếu rèn luyện, chưa chấp hành sự quản lý và giáo dục của gia đình, địa phương, không có việc làm. Đa số đối tượng chấp hành xong án phạt tù đều là lứa tuổi lao động, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Trong khi đó chưa được xóa án tích vì vậy không thể tiếp cận được nguồn vay vốn từ các chính sách xã hội. Sau khi khảo sát 3.963 trường hợp thì có 2.665 người có nhu cầu vay với tổng số vốn gần 37,5 tỷ đồng.

Công an tỉnh và huyện kiểm duyệt sồ sơ cho các đối tượng tại Châu Thành

Xuất phát từ quan điểm trên, ngày 7-7-2014, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định thành lập Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng với số vốn ban đầu là 3 tỷ và đến tháng 8-2015 được bổ sung thêm 7 tỷ, nâng tổng số vốn nguồn quỹ lên 10 tỷ đồng.

Đến nay, quỹ đã giải ngân 3 đợt cho 296 đối tượng tù tha với số tiền là 7 tỷ 345 triệu đồng, trong đó, đợt 1 vào tháng 12-2014, cho 110 người với số tiền là 2 tỷ 345 triệu; đợt 2 vào tháng 6-2015, cho 22 người với số tiền là 555 triệu đồng; đợt 3 là 11-2015, cho 164 người với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Việc vay vốn tập trung vào các ngành nghê như: chăn nuôi, trồng trọt, mua bán…

Để đảm bảo nguồn quỹ được bảo tồn và phát triển thì Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ PC81, PV28, PC64 phối hợp với công an các địa phương thường xuyên xuống địa bàn cơ sở để kiểm tra thực tế việc kinh doanh, sản xuất của những người được vay vốn. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vay nhưng không sử dụng đúng mục đích hoặc thu hồi những trường hợp không triển khai dự án…

Theo đó, tổng số cho vay đợt 1 trong toàn tỉnh có 107/110 người thực hiện dự án đạt kết quả tốt. Đến tháng 12-2015, các đối tượng vay đã đóng lãi với số tiền trên 70 triệu đồng.

Từ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn quỹ mà các đối tượng sau khi ra tù xây dựng được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả. Điển hình là trường hợp của ông Lê Vũ Hùng (49 tuổi, ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò). Ông kể, ngày xưa, vì tranh chấp đường thoát nước mà ông lấy chĩa đâm ông Sáu Bon thủng bụng, qua giám định thương tích là 18%. Sau đó, ông bị phạt 2 năm tù giam. Do chấp hành án tốt ông được mãn hạn trước 8 tháng. Đến khi ra tù thì kinh tế gia đình rất khó khăn và còn phải lo 2 đứa con đi học, may mắn được hỗ trợ vay 25 triệu đồng để sản xuất. Mỗi năm, ông Hùng làm 4 vụ rẫy, mỗi vụ có nguồn lợi nhuận từ 50 – 250 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông được ổn định, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, trong khi đó chỉ đóng lãi 750.000 đồng/năm.

Nhờ nguồn quỹ mà ông Hùng có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thái (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành). Anh kể, khi đang học ngành Chăn nuôi thú y của Trường Đại học Cần Thơ thì tông trúng một nam thanh niên đang chạy xe và anh này tử vong sau đó. Ngoài bồi thường 60 triệu đồng thì anh bị tuyên phạt 3 năm tù giam. Nhờ cải tạo tốt nên 18 tháng được tha tù. Được biết, nhờ 30 triệu đồng tiền vay mà anh Thái mở rộng chuồng chăn nuôi gà và heo nái. Tổng lợi nhuận mỗi năm trên 60 triệu đồng.

…Đến câu lạc bộ “Người hoàn lương”

Nhằm tập hợp, thu hút người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm phám luật...Công an tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thành lập mô hình: “Câu lạc bộ người hoàn lương”. Đến nay, toàn tỉnh có 4 Câu lạc bộ (CLB) với số vốn giải ngân là 1 tỷ 160 triệu đồng cho 9 trường hợp ở phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, với số tiền 185 triệu đồng; 8 trường hợp ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, với số tiền 195 triệu đồng; 15 trường hợp ở TP. Cao Lãnh, với 390 triệu đồng và 15 trường hợp với số tiền 390 triệu đồng tại xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình.

Qua hỗ trợ của nguồn quỹ đã kéo giảm tỉ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2013 đến cuối năm 2015 giảm từ 19% xuống còn dưới 10%. Từ kết quả đáng khích lệ trên, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục bổ sung thêm 5 tỷ đồng vào nguồn quỹ.

Đại tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tự phám (PC81) cho biết: “Mỗi năm, toàn tỉnh có trên dưới 1.000 đối tượng được tha tù. Việc hỗ trợ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù có tác động tích cực nhằm từng bước loại bỏ tính tự ti, mặc cảm, kỳ thị xa lánh đối với những người có quá khứ lầm lỗi.

Ngoài ra, khi đối tượng tù tha được vay vốn cũng là điều kiện để lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thăm gặp, giáo dục, giúp đỡ không để cho họ có nguy cơ, điều kiện tái vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, họ sẽ tác động rất lớn đến những đối tượng tù tha khác tại địa bàn dân cư cũng như nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội hiểu đúng hơn về công tác tái hóa nhập cộng đồng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang