(CAO) Ngày 1-4, phát biểu trước Quốc hội, ông Huỳnh Thành - ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê- Kanak là “công trình sai lầm thế kỷ”, vì thủy điện này đã bức tử hẳn một vùng hạ du của hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
“Không có năm nào thủy điện An Khê- Kanak vận hành mà không có dân khiếu kiện, không bị hạn hán hay lũ lụt, hàng triệu người ở 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên bị ảnh hưởng”, ông Thành phát biểu.
Sau hơn 10 năm vận hành thủy điện An Khê- Kanak những hệ lụy nó mang lại với người dân vùng hạ lưu thì khó mà nói hết được, mùa khô thì dân lo hạn, mùa mưa thì lo thủy điện xả lũ.
Công trình "sai lầm thế kỷ" đang gây bức xúc cho người dân vùng hạ du
Đầu tiên phải kể đến, ngày 25-5-2011, nhà máy thủy điện An Khê- Kanak bất ngờ xả lũ cuốn trôi nhiều hoa màu, tài sản của người dân huyện Kbang. Ước tính thiệt hại của trận xã lũ không báo trước này đối với vùng hạ du là khoảng 10 tỷ đồng.
Giữa tháng 11-2013, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm thị xã An Khê (Gia Lai) trong biển nước. Lũ lên nhanh đến nỗi người dân không kịp trở tay, nhiều hộ gia đình đành bất lực nhìn tài sản mình trôi trong dòng lũ dữ. Người dân và chính quyền tiếp tục tố nhà máy thủy điện An Khê- Kanak xả lũ không báo trước.
Những tháng đầu năm 2016, trong cơn hạn hán lịch sử, hơn 200km vùng hạ lưu sông Ba trở thành “dòng sông chết”. Dòng nước chỉ còn chảy nhỏ giọt, ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vùng hạ du.
Dòng nước chảy ở Thủy điện An Khê-Ka Nak
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak mở cửa xả nước về sông Ba với lưu lượng nước không nhỏ hơn 4 m3/giây trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên theo bà Đặng Thị Yến - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê, không có dụng cụ đo để biết lượng nước nhà máy trả về sông Ba có đủ hay không.
Vào tháng 3-2016, Phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng đi kiểm tra thì phát hiện lưu lượng nước trả về không đủ 4 m3/giây. Ngay lập tức, Phòng đã có văn bản yêu cầu nhà máy chấn chỉnh.
Trao đổi qua điện thoại, ông Huỳnh Thành – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, khi nhà máy bắt đầu ngăn dòng, dưới hạ lưu không có nước nên đã kiến nghị nhà máy phải trả nước xuống để có dòng nước chảy dưới hạ nguồn. Nhưng do lợi ích phát điện nên có khi người ta xả, có khi không nên gây ra bức xúc liên tục và năm nào cũng vậy.
Ông Thành cũng lý giải sai lầm thế kỷ ở chỗ, khi xây dựng công trình chuyển hẳn nước của sông Ba về sông Côn (Bình Định) mà trên thế giới không có nước nào chuyển nước hết.