Gieo chữ giữa đại ngàn: Nghịch cảnh (kỳ 2)

Thứ Sáu, 13/12/2024 12:13

|

(CATP) Có những ước mơ có thể viết ra được bằng lời, nhưng cũng có những ước vọng bị nén chặt thành giọt nước mắt. Cái nghèo và sự hẩm hiu của phận số đã giấu đi đôi cánh ước mơ của không ít trẻ nhỏ người Raglay, khiến những "đôi chân trần" nơi miền sơn cước không thể bay cao, tiến xa với những ước vọng mà các em hằng ấp ủ.

Nụ cười của người mẹ điên

Miền thượng mùa này lạnh lắm. Gió bấc lùa qua truông núi trườn lên mép đá kéo cong cành lâu, quất từng cơn vào da thịt những đứa trẻ. Căn nhà tạm chưa trám xi-măng của chị Cao Thị Lính (thôn Giá Răng, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) nằm khuất sau triền đồi, gió thốc mạnh làm cánh cửa tôn rung lên bần bật. Người đàn bà trong chiếc áo sờn vai ngồi ở góc nhà, đưa đôi tay hơ trên bếp lò, miệng nhoẻn cười vô thức, ánh mắt vô định. "Huy ơi, dậy đi học", bên ngoài có tiếng gõ cửa. Chị Lính bừng tỉnh nhưng vẫn nụ cười ấy, chị hối con trai nhanh chân theo cô giáo đến trường.

Người mẹ nghèo điên dại tựa cửa nhìn theo đứa con được cô giáo và chú công an đưa đến trường mỗi ngày: Bước tới Huy nhé!

Người đàn bà đó là mẹ của em Cao Văn Huy - học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Thành, huyện Khánh Sơn - bị hội chứng tâm thần đã mấy năm nay. Ở cái buôn này, nói về cái nghèo thì đếm sao cho xuể, nhưng nghèo trong cơn bĩ cực như hoàn cảnh mẹ con Huy thì chỉ có một mà thôi! Ba năm trước, Huy cũng có mái ấm gia đình đúng nghĩa, nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi sinh mạng người cha cũng trong một đêm mưa sa, gió lốc. Kể từ ngày ấy, chị Lính trở nên ngây dại. Bệnh mỗi lúc thêm trầm trọng, không có tiền chạy chữa, chị trở thành người đàn bà điên lúc nào không hay.

Rất may là bé Huy ngoan và rất sáng dạ, nhưng để em có thể đến lớp đều đặn, các thầy, cô mỗi ngày phải đến nhà đón em đi học. Đó dường như là công việc cố định của các giáo viên Trường Tiểu học Khánh Thành, không chỉ dành cho Huy mà còn với nhiều học sinh khác ở địa phương. Người Raglay bao đời nay đều bám nương, bám rẫy, bám rừng để sống, cũng vì thế mà sự học có lẽ còn quá mơ hồ trong cái bụng cần ấm no hơn kiến thức! Nhưng nếu không có kiến thức thì làm sao có sự no ấm bền vững? Hiểu được điều đó, những chiến sĩ tình nguyện trên mặt trận giáo dục tại huyện Khánh Vĩnh đã không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, quyết tâm đưa các em đến lớp.

"Con có ước mơ gì không?", chúng tôi hỏi. "Có! Con ước sau này được làm công an giống như ông chú trong làng con. Chú cũng là người Raglay như con, nhờ học giỏi mà được làm công an" - Huy rụt rè đáp. Chúng tôi hỏi tiếp: "Vậy con có thương mẹ không?". "Có, con thương lắm! Mẹ bị bệnh nên cứ cười miết. Con mong mẹ hết bệnh" - Huy vò tay, nói. Có lẽ trí óc ngây thơ của một đứa trẻ đang hiểu rằng chứng bệnh của người mẹ là điều rất... khó nói! Nhưng xin hãy tin rằng nụ cười của người mẹ chính là sự chuyển hóa của ngàn giọt nước mắt. Nỗi đau một khi đã đến vô lượng thì nụ cười ấy dẫu có ngây ngô cũng là niềm vui mà Giàng ban tặng để cuộc sống của con vơi đi bất hạnh. Và Huy, chính là động lực vô giá mà Giàng giữ lại để người mẹ bước qua nỗi nhọc nhằn.

Giọt nước mắt tủi thân của em Trúc rơi vào lòng chúng tôi

Nước mắt của đứa trẻ bạc phần

Có đi và gặp những phận đời ngang trái, chúng ta mới thấy bản thân mình còn may mắn. Chúng tôi đến nhà em Tro Thị Thanh Trúc (học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) cũng trong một buổi chiều đông hiu hắt. Thoáng thấy đoàn chúng tôi, Trúc ngại ngùng bám lấy cây nạng tự chế, lết đi trong nặng nhọc. Một chân của em đã bị tật nguyền do người cha đánh đập.

Sẩm tối một đêm của bốn năm về trước, cha của Trúc là Cao Nguyễn (người Raglay, ở thôn K,Tơ, xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) sau trận rượu bét nhè lảo đảo bước về nhà. Từ đâu trong tai Nguyễn vang lên tiếng gọi của thần chết: "Mày đi chết không? Đi chết đi chứ Giàng không cho sống nữa. Nếu đi thì đưa thêm ai đó đi cùng, chứ dưới này lạnh lắm". Nó cứ như điều gì đó thôi thúc khiến em không thể kiểm soát được bản thân, để rồi ngu dại xuống tay với con mình" - Nguyễn thuật lại những gì mắc phải khi ấy cho chúng tôi nghe.

"Hổ dữ không ăn thịt con", nhưng trong khoảnh khắc hóa rồ do rượu, Nguyễn đã chụp lấy cây bấm móng tay đâm điên cuồng vào người đứa con bé bỏng của mình. Tiếng hét của Trúc vang thấu trời, nhưng cả chị Tro Thị Vun - mẹ Trúc - và hàng xóm đều không cứu kịp, do Nguyễn đã khóa cửa. Hàng chục vết đâm xuyên vào vùng tủy xương sống dẫn đến biến chứng khiến Trúc liệt một chân và suy thận nặng. Đến nay, sau ba năm từ ngày ác mộng xảy ra, Trúc vẫn cố gắng vượt lên số phận để đến lớp. Ngôi trường nằm khuất sau quả đồi, còn hành trang của em chỉ là đôi chân nặng nhọc. Và có lẽ con đường đi tìm con chữ của Trúc ngày càng trở nên mông lung, khi gia đình không đủ khả năng lo cho em bước tiếp.

Các vết thương để lại di chứng tật nguyền cho em Tro Thị Thanh Trúc sau đêm kinh hoàng

"Em có muốn tiếp tục đi học không?" - nghe chúng tôi hỏi, cả Trúc và chị Vun nước mắt bỗng chực trào, rồi cả hai như nghẹn lại, nói không thành lời. Tận sâu trong tâm khảm của Trúc có lẽ chưa bao giờ vụt tắt niềm hy vọng về một tương lai rộng mở. Nhưng biết tựa vào đâu để đến được bến bờ rộng mở ấy?

Hỏi Nguyễn rằng anh có thấy ân hận và xót con mình không? Người cha cúi gằm mặt, lắp bắp: "Lúc đó không phải là con người em nữa rồi". Ánh mắt đầy tội lỗi của Nguyễn phút chốc lóe lên sự ăn năn, nỗi day dứt đến tận tâm can. Bản án 4 năm tù có lẽ đã đủ nghiêm minh để trừng trị hành vi nhẫn tâm của người cha, mặc dù vậy hậu quả để lại là điều không thể cứu vãn. Đó là bản án của lương tâm!

Buổi chiều ở buôn nghèo vốn đã ảm đạm lại càng thêm nặng trĩu trước hoàn cảnh nhói lòng của những phận đời đầy nghịch cảnh. Nước mắt chảy lúc nào không hay! Trên đường về, chúng tôi ai nấy đều lặng lẽ khi nỗi ray rứt đã chạm đến tột cùng. Quả thật có những ước mơ có thể viết ra được bằng lời, nhưng cũng có những khát vọng bị nén chặt thành giọt nước mắt. Cái nghèo và sự hẩm hiu của phận số đã giấu đi đôi cánh ước mơ của không ít trẻ nhỏ người Raglay, khiến những "đôi chân trần" nơi miền sơn cước không thể bay cao, tiến xa với những ước vọng mà các em hằng ấp ủ...

Vừa dạy vừa dỗ

Thầy Trần Hữu Năm - Phó hiệu trưởng Trường Trung học dân tộc nội trú Khánh Sơn - chia sẻ lại câu chuyện nhiều năm về trước, khi anh từng gõ cửa từng nhà học sinh để thuyết phục các em đến lớp: "Lúc đó có em nói rằng nếu ngày mai mà còn thấy thầy vào đây nữa là em ấy bỏ nhà đi luôn. Tôi nghe mà giật bắn người. Nhưng lương tâm người thầy giáo không cho phép chúng tôi bỏ cuộc! Thua keo này, chúng tôi bày keo khác. Thay vì trực tiếp vào buôn vận động, chúng tôi thông qua bạn thân của em ấy, rồi nhờ chính quyền xã, bà con chòm xóm, mỗi người rỉ một tai. Vậy mà biện pháp ấy lại có tác dụng. Khoảng tuần sau lại thấy em ấy quay về trường, chúng tôi ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Thế mới thấy đối với công tác giáo dục dành cho người đồng bào thì vừa dạy vừa dỗ đúng theo nghĩa đen của nó mới đạt hiệu quả”.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang