Đề xuất miễn học phí ở tất cả các cấp
Sở GD-ĐT TPHCM vừa hoàn thành dự thảo xin miễn HP cho HS từ năm học 2025 - 2026. Theo dự thảo nghị quyết (NQ), Sở GD-ĐT đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ HP cho trẻ mầm non, học sinh trung học phổ thông (THPT) công lập, ngoài công lập và học viên GD thường xuyên THPT trên địa bàn TPHCM từ năm học 2025-2026. Các HS đang theo học tại cơ sở giáo dục (CSGD) có vốn đầu tư nước ngoài không nằm trong diện được miễn HP.
Mức hỗ trợ là HP áp dụng cho trẻ mầm non, học sinh THPT đang theo học tại CSGD phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo NQ 12/2024/NQ-HĐND ngày 16/7/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố (HĐNDTP) về quy định mức HP đối với GD mầm non, GD phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TPHCM.
Mức hỗ trợ HP này tương đương với mức HP mà HS phải đóng hiện nay, thời gian áp dụng: Từ năm học 2025 - 2026. Dự toán kinh phí thực hiện chính sách năm học 2025 - 2026 là 338 tỉ đồng (trong đó công lập 277 tỉ đồng, ngoài công lập 61 tỉ đồng).
Tại TPHCM, hiện nay HS tiểu học trường công lập, trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS đã được miễn HP. Như vậy, chỉ còn trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT phải đóng HP theo quy định.
Quảng Bình là tỉnh còn khó khăn nhưng đã miễn, giảm học phí với tất cả các cấp học từ niên khóa 2023-2024 Ảnh: TTXVN
Việc miễn HP là món quà ý nghĩa, thiết thực đối với toàn bộ học sinh TP, qua đó tạo dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính sách miễn HP nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ sau khi gia nhập Mạng lưới thành phố (TP) học tập toàn cầu của UNESCO, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 5 TP nằm trong mạng lưới TP học tập toàn cầu trên thế giới được UNESCO công nhận, gồm: TPHCM, Sơn La, Hải Dương, TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), TP. Vinh (tỉnh Nghệ An). Mục tiêu của những TP học tập toàn cầu là triển khai chiến lược học tập suốt đời vì sự phát triển đô thị toàn diện, bền vững; là chìa khóa để giải quyết các thách thức về gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, duy trì sự bền vững.
Nhiều tỉnh, thành đã miễn học phí
Cho đến thời điểm này, có 9 tỉnh, TP miễn HP 100% cho HS từ mầm non tới hết lớp 12 trong các CSGD công lập năm học 2024-2025 là Quảng Bình (miễn phí từ năm 2023-2024), Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Trong đó có những địa phương đã miễn HP 100% cho HS từ mầm non tới hết lớp 12 ở năm học trước (2023-2024) là Hải Phòng, Đà Nẵng.
Theo tính toán thực tế, chi phí học mầm non công lập tại TPHCM khoảng 25 triệu đồng/năm. Nếu học mầm non tư thục, quốc tế, chi phí mỗi năm có thể từ 72 triệu đồng/năm cho tới hơn 350 triệu đồng, bao gồm HP, tiền điện, tiền nước uống. Các loại phí khác bao gồm tổ chức, phục vụ, quản lý, vệ sinh bán trú; dịch vụ (DV) ăn sáng, DV nhân viên nuôi dưỡng, DV sử dụng máy lạnh của lớp có máy lạnh, DV tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tiền khám sức khỏe ban đầu (bao gồm nha học đường) đóng 1 lần trong năm, tiền học tiếng Anh...
Do vậy, việc miễn HP đối với HS các lớp mầm non giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Luật GD năm 2019: "Học sinh tiểu học trong CSGD công lập không phải đóng HP". Từ ngày 01/9/2024, trẻ mầm non 5 tuổi được miễn HP, theo quy định tại Khoản 6, Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Từ cuối tháng 5/2024, để chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập và tiền đóng HP theo Nghị định 81. Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các CSGD nghiêm túc thực hiện quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2024-2025.
Bộ GD-ĐT từng đề nghị miễn toàn bộ học phí với bậc THCS
Từ năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn HP cho học sinh THCS theo lộ trình.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức sáng 04/7/2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ HP cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023. Cho ý kiến về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, theo tinh thần là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh HP phù hợp, không gây khó khăn cho người dân và HS.
Trên thực tế, một số địa phương đã miễn HP cho HS các cấp từ năm học 2020-2021, như TP. Hải Phòng đã thực hiện với HS từ bậc mầm non và THCS, từ niên khóa 2021-2022 miễn phí cho HS bậc THPT. Quảng Bình là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng lại là 1 trong 5 địa phương tiếp tục miễn, giảm HP với tất cả các cấp học từ niên khóa 2023-2024.
Từ những năm đó, TPHCM cũng muốn miễn HP bậc THCS nhưng chưa làm được vì vướng cơ chế, cho đến năm học 2024-2025 mới miễn HP cho HS bậc THCS.
Còn nhớ, từ năm 2013, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã đề nghị nên gọi thẳng là "GD bắt buộc 9 năm miễn HP", tức miễn phí hoàn toàn cho HS đến cấp THCS. Mặc dù vậy, cho đến nay chỉ một số địa phương miễn phí cho HS tới bậc phổ cập (THCS). Được biết tỉ lệ chi ngân sách trung bình cho GD hàng năm của Việt Nam trong 10 năm qua ở mức 15%-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đây cũng là mức đầu tư cho GD khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam như Singapore (3,2%), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%), Hàn Quốc (5,2%), Hồng Kông (Trung Quốc) (3,5%), theo số liệu năm 2018.
Trong khi đó, với mức đầu tư tương đương hoặc thấp hơn, nhiều nước đã miễn phí GD cho đến bậc THPT, trong đó có cả Campuchia. Hiện rất nhiều nước trên thế giới, như Phần Lan, Thụy Điển, Argentina, Brazil, Cuba, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Lebanon, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Uruguay... đều miễn HP ở tất cả các cấp học.
Nhiều nước trên thế giới xem GD phổ thông miễn phí là động lực để đất nước phát triển. Giáo dục miễn phí là GD được tài trợ thông qua ngân sách chính phủ hoặc các tổ chức từ thiện. Nhiều mô hình GD miễn phí đã được đề xuất trên thế giới. Bậc tiểu học hoặc các chương trình GD bắt buộc được miễn phí học tập ở nhiều quốc gia (thường không bao gồm tiền sách giáo khoa). Giáo dục đại học cũng được miễn phí ở một số nước. Các quốc gia Bắc Âu giàu có thậm chí còn hỗ trợ cả chương trình học sau đại học.
Giáo dục miễn phí giúp trao cơ hội GD bình đẳng cho tất cả mọi người khi làm giảm bớt những rào cản tài chính cho HS, sinh viên và gia đình họ. Hệ thống này cho phép các nhóm có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với GD và tạo ra cộng đồng học tập đa dạng hơn - điều cuối cùng mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Đầu tư cho GD-ĐT phải là quốc sách hàng đầu, được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.