(CAO) Giải quyết việc làm cho lao động mãn hạn tù, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng là chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước. Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.
Theo nội dung Quyết định này, đối tượng vay vốn bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Điều kiện vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có phương án vay vốn.
Ngoài ra, người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật mới đủ điều kiện để vay vốn.
Vốn vay được sử dụng để chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chi phí được sử dụng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo phương thức thông qua hộ gia đình. Cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn theo phương thức cho vay trực tiếp. Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đây là lần đầu tiên chúng ta có một chính sách tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù, một chính sách hết sức ưu việt. Qua đó, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, tạo việc làm cho bản thân và đặc biệt là tham gia vào thị trường lao động một cách đầy đủ, trở thành công dân có ích cho xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạo việc làm sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định 22 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng của đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù.