(CATP) Nằm tại vị trí đắc địa của trung tâm thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM có quá trình gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Công trình này có nét rất đặc trưng về kiến trúc.
Thư viện Khoa học tổng hợp là cái nôi vun bồi kiến thức trong tâm thức bao thế hệ trí thức, sinh viên thành phố. Mọi thay đổi tác động đến cảnh quan khu vực này đều cần xem xét thận trọng.
Vườn ươm tri thức
Vừa qua, dư luận trong giới trí thức và nhiều cán bộ hưu trí xôn xao về thông tin có doanh nghiệp được giao đất ở góc đường Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực (nằm trong khuôn viên của thư viện này) để xây dựng cao ốc 20 tầng.
Thông tin trên làm những người yêu các công trình kiến trúc cổ tại TPHCM băn khoăn, lo lắng. Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở vì mấy chục năm qua, thành phố đã xây mới nhiều cao ốc, công trình. Những di tích kiến trúc lịch sử của Sài Gòn 300 năm dần dần mai một. Xưởng Ba Son (công xưởng đóng tàu đầu tiên ở Đông Nam Á, cái nôi của phong trào công nhân cả nước), thương xá Eden, thương xá Tax vừa bị “xóa sổ”, giờ không lẽ lại đến lượt Thư viện Khoa học tổng hợp?
Thư viện Khoa học Tổng hợp
Khác với các công trình khác, thời Pháp thuộc, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), khám đường lớn nhất Nam Kỳ, được khởi công xây dựng từ năm 1886 đến năm 1890. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, nền đất này xưa kia là chợ Cây Da Còm, chuyên bán trống, lọng, yên ngựa và mão tú tài của Thành Gia Định. Tại Khám Lớn, thực dân Pháp có đặt một máy chém cao 4,5m, lưỡi dao nặng 50kg được đưa từ Pháp sang vào năm 1917. Bao thế hệ cán bộ cách mạng đã từng thể hiện khí tiết, phẩm chất trong nhà tù này, trong đó có các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Về sau, chế độ Việt Nam Cộng hòa cho phá hủy Khám Lớn để xây dựng thư viện quốc gia. Đồ án thiết kế thư viện do 2 kiến trúc sư (KTS) Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện vẽ, với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật - KTS Lê Văn Lắm.
Theo tài liệu của TTXVN, sau Hội nghị Giơnevơ, năm 1954, KTS Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của KTS Nguyễn Hữu Thiện. KTS Huỳnh Tấn Phát đã tham dự cuộc thi thiết kế Thư viện Quốc gia Sài Gòn (đồng tác giả với KTS Nguyễn Hữu Thiện). Công trình này được giới nghề và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối, chi tiết kiến trúc vừa hiện đại kết hợp với tính dân tộc.
Sau ngày giải phóng, Thư viện Quốc gia Sài Gòn được đổi tên thành Thư viện Quốc gia II trực thuộc Bộ Văn hóa. Từ năm 1978, thư viện đổi tên thành Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM. Với lịch sử hình thành trên 50 năm, thư viện này là vườn ươm kiến thức cho biết bao thế hệ sinh viên, trí thức, góp phần làm ra biết bao đề tài nghiên cứu, luận văn... Không gian, hàm lượng tri thức của thư viện này đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân và giới nghiên cứu TPHCM và của cả nước.
Nét đẹp đặc trưng của không gian di sản
Về vị trí, Thư viện Khoa học tổng hợp nằm trong vùng không gian di sản của thành phố. Gắn liền với nó là Bảo tàng Cách mạng, trước đó là Dinh Gia Long, một kiến trúc biểu tượng quyền lực thứ hai của Sài Gòn và của cả Đông Dương, chỉ sau Dinh Norodom tức là Hội trường Thống Nhất hiện giờ.
Nét đẹp về mỹ quan kiến trúc và giá trị về không gian lịch sử của cả quần thể kiến trúc này là vô giá. Đây là nét đẹp đặc trưng, là dấu ấn hồn cốt của kiến trúc cổ của thành phố. Bất cứ sự thay đổi nào về diện mạo, đất đai, kiến trúc đều cần được cân nhắc, trao đổi sâu rộng trong giới chuyên môn lẫn người dân thành phố.
Khu đất dự kiến xây dựng cao ốc
Không gian, đất đai đô thị để xây dựng cao ốc, khu thương mại cho thành phố vẫn còn nhiều, nhưng không gian di sản và kiến trúc đẹp đặc trưng cho Sài Gòn xưa thì còn quá ít. Muốn xây dựng thành phố trở thành số một, lấy lại danh hiệu “hòn ngọc Viễn Đông” thì không thể và không nên xóa bỏ những nét đẹp, giá trị văn hóa đặc trưng đã làm nên danh hiệu ấy. Nếu chúng ta phá bỏ hoặc lấn chiếm không gian văn hóa để xây khu thương mại thì người dân sẽ nhận được gì?
Hy vọng những nhà lãnh đạo của thành phố với tư duy hướng tới tương lai ở tầm cao phát triển sẽ bảo vệ nét đẹp, giá trị văn hóa của Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm qua.
Khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực (P.Bến Thành, Q1) nằm trong khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp. Sau năm 1975, một phần khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp (góc đường Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực) được bố trí cho một số cán bộ thuê sử dụng làm nhà ở. Từ năm 2008, các hộ gia đình thuê nhà trong khuôn viên được di dời.
Năm 2011, UBND TPHCM có quyết định chấp thuận giao khu đất trên cho một công ty sử dụng để làm văn phòng làm việc dưới hình thức cho thuê 50 năm. Theo phương án kiến trúc của công ty trên được đưa ra lấy kiến hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố ngày 12-11-2015, một khu phức hợp cao 20 tầng, chiều cao 80m, hệ số sử dụng đất 8.0có chức năng là văn phòng, khách sạn sẽ được xây dựng.
Được biết, theo đồ án đã được phê duyệt về quy hoạch 930 héc-ta khu trung tâm hiện hữu mở rộng, khu đất này được quy hoạch dành cho mục đích văn hóa, mật độ xây dựng không quá 40%, chiều cao công trình tối đa 5 tầng (20m)...
|
|
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và chính sách Quốc gia Trường ĐH KHXH& NV TPHCM:
Sẽ phá nát không gian văn hóa và quá tải dân cư, giao thông đô thị
Theo tôi, không nên xây dựng cao ốc thương mại ở khu vực Thư viện Khoa học tổng hợp vì tại đây đã hình thành quần thể kiến trúc, không gian văn hóa lịch sử. Nhét một cao ốc 20 tầng vào khu này sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, mỹ quan của khu vực trang nghiêm yên tĩnh, với các hoạt động nghiên cứu văn hóa lịch sử.
Hơn nữa, tôi đã nhiều lần góp ý với TP là không nên xây cao ốc ở khu vực trung tâm, vì làm như vậy sẽ tăng mật độ dân số và mật độ giao thông thành phố vốn đã quá tải và những con số thống kê cho thấy chỉ số mật độ dân cư TP khu vực này đã đến mức siêu đô thị.
Thành phố cần giữ lại mảng xanh, cần không gian thoáng đãng cho khu vực trung tâm vốn đã quá thừa những khu thương mại thương xá. Nếu cứ tiếp tục xây cao ốc, TP sẽ biến thành Hồng Kông thứ hai về bê-tông hóa và những ách tắc về hạ tầng cấp thoát nước sẽ không giải quyết được.
|