2 tháng "gánh" 4 sự kiện lớn
Cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi là một trong hai địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện quan trọng. Tính riêng từ nửa cuối năm 2024, tuyến đường này đã "ôm sô” nhiều sự kiện lớn.
Trong hai ngày 26 và 27/10, tại đường Lê Lợi diễn ra "Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2024". Sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 2022. Năm 2023, sự kiện này đã thu hút hơn 12.000 lượt khách. Năm nay, "Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2024" được kết hợp với "Tuần lễ quảng bá Hanbok 2024" và "Dự án thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm truyền thống Hàn Quốc ra nước ngoài 2024" do Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao Hàn Quốc tổ chức.
Từ ngày 25/11 - 09/12, tại đường Lê Lợi diễn ra "Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024", thu hút 221 vận động viên (VĐV) đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tại giải có 301 trận đấu diễn ra ở 5 nội dung: đơn nam (52 VĐV), đơn nữ (42 VĐV), đôi nam (45 đội), đôi nữ (26 đội) và đôi nam nữ (42 đội). Sau một tuần diễn ra giải đấu, đội tuyển Thái Lan xuất sắc giành ngôi vô địch 4/5 nội dung.
Đường Lê Lợi là một trong những địa điểm thường xuyên tổ chức sự kiện
Sáng 12/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP tổ chức chương trình "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" tại đường Lê Lợi. Đây là sự kiện thường niên mang tính chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của TPHCM và các tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, gìn giữ và phát huy giá trị các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, những giá trị đặc sắc trong văn hóa nghệ thuật của các địa phương. Năm nay, chương trình quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu với hơn 500 sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền của hơn 30 tỉnh, thành phố Việt Nam.
Sắp tới, cũng tại đường Lê Lợi, TP tiếp tục tổ chức hàng loạt sự kiện quan trọng có quy mô lớn. Từ ngày 27 - 29/12, Sở VHTT TP chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Liên hoan Múa rối và Liên hoan Nhạc kèn TPHCM năm 2024 với sự tham gia của 26 đơn vị nghệ thuật và hơn 1.100 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên...
Nhằm quảng bá võ thuật Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy giao lưu văn hóa và phát triển du lịch thể thao của TP, từ ngày 20 - 23/12 tới, tại đường Lê Lợi sẽ diễn ra Liên hoan Võ thuật quốc tế TPHCM 2024, thu hút đông đảo VĐV, chuyên gia và người hâm mộ võ thuật từ nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Uzbekistan, Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Để tổ chức các sự kiện này, đường Lê Lợi sẽ bị rào chắn, phong tỏa. Sở GTVT thường xuyên ra thông báo cấm các phương tiện GT. Điển hình, nhằm tổ chức "Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2024", từ 24 - 28/10, Sở GTVT thông báo cấm xe lưu thông vào phần đường dành cho ôtô trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pastuer). Người điều khiển phương tiện GT phải di chuyển vào đường hỗn hợp trên đường Lê Lợi.
Với diện tích "khủng" mặt bằng rộng rãi, Công viên bờ sông Sài Gòn là điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện
Từ ngày 25/11 - 09/12, Sở GTVT TP thông báo cấm các phương tiện lưu thông vào phần đường dành cho xe ôtô trên đường Lê Lợi để tổ chức "Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024". Xe cộ sẽ lưu thông vào làn xe hỗn hợp trên đường Lê Lợi.
Đối với sự kiện "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" và sự kiện Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHMC lần 4 - "Hò dô” 2024, mới đây, Sở GTVT TP thông báo từ ngày 05 - 19/12/2024 sẽ cấm các phương tiện lưu thông vào phần đường dành cho ôtô trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến đường Phan Bội Châu).
Sở GTVT lưu ý, người điều khiển phương tiện GT cần chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết GT, CSGT hoặc theo hướng dẫn của hệ thống biển báo GT trên đường. Đối với cá nhân, tổ chức trong khu vực bị ảnh hưởng có nhu cầu lưu thông trong thời gian bị hạn chế, đề nghị cá nhân, tổ chức đó liên hệ trực tiếp với Sở VHTT để được hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông.
Những hệ lụy trước mắt
Việc toàn tuyến đường Lê Lợi bị phong tỏa, khiến lộ trình phải thay đổi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, nhất là giờ cao điểm. Ghi nhận vào tối 13/12/2024 (khai mạc sự kiện "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024") cho thấy, tại hai giao lộ Lê Lợi - Pasteur và Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tình trạng ùn ứ xảy ra liên tục khiến lực lượng CSGT khá vất để điều tiết, người đi bộ phải luồn lách giữa một "rừng" xe mới qua được. Tối 14/12, tình trạng GT tại hai giao lộ trên không khá hơn, nhiều chỗ kẹt cứng, xe cộ phải nhích từ tí, có xe chạy lên lề.
Anh Lê Văn Hòa, ngụ Q3 cho biết, anh thường xuyên lái xe ngang tuyến đường Lê Lợi. Bình thường, chỉ mất khoảng 30 phút từ công ty để về nhà, tuy nhiên vào những hôm có sự kiện, tuyến Lê Lợi chỉ còn một làn đường duy nhất cho lưu thông, xe cộ rồng rắn nối đuôi, nhích từng chút. Nhiều hôm, mất gần cả tiếng đồng hồ, anh Hòa mới về đến nhà.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuyên, ngụ TP.Thủ Đức, phàn nàn: "Chỉ tính riêng lượng khách đến mua sắm, ăn uống, thưởng thức văn hóa nghệ thuật và khách du lịch lui tới đã làm cho đường Lê Lợi rất đông đúc. Nếu tổ chức thêm các sự kiện nổi bật khác, tuyến đường này thường xuyên ùn ứ, kẹt xe. Sự kiện diễn ra vào các dịp lễ, Tết, mức độ ách tắt càng nghiêm trọng hơn. Không chỉ vã mồ hôi để di chuyển, việc "chôn chân" trên đường cũng khiến người ta đổ bệnh vì khói xe, bụi bặm...".
Mỗi lần có sự kiện tổ chức, đường Lê Lợi thường bị phong tỏa, gây ùn ứ, kẹt xe
Đáng chú ý, đường Lê Lợi là một trong ít tuyến đường hai chiều, các tuyến xung quanh phần lớn là đường một chiều nên khi đường Lê Lợi bị phong tỏa, xe cộ liền bị dồn sang các đường xung quanh như: Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Huỳnh Thúc Kháng... Các tuyến đường này phải "gánh" thêm một lượng lớn phương tiện cho đường Lê Lợi khiến nạn ùn ứ "thành cục", ách tắc thường xuyên.
Không những vậy, đối với những người không rành đường, khi đường Lê Lợi bị phong tỏa, họ không biết đi đường nào. Chị Nguyễn Thị Mến, quê An Giang, cho biết: "Tôi từ dưới quê lên TP làm việc, hàng ngày đi qua đường Lê Lợi. Khi tuyến đường này bị cấm lưu thông, tôi không biết phải di chuyển đường nào cho tiện. Mở Google map ra dò đường, có bữa đi theo bản đồ lòng vòng nên trễ cả giờ làm".
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến GT, không ít người dân gặp khó khăn trong việc tìm chỗ gửi xe. Vào những hôm tổ chức sự kiện, tình trạng xe cộ để lung tung, nhiều chỗ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Không ít người "ăn theo" sự kiện đã lập một số bãi xe tự phát, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và khách du lịch. Sau mỗi sự kiện, rác được vứt tràn lan, ảnh hưởng tới môi trường, mỹ quan đô thị.
Cần giải pháp lâu bền
Trước thực trạng GT thường xuyên bị quá tải, nhiều người dân trong khu vực bày tỏ tâm tư, các cơ quan chức năng của TP cần xem xét, chọn một số địa điểm khác để chia sẻ áp lực, nhằm giảm tải, tiến tới trả lại chức năng GT cho đường Lê Lợi.
Theo người dân, ngoài đường Lê Lợi thì Công viên 23/9 là một trong những địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện. Công viên này chỉ cách đường Lê Lợi khoảng 500m, giáp 4 mặt tiền, mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng, gần "Phố Tây", thuận lợi trong việc đi lại của người dân và dễ dàng thu hút khách du lịch.
Công viên Lê Văn Tám cách đường Lê Lợi chừng 1km, cũng là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện. Công viên này cũng có mặt bằng rộng, chỗ để xe, nhà vệ sinh công cộng, 4 mặt đều giáp đường, thuận lợi cho GT và di chuyển của người dân.
Trước đây, 2 công viên trên thường xuyên được lựa chọn để tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều sự kiện lớn được tổ chức trên đường Lê Lợi, khiến hai địa điểm này bị "ế".
Một địa điểm khác rất lý tưởng để tổ chức các sự kiện lớn là Công viên bờ sông Sài Gòn, cách tuyến Lê Lợi chỉ hơn cây số. Công viên này rộng hơn 20 héc ta, được đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đi vào hoạt động từ cuối năm 2023. Với mặt bằng rộng rãi, đường sá thông thoáng (rộng 40m), sở hữu "view triệu đô", Công viên bờ sông Sài Gòn không chỉ là điểm ngắm cảnh, vui chơi, giải trí mà còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện. Việc tổ chức các sự kiện tại công viên này không chỉ giảm áp lực GT cho đường Lê Lợi mà còn giúp quảng bá hình ảnh TP.Thủ Đức nói riêng và TP mang tên Bác nói chung ra bạn bè trong nước và thế giới.