Với hi vọng mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân của mình, nữ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép tạng, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã ngày đêm thầm lặng "xin sự sống từ người chết".
Khi một cánh cửa này đóng lại...
TS BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM kể, cuối năm 2015 vừa qua, có 2 trường hợp đã hiến tạng. Cả 2 người đàn ông hiến tạng này đều ngoài 50 tuổi, cùng ngụ tại TP.HCM và cùng chết não do tai biến.
Trong 2 trường hợp trên, có một người tự hiến. Ban đầu gia đình người này định hiến một quả thận cho người thân bị suy thận, tuy nhiên sau khi được vận động, gia đình đã đồng ý hiến toàn bộ tạng và giác mạc.
Trường hợp thứ 2, gia đình đã từng nghe thông tin hiến tạng cứu người nhưng vẫn hoài nghi về chuyện này nên chưa muốn hiến tạng.
TS BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM
TS BS Dư Thị Ngọc Thu kể, con trai cả của người cho đa tạng này hỏi Đơn vị điều phối ghép tạng khi được vận động hiến tạng rằng: "Tôi biết chuyện này là làm việc thiện nhưng làm sao tôi biết được bác sĩ không lấy tạng này bán?".
“Trước một câu hỏi có phần hơi sốc nhưng rất thực tế đó, chúng tôi phải đứng ra giải thích để họ hiểu về quy trình cho nhận tạng mà trong đó các bác sĩ hay bất kỳ ai cũng không thể bán ra ngoài được. Khi họ hỏi câu đó, tôi thấy họ cũng đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này nên chúng tôi phải giải thích hết quy trình làm việc lấy ghép tạng để họ hiểu và đồng thuận. Một buổi giải thích xong, người này nói để về bàn với mẹ. Hai ngày sau họ trở đã lại nói đồng ý", bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Thu chia sẻ: "Việc cho nhận tạng như một cuộc chạy đua với thời gian. Vì những cơ quan nội tạng từ người hiến chết phải lấy ra kịp thời mới có thể sử dụng được. Nhưng việc hiến tạng ở Việt Nam còn rất mới nên để người nhà chấp thuận ngồi nói chuyện với mình trong hoàn cảnh đau đớn vô hạn vì mất người thân thì khó lắm, nếu không tế nhị, chúng tôi sẽ phải đối mặt với sự giận giữ của họ....".
Có khi phải thuyết phục đến 20 - 30 trường hợp thì mới có một trường hợp hiến tạng. Cũng có trường hợp, đã thuyết phục được gia đình nhưng khi chuẩn bị xong hồ sơ để gia đình ký cam kết hiến tạng thì người nhà lại đổi ý không đồng ý hiến nữa...n hưng nghĩ đến những người bệnh đang cần nguồn tạng ghép, bác sĩ Thu lại miệt mài công việc xin tạng.
...thì có đến 6 cánh cửa khác được mở ra
Khi nhu cầu được ghép các bộ phận của cơ thể tại Việt Nam bắt đầu gia tăng từ cuối thế kỷ trước, tình trạng mua bán nội tạng xuất hiện ở nhiều nơi. Để chặn đứng những hệ lụy cho xã hội, GS TS Trần Ngọc Sinh khi đó là Trưởng khoa Tiết Niệu của bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng quy trình và thực hiện công trình ghép tạng trên người cho chết não. Cho đến 6-2014, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức được thành lập.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, việc hiến tạng tự nguyện mà chúng tôi đang thực hiện thì trên nguyên tắc, cả gia đình người cho lẫn gia đình người nhận đều không biết nhau để tránh tình trạng trao đổi, mua bán.
Hơn nữa, để có thể nhận tạng từ người hiến, bệnh nhân cần phải có sự hòa hợp về nhóm máu và hòa hợp về miễn dịch với người hiến. Chính vì vậy, có những trường hợp nằm trong danh sách chờ rất lâu nhưng vẫn chưa được ghép tạng.
"Khi có người hiến bệnh viện sẽ xét nghiệm ngay miễn dịch của họ, lấy kết quả đó so với kết quả của những người đang chờ trên danh sách. Những xét nghiệm về miễn dịch của những người chờ luôn có sẵn, ai là người hòa hợp nhất thì người đó sẽ được ưu tiên, nếu điều kiện sức khỏe của họ bảo đảm cho cuộc mổ ghép”, bác sĩ Thu nói.
Một người có thể hiến nhiều loại mô, tạng cho người khác, từ mặt, mũi, xương, da, tứ chi đến lục phủ, ngũ tạng, chỉ trừ cơ và mô mỡ. Trong đó, tạng phủ là cần thiết hơn cả vì có những người bị suy thận, suy gan, suy tim… có nguy cơ tử vong rất cao trong một thời gian ngắn. Vì vậy, việc hiến tạng có thể sẽ cứu được những bệnh nhân đang giành giật sự sống từng ngày. Khi một bệnh nhân chết não hiến tạng có thể cứu sống được đến 6-7 bệnh nhân khác.
Một ca ghép gan thành công đang hồi sức tại Chợ Rẫy
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8.000 người đang chờ ghép thận, 1.500 người chờ ghép gan, 6.000 người cần được ghép giác mạc và hàng trăm người đang chờ ghép tim, phổi, tụy tạng nhưng nguồn tạng vô cùng khan hiếm.
TS BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, riêng trong năm 2015 có 7 trường hợp hiến tạng tại Chợ Rẫy, trong đó có 3 trường hợp hiến đa tạng. Nhờ vào lượng tạng hiến, các bác sĩ đã cứu sống được cho 23 người.
Trong số 7 trường hợp hiến đa tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2015, ngoài 2 trường hợp đăng ký hiến, thì cả 5 trường hợp còn lại đều là bác sĩ Thu đi động viên người nhà.
Ngoài ra, thời gian qua Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng đã nhận được hơn 1.000 trường hợp tình nguyện đăng kí hiến tạng khi qua đời từ khắp nơi trên cả nước gởi về bằng nhiều cách: đến trực tiếp tại bệnh viện, qua bưu điện và email. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Song hành trình xin tạng nhân đạo của các bác sĩ vẫn còn nhiều thử thách. Điều mà bác sĩ trăn trở là hiện các chính sách và nguồn kinh phí để vinh danh, tri ân, hỗ trợ cho gia đình người hiến tạng vẫn còn chưa được đủ đầy. Tuy nhiên, với các bác sĩ, họ vẫn luôn cố gắng những phần việc của mình tốt nhất, cứu người nhận để xứng đáng với người cho.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982, ngụ tại Tuy Phong, Bình Thuận), một trong những bệnh nhân vừa được bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép giác mạc từ người cho chết não chia sẻ: "Tôi thật sự rất vui mừng, như được hồi sinh sau 10 năm gần như sống trong lờ mờ của bóng tối".
Anh Nguyễn Văn Tuấn
Anh Tuấn kể, khoảng 10 năm trước, anh Tuấn làm nghề thợ sắt, trong lúc dùng cưa cắt sắt anh đã bị bụi sắt bắn vào mắt gây thủng giác mạc, để lại sẹo lớn dày, có dính bóng sau giác mạc. 5 năm sau mắt trái của anh loét nặng.
Anh Tuấn cho biết: "Từ ngày bị sự cố, anh chỉ thấy lờ mờ nên không đi làm được, chỉ ở nhà giữ con và chăm sóc mẹ già".
Lo sợ con mắt còn lại sẽ không còn nhìn được nữa anh Tuấn đã vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và may mắn đã có người hiến giác mạc cho anh.
Mẹ anh Tuấn, bà Đỗ Thị Ngộng (72 tuổi) nghẹn ngào nói: "Con được mổ mắt sáng lại, tôi rất vui. Tôi thành thật cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn người đã hiến giác mạc cho con tôi được sáng mắt".
Bà Đỗ Thị Ngộng
Do hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo, vợ anh đi mua ve chai mưu sinh, anh còn mẹ già nên đã được Ban giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy miễn toàn bộ viện phí cho cuộc ghép giác mạc này.